Tiêu điểm

Cần thanh tra dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên của Viettracimex

(VNF) - Phải khẳng định rằng BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài là trạm thu phí bất hợp lý nhất, khi “làm đường một nơi, thu phí một nẻo”. Mà sự vô lý đó nằm ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước. Dư luận đang nhìn vào cách ứng xử của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) như thế nào khi UBND Tp. Hà Nội đã nhiều lần đề nghị di dời trạm thu phí này.

Cần thanh tra dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên của Viettracimex

Làn sóng phải đối trạm phí Bắc Thăng Long - Nội Bài mạnh mẽ đã khiến Vietracimex 8 buộc phải xả trạm

Xoá bỏ trạm Tào Xuyên vì “nhà đầu tư quá lãi”

Xin nhắc lại, Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) được lập để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ năm 2009. Tuy nhiên, trạm này lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt, vì thế, rất nhiều xe không đi tuyến tránh Vĩnh Yên vẫn phải trả phí.

Theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Viettracimex 8, với giá trị hợp đồng khoảng 530 tỷ đồng. Dự án được thu phí vòng 16 năm 10 tháng, đến nay, nhà đầu tư đã thu được hơn 8 năm.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện có 3 BOT đặt trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án đó là BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), Tào Xuyên (Thanh Hóa) và Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội). Trong nhóm này trạm BOT Tào Xuyên đã bị Bộ GTVT “xoá sổ” từ tháng 8/2017 vì nhà đầu tư đã quá lãi.

Cụ thể, hợp đồng dự án tuyến tránh Thanh Hoá có tổng mức đầu là 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn lên tới 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/7/2017, nhà đầu tư thu phí tạo lợi nhuận đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán.

Đáng chú ý, chỉ sau hơn 7 năm, trạm Tào Xuyên đủ tiền hoàn vốn thay vì 27 năm như trong hợp đồng. Bộ GTVT khẳng định nhà đầu tư quá lãi. Điều đó cho thấy, rõ ràng các thoả thuận trong hợp đồng kinh tế đã có thay đổi cực lớn.

Người dân yêu cầu Vietracimex di dời trạm thu phí BOT về đúng tuyến tránh Tp Vĩnh Yên

Cần thanh tra BOT tuyến tránh Tp. Vĩnh Yên

Cả nước đang nhìn vào cách hành xử của Chính phủ và Bộ GTVT liên quan đến đề xuất di dời BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Thế nhưng, đến giờ này Bộ GTVT vẫn hết sức lúng túng.

Trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thừa nhận những tồn tại là do cơ chế thời kỳ 10 năm trước. Còn về phía Sở GTVT, ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở cũng đang loay hoay vì đây là trạm do Bộ GTVT quản lý.

Trong khi các Bộ ngành chưa đưa ra phương án cuối thì “làn sóng” phản đối BOT Bắc Thăng Long -  Nội Bài đã lên đến cao trào. Thậm chí, người dân tại nhiều địa phương như Nam Định, Yên Bái, Thái Nguyên… đã cùng tụ tập để phản đối. Vì thế, trong 3 ngày qua, trạm BOT này buộc phải xả trạm.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án rõ ràng là bất cập, cần thiết phải di dời như đề xuất của UBND Hà Nội. Mặt khác, cũng phải thanh tra dự án này. Mức thu những năm qua ra sao, lợi nhuận như thế nào?

“Những năm gần đây lưu lượng xe tăng mạnh, vì thế, lợi nhuận thu phí chắc chắn sẽ không như tính toán ban đầu. Ví dụ như trạm Tào Xuyên, lộ trình ban đầu là 27 năm nhưng mới thu 7 năm mà nhà đầu tư quá lãi rồi. Trong khi đó, trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài đã thu được 8 năm qua”, một chuyên gia kinh tế nói.

Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cho biết: “doanh thu của các BOT cũng nên rõ ràng, từ đó, thay đổi thời gian hoàn vốn, giúp minh bạch hơn các dự án. Đối với BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, việc người dân phải trả tiền trong khi không đi vào tuyến tránh Vĩnh Yên là cực kỳ vô lý”.

Những lùm xùm của ông Võ Nhật Thăng và Vietracimex 

Không chỉ dính lùm xùm liên quan đến BOT tuyến tránh Vĩnh Yên (với trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài), mà Tổng công ty Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) và ông Võ Nhật Thăng còn dính nhiều tai tiếng trong cổ phần hoá và các dự án khác.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ xác định Bộ GTVT thiếu trách nhiệm trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, để người đại diện phần vốn này (ông Võ Nhật Thăng – Chủ tịch HĐQT) làm trái quy định, chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần mà ông Thăng có vốn góp chiếm 93,37% vốn điều lệ.

