Diễn đàn VNF

'Cần mô hình tự quản để xây dựng đặc khu kinh tế'

(VNF) - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói kế hoạch "đặc khu kinh tế TP. HCM" cần nhiều điều kiện để thành công, trong đó có vấn đề cơ chế tự quản.

'Cần mô hình tự quản để xây dựng đặc khu kinh tế'

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP. HCM vừa qua, Bí thư Đinh La Thăng đã chỉ đạo xây dựng TP.HCM "trở thành đặc khu kinh tế".

Xung quanh kế hoạch này, VietnamFinance ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, theo đó cần có cơ chế đặc thù cho thành phố này để hiện thực hóa kế hoạch trên. Ông Nghĩa nói:

"Từ lâu, TP. HCM đã được xác định có vai trò đầu tàu và tạo động lực, trước hết về mặt kinh tế. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng nói: "TP.HCM cùng cả nước và vì cả nước".

TP. HCM rộng hơn 2.000 km2, trong khi Singapore chỉ có 600km2. Thế mà Singapore lại là một quốc gia với GDP gấp đôi Việt Nam. Nếu thiết kế đúng, chỉ cần TP. HCM mang lại 1/3 hay ½ GDP như của Singapore thôi thì GDP của Việt Nam sẽ tăng lên ngoạn mục.

Tôi đã có một thời gian làm cán bộ công chức, rồi đại biểu HĐND thành phố, rồi bây giờ là ĐBQH, theo tôi biết nhiều kiến nghị của TP. HCM không được chấp nhận.

Chẳng hạn, tỷ lệ thu ngân sách để lại cho thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn bị điều tiết và thấp hơn nhu cầu tái đầu tư của thành phố rất nhiều, trong khi đây là nguồn thu do thành phố làm ra. Khi thành phố nói rằng tái đầu tư thì điều đó không có nghĩa là chỉ vì thành phố mà thôi, như tôi vẫn nói là vai trò đầu tàu và động lực nên đầu tư cho TP.HCM chính là đầu tư cho cả vùng phía Nam và cho cả nước. Vì vậy, riêng trong vấn đề về ngân sách và kinh phí đầu tư vẫn còn những hạn chế.

Ngoài ra, một số đề xuất khác như quyền chủ động trong việc tuyển dụng và trả lương cho nhân tài cũng không được chấp nhận.

Có người ví von rằng TP. HCM như một cơ thể mặc chung một cái áo của 63 tỉnh thành rất chật chội, không phát huy được hết tiềm năng của mình.

Do vậy, tôi ủng hộ quan điểm của Bí thư Đinh La Thăng khi nói TP. HCM cần phải trở thành một đặc khu kinh tế. Khi là đặc khu rồi thì phải có các quyền tự quản nhất định so với các tỉnh thành khác. Nhờ những quy chế đặc thù đó thì vai trò đầu tàu của thành phố sẽ rõ ràng hơn, đủ sức kéo và dẫn dắt các tỉnh thành phía Nam và cả nước cùng phát triển.

Đặc khu phải có quyền tự quản. Quyền tự quản chắc chắn phải bắt đầu từ mô hình chính quyền, hay còn gọi là chính quyền đô thị như người ta đã thấy từ lâu.

Chẳng hạn, HĐND thành phố ở ngay đường Lê Thánh Tôn quận 1, rồi HĐND quận 3, quận 5 cũng ở ngay gần đó, chỉ cách có vài phút thì người ta chỉ cần đến HĐND thành phố để giải quyết việc, thậm chí gửi thư trong một ngày đã đến rồi chứ việc gì người ta phải trải qua mấy cấp làm gì.

Từ đó tôi muốn nói rằng mô hình chính quyền đô thị phải được cải tiến, sao cho gọn nhẹ, phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn. Với mô hình chính quyền đô thị, thành phố HCM cần được trao một số quyền hạn nhất định. Thứ nhất, quyền về ngân sách, được quyền tự chủ cao hơn về ngân sách. Thứ hai, quyền về quy hoạch, đó là quy hoạch đất đai, giao thông, văn hóa, kinh tế xã hội…và cả những quy hoạch ngành nghề của thành phố.

Ngoài ra, một số quyền tự chủ khác về mặt đối ngoại, kinh tế quốc tế như được huy động vốn, vay ODA hay kí một số hiệp đinh, hiệp ước với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới. Tất nhiên tất cả những cái đó trên cơ sở được sự phê duyệt của Trung ương.

Đó là một số điều kiện nhất định để trở thành một đặc khu kinh tế".

Tin mới lên