Tài chính

Cẩn trọng bẫy P/E thời Covid-19

(VNF) - Chỉ số P/E là một trong những thước đo rất quan trọng thường được đông đảo nhà đầu tư sử dụng. Tuy nhiên, trong suy thoái kinh tế, việc sử dụng chỉ số này để đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu phải rất thận trọng.

Cẩn trọng bẫy P/E thời Covid-19

Cẩn trọng bẫy P/E thời Covid-19

Trong định giá cổ phiếu, chỉ số P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) là một trong những thước đo rất quan trọng thường được đông đảo nhà đầu tư sử dụng. Mức P/E xuống thấp so với mặt bằng quá khứ là một trong những chỉ báo cho thấy cổ phiếu đang bị định giá rẻ hơn "giá trị thật".

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế do Covid-19 như hiện nay, việc sử dụng P/E làm thước đo giá trị cổ phiếu phải rất thận trọng, bởi suy thoái kinh tế tác động trực tiếp không chỉ vào thị giá (biến số P) mà còn tác động trực tiếp vào lợi nhuận (biến số E).

Biến số P thường thay đổi ngay lập tức trên thị trường chứng khoán, khiến chỉ số P/E tại một thời điểm có thể bị thấp giả tạo, do biến số E thường phải đợi cập nhật theo chu kỳ hàng quý.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp lớn có P/E hiện chỉ ở mức 4 lần, thấp chưa từng có, dễ khiến nhà đầu tư lao vào "bắt đáy". Tuy nhiên do suy thoái kinh tế, rất có thể cuối năm, lợi nhuận bị giảm chỉ còn một nửa, đồng nghĩa P/E tăng lên mức 8 lần - đây lại là mức cao so với quá khứ. 

Để tránh bẫy P/E, nhà đầu tư phải tự dự đoán về sự thay đổi lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản.

Chẳng hạn như ngành ngân hàng, suy thoái kinh tế chắc chắn ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận nhưng ảnh hưởng đến đâu thì ngay cả ban lãnh đạo ngân hàng cũng chưa thể ước tính được. Điều này là bình thường.

Tuy vậy, ngay cả khi đã đo đếm được ảnh hưởng, đo đếm được quy mô nợ xấu phát sinh do Covid-19 thì đại đa số nhà đầu tư cũng không thể dự đoán được rằng lượng nợ xấu phát sinh này sẽ được hạch toán thế nào và trong bao nhiêu năm.

Ở chu kỳ nợ xấu trước (mà đến nay một vài ngân hàng vẫn còn đang phải vật lộn), một số ngân hàng chọn cách "đau một lần rồi thôi", một số khác lại trải đều ra các năm để xử lý dần. Tác động đến lợi nhuận theo đó rất khó lường. Ví dụ năm 2020, ngân hàng chưa xử lý nhiều nợ xấu, lợi nhuận vẫn cao, P/E vẫn được cho là thấp nhưng sang năm 2021, 2022, ngân hàng lại tập trung xử lý nợ xấu làm lợi nhuận giảm, khiến P/E tăng cao dù thị giá giữ nguyên.

Điều đó có nghĩa rằng ngay cả khi hết dịch, việc căn cứ vào chỉ số P/E để mua, bán cổ phiếu vẫn là bài toán phải được nhà đầu tư trung dài hạn tìm lời giải một cách kỹ lưỡng.

Nhưng những tác động trực tiếp mới chỉ là một phần câu chuyện. Một điểm lưu ý khác của đợt dịch lần này là có thể thay đổi cả thói quen tiêu dùng. "Khi Covid-19 qua đi, người ta sẽ tự đặt câu hỏi ‘có nhất thiết phải dùng lại không’, đó mới là điều nguy hiểm", một vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Dễ hình dung nhất là ở ngành bán lẻ. Trong báo cáo nhận định công bố gần đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, theo đó, người dân sẽ hạn chế mua sắm trực tiếp và chuyển qua mua sắm online.

Ngoài ra, theo MBS, trong các loại hình bán lẻ, kênh siêu thị và chợ dự kiến bị ảnh hưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, so sánh giữa 2 hình thức này, người tiêu dùng cho rằng họ sẽ hạn chế đi siêu thị hơn so với chợ do siêu thị là môi trường khép kín và máy lạnh nên dễ lây lan virus. Loại hình mua sắm online sẽ được hưởng lợi nhất, tiếp đến là các cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ.

"Chúng tôi nhận định tình hình dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đến thói quen mua sắm tại các chuỗi siêu thị mà còn ảnh hưởng dài hạn khi mà sự kiện này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch mua sắm từ offline sang online của người dân nhanh hơn", chuyên gia của MBS nhấn mạnh.

Như vậy, các doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ offline lớn chắc chắn chịu tác động không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn.

Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Kể cả khi nhà đầu tư có thể dự đoán được những thay đổi trong lợi nhuận tương lai thì vẫn còn một bẫy P/E khác: mức P/E trong quá khứ có thể trở nên kém tin cậy bởi thị trường có xu hướng tái định giá cổ phiếu trong suy thoái kinh tế để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Đó là còn chưa kể đến việc rất nhiều cổ phiếu lớn tại Việt Nam lên sàn sau cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 nên cũng không có dữ liệu P/E thời điểm đó để so sánh với thời điểm bây giờ.

Tin mới lên