Tài chính quốc tế

Canada muốn được Mỹ miễn trừ thuế nhôm, thép ‘vĩnh viễn và vô điều kiện’

(VNF) – Thủ tướng Canada Justin Trudeau một mặt hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặt khác cho rằng quyết định miễn trừ tạm thời là chưa đủ, cần phải được chuyển thành vĩnh viễn và không nên gắn với kết quả tái đàm phán NAFTA.

Canada muốn được Mỹ miễn trừ thuế nhôm, thép ‘vĩnh viễn và vô điều kiện’

Canada muốn được Mỹ miễn trừ thuế nhôm, thép ‘vĩnh viễn và vô điều kiện’.

Ngay sau khi chính sách áp thuế suất 25% đối với thép, 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ được thông qua tại Nhà Trắng ngày 8/3. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có các cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Cuộc điện đàm nhằm thảo luận về các vấn đề thương mại song phương và nhất là tầm quan trọng của việc duy trì phi thuế quan trong ngành công nghiệp nhôm, thép của hai nước.

Mexico và Canada là hai nước được miễn trừ chính sách này. Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào tiến triển của các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì thương mại song phương mở và công bằng, đồng thời hợp tác giải quyết tình trạng dư thừa và bất công bằng thương mại trên toàn cầu.

Hai bên cũng lưu ý tới những vấn đề quan trọng trong tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nhất là về ngành nông nghiệp và đầu tư; đồng thời nhấn mạnh đến bản chất bổ sung và tích hợp của ngành sản xuất nhôm, thép hai nước.

Trong cuộc điện đàm với lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, Thủ tướng Canada nêu rõ tầm quan trọng của các ngành công nghiệp nhôm, thép đối với cả hai nền kinh tế. Canada là nhà tiêu thụ thép lớn nhất của Mỹ, chiếm gần 50% tổng lượng thép xuất khẩu của Mỹ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Ở chiều ngược lại, Canada cũng là nhà cung cấp thép và nhôm thô an toàn, đảm bảo nhất cho quốc gia láng giềng phía Nam, đồng thời nằm trong Tổ hợp Công nghiệp Công nghệ Quốc gia liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc phòng của Mỹ.

Phía Canada một mặt hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump, mặt khác cho rằng quyết định miễn trừ tạm thời là chưa đủ, cần phải được chuyển thành vĩnh viễn và không nên gắn với kết quả tái đàm phán NAFTA.

Chủ tịch kiêm CEO Phòng Thương mại Canada Perrin Beatty nêu rõ: "Canada nên được miễn trừ các loại thuế nhôm và thép, một cách đầy đủ và vô điều kiện… Việc gắn vấn đề nhôm, thép với các cuộc tái đàm phán thương mại tự do sẽ chỉ làm chệch hướng và gây khó khăn hơn cho việc đạt được mục tiêu chung về hiện đại hoá NAFTA".

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada. Hiện có tới 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada là sang thị trường Mỹ.

"Linh hoạt" cho các nước đồng minh

Ngày 10/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đang làm việc để không áp mức thuế mới với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ đồng minh Australia dựa trên hình thức của một thỏa thuận an ninh song phương.

Phát biểu sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump cho hay nhà lãnh đạo Australia "cam kết có một mối quan hệ quốc phòng và thương mại rất công bằng và đối ứng".

Tổng thống Mỹ cho biết thêm giới chức nước này đang làm việc rất nhanh chóng về một thỏa thuận an ninh để không phải phải áp đặt thuế thép hoặc nhôm với đồng minh Australia.

Về phần mình, Thủ tướng Turnbull cho biết Tổng thống Trump "đã xác nhận rằng sẽ không áp đặt thuế lên thép và nhôm của Australia", và hiện thủ tục sẽ được thực hiện "để triển khai theo hướng đó".

Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ vẫn có thể thay đổi hoặc xóa bỏ thuế quan cho từng quốc gia.

Trước đó, Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Argentina Mauricio Macri. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của việc Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Trong cuộc điện đàm, ông Trump cam kết sẽ xem xét đề nghị của Tổng thống Macri đưa Argentina vào danh sách miễn trừ các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.

Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao và Bộ Sản xuất Argentina đã gửi công hàm tới Bộ Thương mại Mỹ trình bày lý do vì sao Argentina cần được miễn trừ trong chính sách áp thuế của Mỹ. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu thép và nhôm của Argentina chỉ chiếm tương ứng 0,6% và 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Anh sẽ làm việc với Liên minh châu Âu (EU) để yêu cầu Mỹ miễn thuế đối với mặt hàng kim loại của Anh và EU.

Quan chức trên nêu rõ việc sử dụng thuế khóa không phải là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa trên thế giới. Trong khi đó, EU cho biết họ nên được miễn thuế vì EU là một đồng minh gần gũi của Mỹ.

> Mỹ sẽ đánh thuế với nhôm, thép nhập khẩu sau 15 ngày nữa

Tin mới lên