Bất động sản

Cảng biển VIMC lãi trên 1.100 tỷ đồng, vận tải biển lỗ 500 tỷ đồng

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết: “Năm 2019, khối cảng biển của VIMC lãi trên 1.100 tỷ đồng, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 106,2 triệu tấn, tăng 12,9% so với năm 2018.

Cảng biển VIMC lãi trên 1.100 tỷ đồng, vận tải biển lỗ 500 tỷ đồng

Cảng biển “bứt tốc”

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông VIMC cho biết: “Năm 2019 là năm đầu tiên Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Song song với việc liên kết chặt chẽ mối quan hệ giữa các thành viên trong VIMC để cung ứng cho khách hàng các gói dịch vụ không tách rời, Tổng công ty đang tiến hành quảng bá bộ nhận diện thương hiệu mới… Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với Tổng công ty”.

Trong năm qua, VIMC nỗ lực tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực, Tổng công ty liên tiếp nhận những tin vui trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực cảng biển.

Theo báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh của VIMC, năm 2019, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 106,2 triệu tấn, tăng 12,9% so với năm 2018, tuy nhiên, khối vận tải biển lại “hụt hơi” so với năm 2018.

“Kết thúc năm 2019, doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 12.069 tỉ đồng (vượt 6% so với kế hoạch), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỉ đồng, trong đó, lợi nhuận từ khối cảng biển 1.118 tỉ đồng”, ông Trần Tuấn Hải cho biết.

Ông Trần Tuấn Hải cũng tiết lộ sức tăng trưởng mạnh mẽ của khối cảng biển sau khi cổ phần hoá, ví dụ như Cảng Hải phòng đạt mức lãi 500 tỷ đồng, Đà Nẵng lãi 250 tỷ đồng, Quy Nhơn lãi 130 tỷ đồng, Cam Ranh lãi 60 tỷ đồng...

Nói thêm về sức tăng trưởng khối cảng biển, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh nhận định: sở dĩ khối kinh doanh cảng của Tổng Công ty liên tục có được sự tăng trưởng là nhờ các doanh nghiệp cảng thành viên đã có sự xoay chuyển chiến lược khai thác hợp lý.

“Điển hình là cảng Hải Phòng đã tập trung khai thác thêm các mặt hàng như: ô tô, gỗ cây, sắt thép… và chấp nhận giá thị trường, tìm mọi cách giữ ổn định với hãng tàu container”.

“Tại khu vực miền Trung, sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng cũng bị chia sẻ mạnh cho các cảng: Chu Lai, Chân Mây. Tuy nhiên, cảng Đà Nẵng vẫn chiếm ưu thế nhờ dịch vụ nên được nhiều hãng tàu lựa chọn. Còn tại cụm Cái Mép - Thị Vải cũng đang có sự thay đổi tích cực”, ông Tĩnh nói.

VIMC giảm nợ xuống còn 17.200 tỷ đồng

Trái với việc cảng biển của VIMC tăng trưởng mạnh thì vận tải biển lại gặp không ít khó khăn. Báo cáo cho thấy, năm 2019, sản lượng vận tải biển chỉ đạt 23 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. Theo thống kê, khối vận tải biển lỗ tới 496 tỉ đồng, khối dịch vụ hàng hải lỗ 47 tỉ đồng.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Trần Tuấn Hải chia sẻ: “Hiện đội tàu của VIMC có tỷ lệ tàu già, cũ lớn, tuổi tàu trung bình ngày càng cao (17,7 tuổi), cơ cấu đội tàu vẫn manh mún về chủng loại, chưa chuyên dụng, chủ yếu là tàu hàng rời trong khi xu hướng thế giới là tàu container”.

“Vì thế, việc tái cơ cấu đội tàu sẽ được tiếp tục thực hiện với kế hoạch tiếp tục thanh lý 15 tàu già để giảm lỗ, đồng thời đầu tư các tàu container chuyên dụng, tàu hàng rời dưới hình thức mua hoặc thuê mua. VIMC cũng sẽ chú trọng việc tìm kiếm các hợp đồng dài hạn như than từ Indonesia, Úc về Việt Nam, tham gia các liên minh về vận tải quốc…”

“Dự kiến vào quý 1/2020, VIMC sẽ tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất, chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần”, ông Trần Tuấn Hải nói.

Bên cạnh việc “trẻ hoá” đội tàu, ông Trần Tuấn Hải cũng cho hay, “từ khi bắt đầu tái cơ cấu (năm 2013) đến nay, VIMC đã thực hiện thoái vốn tại 38 doanh nghiệp (từ 73 doanh nghiệp xuống còn 35)”.

“Đặc biệt, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành như: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… đã được VIMC thoái toàn bộ để tập trung vào phát triển nghề kinh doanh chính là: Khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải”.

“Trong năm 2019, VIMC cũng triển khai thoái vốn giảm tỉ lệ sở hữu tại 2 doanh nghiệp là: Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (thoái vốn từ 51% xuống 49%, tương đương giảm 2,8 triệu cổ phần) và Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship (thoái vốn từ 51% xuống 36%, tương đương giảm 3 triệu cổ phần)”.

Người phát ngôn chính thức của VIMC khẳng định, việc thoái vốn tại doanh nghiệp thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã giảm tổng số nợ phải trả của toàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam từ hơn 67.500 tỉ đồng (trước thời điểm tái cơ cấu) xuống còn hơn 17.200 tỉ đồng (tính đến tháng 6/2019). Đến thời điểm hiện tại, số nợ của VIMC tiếp tục giảm mạnh.

Tin mới lên