Tiêu điểm

Cần lắm những lãnh đạo sâu sát dân

(VNF) Một cán bộ lão thành nhận xét: 'Với 3 tân Bí thư Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, tôi thấy đủ tư chất để trở thành nhà lãnh đạo thành công. Nhưng kinh nghiệm từ bản thân tôi thì 3 vị lãnh đạo này cần biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước'.

Cần lắm những lãnh đạo sâu sát dân

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng thăm mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Củ Chi, TP HCM hôm 18-2. Ảnh: Bạch Đằng

Nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, ông Phạm Thế Duyệt, nhận xét như vậy trước những chuyến vi hành hiệu quả của lãnh đạo các tỉnh, thành.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội  Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã kịp thời đưa ra chủ trương, quyết định hay xuống địa bàn trực tiếp chỉ đạo hết sức cụ thể. Ông nghĩ gì về tác phong hành động của 2 vị tân Bí thư?

Ông Phạm Thế Duyệt: Mặc dù 2 tân Bí thư mới xuất hiện trước và sau Tết được ít ngày nhưng qua những hoạt động, công việc, lời nói hết sức cụ thể ở Hà Nội và TP HCM đã thể hiện rõ tình cảm, ý thức trách nhiệm trước nhân dân, thể hiện rõ trách nhiệm trước sự phân công của Bộ Chính trị, trung ương. Những hoạt động, tuyên bố của 2 tân Bí thư như một sự quyết tâm, lời hứa trước 2 Đảng bộ và nhân dân.

Hành động của 2 Bí thư cũng rất cụ thể, sâu sát như trồng cây, xuống đồng... ở Hà Nội hay chăm lo vấn đề giao thông, an ninh trật tự, an toàn, an sinh xã hội của TP HCM. Chắc chắn rằng 2 vị Bí thư này cũng đang trăn trở, suy nghĩ để triển khai việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, đưa ra những quyết sách mang tầm chiến lược.

Nhiều người mới nhận nhiệm vụ thường hay thận trọng, bình tĩnh song việc 2 tân Bí thư ngay lập tức thể hiện chính kiến đối với Đảng bộ do mình phụ trách, đối với các cấp lãnh đạo để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân là cần thiết, rất đáng biểu dương. Tôi hoan nghênh thái độ rõ ràng, tinh thần thẳng thắn của 2 tân Bí thư. Qua hoạt động và lời nói cụ thể cho thấy 2 vị Bí thư đã không rụt rè, né tránh, thăm dò hay lấy lòng, đặc biệt là Bí thư Đinh La Thăng.

Ở cương vị một tân Bí thư, rất cần các đồng chí thẳng thắn thể hiện rõ chính kiến, quyết tâm trước Đảng bộ, cán bộ cấp dưới mà họ lãnh đạo. Những hoạt động của 2 tân Bí thư đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy 2 thành phố phát triển toàn diện là hết sức rõ rệt. Tôi tin 2 vị tân Bí thư sẽ phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Một số ý kiến cho rằng với cương vị của Bí thư Thành ủy thì công tác Đảng, xây dựng chiến lược, đường hướng mới là nhiệm vụ chính thay vì trực tiếp điều hành, chỉ đạo công việc cụ thể, tiểu tiết, lấn sân chính quyền. Quan điểm của ông thế nào?

Có đồng chí, bà con nào có ý này thì cũng lắng nghe, quan sát cho kỹ, đừng nên suy nghĩ cũ kỹ, một chiều. Bí thư là vị trí của một "tư lệnh" toàn diện, chịu trách nhiệm toàn diện, trong đó có việc đưa Hà Nội, TP. HCM phát triển mạnh về kinh tế, nếp sống văn minh hiện đại, có kỷ cương, an toàn trật tự…  Nhiệm vụ quan trọng thứ hai của Bí thư mà Đảng gọi là nhiệm vụ then chốt đó là xây dựng Đảng bộ, đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh.

Khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi may mắn công tác với 3 đời Chủ tịch UBND TP. HCM là anh Trần Tấn, anh Lê Ất Hợi và anh Hoàng Văn Nghiên. Tôi mạnh dạn nói rằng chưa bao giờ mình chậm trễ, biết việc mà không quyết, không chỉ đạo đối với công việc chung hay rất cụ thể của Hà Nội. Chưa bao giờ 3 vị chủ tịch có trao đổi đồng chí là Bí thư lấn sân, bao trùm, không phát huy anh em.

Trách nhiệm của Bí thư phải biết, phải sâu sát và nhiều lúc cần phải có hoạt động cụ thể. Bí thư phải lãnh đạo toàn diện nhưng cũng không để việc lớn, việc nhỏ, việc của dân lọt khỏi tầm mắt, không một việc đụng chạm đến quyền lợi của dân mà lại không biết; nếu cần thiết thì phải chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.

Song người "tư lệnh" chính trị cũng phải có trách nhiệm cùng với Thành ủy đưa thành phố đi lên, phát triển đúng hướng, nhân dân vui, Đảng bộ vững mạnh;  khơi dậy được toàn hệ thống chính trị, tập thể Thường vụ Thành ủy cùng vào cuộc, cùng quyết liệt như mình. Tập thể Thường vụ thì có người lo công tác Đảng, có người lo công tác hành pháp, có người lo công tác quần chúng, chăm lo người lao động, phản biện xã hội để Đảng biết điều sai - đúng... Người "tư lệnh" phải làm sao để cả đội quân này cùng tiến bước thì sức mạnh đó sẽ nhân lên rất nhiều.

Các vị tân Bí thư sẽ suy nghĩ và hành động thể hiện sự quyết tâm mãnh liệt như một ông bầu đội bóng để "câu lạc bộ" tiến lên nhịp nhàng, luôn giành thế chủ động, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nếu làm được vậy thì lòng tin của dân, của Đảng bộ sẽ rất vui mừng và yên tâm với công cuộc lo cho dân, lo cho người nghèo, người lao động, diện chính sách... Đặc biệt, Bí thư phải tập hợp được sức mạnh tập thể nhân dân toàn thành phố cũng như cả nước, kiều bào, bất kể ai miễn là có tấm lòng yêu nước, vì cái chung để lo cho thành phố đi lên.

- Tân Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng đem đến một luồng gió mới cho địa phương đầu tàu miền Trung. Ông đánh giá thế nào về vị Bí thư trẻ tuổi này?

Anh Nguyễn Xuân Anh có nhiều việc làm, lời hứa hẹn, nhiều thông điệp tốt, thẳng thắn, có ý chân thành và thể hiện rõ sự quyết tâm. Điều này rất đáng hoan nghênh, khuyến khích. Một vị Bí thư còn trẻ mà thể hiện rõ chính kiến và có quyết tâm rồi làm tốt được thì người dân được nhờ. Đào tạo một người thợ thì có thể mất vài năm nhưng để đào tạo một lãnh đạo thì không dễ mà phải có quá trình đào tạo, rèn luyện nhiều năm từ cấp dưới lên trên để vững vàng.

Với 3 tân Bí thư Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, tôi thấy đủ tư chất để trở thành nhà lãnh đạo thành công. Nhưng kinh nghiệm từ bản thân tôi thì 3 vị lãnh đạo này cần biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Dành nhiều thời gian lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm, góp ý của những nguyên bí thư, chủ tịch UBND, cựu giám đốc sở, đến lớp quân đội, lãnh đạo cũ và thậm chí là từ chính hàng vạn đảng viên, hàng triệu người dân. Nếu biết tích góp, lắng nghe những chia sẻ, gợi ý hay thì cơ hội thành công sẽ rõ ràng hơn và góp phần vào việc bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

Tin mới lên