Diễn đàn VNF

'Cần tạo môi trường pháp lý tốt hơn để nhà đầu tư tư nhân không còn là con thiêu thân'

(VNF) - Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng cần phải tạo ra một môi trường pháp lý tốt hơn, hấp dẫn hơn, không như 10 năm vừa qua, các nhà đầu tư tư nhân như "các con thiêu thân", đầu tư và bất chấp mọi rủi ro có thể có.

'Cần tạo môi trường pháp lý tốt hơn để nhà đầu tư tư nhân không còn là con thiêu thân'

Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam” sáng ngày 13/11, ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho biết, hiện nay ngân sách đầu tư không thể đáp ứng để duy trì về mặt lâu dài cho nhu cầu duy tu, bảo dưỡng hạ tầng, chỉ hỗ trợ được một phần về mặt giải phóng mặt bằng.

“Chất lượng hạ tầng rất kém, do đó nhu cầu duy tu, bảo dưỡng hạ tầng hiện nay và 10 năm tới có thể tăng gấp 4 - 5 lần. Ngân sách bố trí duy tu, bảo dưỡng hiện nay chỉ bố trí được khoảng 7.000 đến 8.000 tỷ đồng, bây giờ lại đưa thêm quỹ bảo trì đường bộ vào khiến mức phí duy tu, bảo dưỡng này đến năm 2019 yêu cầu cần phải đảm bảo hơn 12.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay chỉ mới đáp ứng được 40%”, ông Nhã nói.

Ông Đinh Văn Nhã đánh giá cao vai trò của nhà đầu tư khu vực kinh tế tư nhân, những người đã góp công rất lớn khi đóng góp hơn 200.000 tỷ đồng vào việc đầu tư, kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra 3 rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư PPP, nhất là các nhà BOT hạ tầng. 1 trong 3 rủi ro được ông Nhã nói đến là về vấn đề điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể, quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch của quốc gia, còn quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng là quy hoạch con để xây dựng quy hoạch mạng lưới đồng bộ, mặc dù đã có chiến lược nhưng chưa tốt. Để BOT được tư nhân đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng, theo ông Nhã, quy hoạch phải đảm bảo công khai thì họ mới lường trước được các rủi ro. Quy hoạch đôi khi không đi vào cuộc sống sẽ tạo ra sự rủi ro rất lớn.

Thứ hai là về giá cung cấp dịch vụ hạ tầng. Ông Nhã bày tỏ thông cảm khi Bộ Giao thông vận tải đã chuyển từ trạm thu phí sang thu giá. Ông cho rằng xã hội cần phải chấp nhận trả phí cao hơn khi đường bộ tốt hơn. Sẽ là rủi ro thường trực khi cứ dựng trạm thu phí thì người dân tạo áp lực và gây ra áp lực xã hội.

"Đầu tư quan trọng là hoàn vốn, nhân dân không chấp nhận giá dịch vụ cao hơn. Ai sẽ dám đầu tư?", ông Đinh Văn Nhã đặt câu hỏi.

Thứ ba là quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế dài hạn không đi vào cuộc sống hoặc đổ vỡ vì nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau, theo đó các dự án đi trước như kết cấu hạ tầng (đường sá, sân bay,...) sẽ gặp rủi ro và bị ảnh hưởng, qua đó làm giảm doanh thu.

Đề xuất hướng giải pháp để thu hút các nhà đầu tư trong tương lai, ông Nhã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần phải tạo ra một môi trường pháp lý tốt hơn, hấp dẫn hơn, không như 10 năm vừa qua như "các con thiêu thân", đầu tư và bất chấp mọi rủi ro có thể có. Tiếp đến là cần minh bạch nhiều vấn đề từ tính toán xác định giá dịch vụ hạ tầng, cần tính toán sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, phục vụ cho xây dựng, trong đó có xây dựng đầu tư hạ tầng.

Còn ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cấp thiết hiện nay là cần ưu tiên ban hành Luật PPP và nghiên cứu những mô hình mới làm PPP như mô hình BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ) và Nhà nước cần cơ chế chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư.

Ví dụ, nhà đầu tư đầu tư một con đường, số lượng người sử dụng thất thu, nhà đầu tư không đủ thu phí, trong trường hợp này Nhà nước cần có cơ chế đảm bảo rủi ro cho nhà đầu tư.

Tin mới lên