Thanh tra Chính phủ nêu rõ trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Bộ GTVT, các bộ cơ quan có liên quan trong thời kỳ từ 2005 đến 2006.

Dự án Kim Chung - Di Trạch 10 năm bỏ hoang 

Đây là dự án do Vietracimex làm chủ đầu tư và được UBND Hà Nội phê duyệt từ năm 2007 với kỳ vọng trở thành một khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội. Hơn 10 năm nay, dự án bị hoang hoá và chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng của giới đầu cơ. Vừa qua, dự án bất ngờ được Hà Nội “giải cứu” bằng cách điều chỉnh quy hoạch.

Dự án này lẽ ra Vietracimex phải bàn giao mốc giới lô đất cho khách hàng, sau đó mới chuyển sang hợp đồng riêng mới về xây thô. Tuy nhiên, khách hàng đã tá hỏa khi chưa được nhận bàn giao đất, mà đã nhận được thông báo “huy động góp vốn bổ sung” vào tháng 10/2011. 

Ảnh: Dự án Kim Chung - Di Trạch bị hoang hoá và chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng của giới đầu cơ.

Vietracimex Lào Cai vác đơn đi kiện

Ngày 2/3/2010, Vietracimex đã có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) và Công an TP.Hà Nội đề nghị can thiệp, giúp đỡ. Phía Vietracimex cũng có đơn tố cáo ông Đặng Lê Hoa có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Vietracimex trong việc ký kết và thực hiện hai hợp đồng 125 và 126 ngày 19/8/2009 bán thép, xi măng cung cấp vật tư xây dựng nhà máy thủy điện Tà Thàng; đồng thời tố cáo ông Đặng Lê Hoa có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng hóa đơn VAT để trốn thuế với số lượng lớn.

Thời điểm đó, dư luận cũng đặt câu hỏi vậy trách nhiệm giám sát của Tổng công ty ở đâu, vai trò của các cá nhân như thế nào? Tại sao khi ký hợp đồng mà đã chuyển ngay toàn bộ giá trị hợp đồng? Tại sao lại phải ký hai hợp đồng với cùng một người đại diện cho hai doanh nghiệp?  

Lùm xùm trong xuất khẩu lao động 

Vào năm 2004, Vietracimex cũng dính lùm xùm liên quan đến việc người lao động tố cáo hành vi lừa đảo của Trung tâm Thương mại du lịch và lao động Sao Vàng (sau đổi tên thành Công ty Xuất khẩu lao động và Du lịch Sao Vàng, thuộc Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng- Bộ Giao thông Vận tải).

Điều trớ trêu là sau khi người lao động khởi kiện, đại diện Vietracimex lại đưa ra các khoản chi biến người lao động đang từ chủ nợ thành con nợ của Vietracimex, trong đó có khoản tiền ứng của công ty này để đóng bảo hiểm y tế và xã hội (BHYTXH) cho người lao động.

Nhưng khi đối chiếu với cơ quan BHYTXH thì công ty này hoàn toàn vô trách nhiệm và không đóng BHYTXH theo cho chị Dương Thị Minh Tâm (ngụ tại quận 9 - TPHCM). Sau sự vụ này, thì biển bản và thông tin chi nhánh của Vietracimex được “hô biến” một cách âm thầm, lặng lẽ.

Thiếu trách nhiệm với người lao động

Có lẽ dư luận bức xúc nhất về sự vô trách nhiệm của Vietracimex lên đến tột cùng sau khi xảy ra vụ tai nạn sập hầm tại thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn thì lãnh đạo Chính phủ và các bộ Ban ngành đều có mặt để đôn đốc khắc phục sự cố, thời điểm đó Phó Thủ tướng còn phải bức xúc truy vấn “Chủ đầu tư ở đâu khi xảy ra sự cố?”

Thế nhưng, Vietracimex cho thấy sự vô trách nhiệm đến mức Tổng giám đốc thì bận đi công tác theo kế hoạch, còn các vị lãnh đạo khác của doanh nghiệp không biết đang ở đâu, mà không hề xuất hiện để chỉ đạo và đôn đốc khắc phục sự cố. 

Đây có lẽ là một "vết nhơ" về sự thờ ơ, vô trách nhiệm với người lao động của lãnh đạo công ty Vietracimex, chính điều này khiến cho cộng đồng cũng không mấy thiện cảm với ông Võ Nhật Thăng và dàn lãnh đạo của Vietracimex cũng như thương hiệu Vietracimex.

Tin mới lên