Thị trường

Cảng Quy Nhơn: Doanh thu lợi nhuận tăng vọt sau cổ phần hóa

(VNF) - Báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình hoạt động sản xuất kinh doan của Cảng Quy Nhơn cho thấy, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế sau cổ phần hóa đều tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu khác cũng cải thiện một cách rõ rệt.

Cảng Quy Nhơn: Doanh thu lợi nhuận tăng vọt sau cổ phần hóa

Cảng Quy Nhơn chuyển mình sau cổ phần hoá.

Doanh thu, lợi nhuận tăng vọt sau cổ phần hóa

Cảng Quy Nhơn được biết là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực của nhóm cảng biển Nam Trung bộ. Đây là đầu mối giao thông chính của hàng hóa xuất nhập từ các khu vực như Nam Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Gia Lai, Komtum, bao gồm các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.

Khi chưa thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, Cảng Quy Nhơn có quy mô hoạt động khá khiêm tốn. Có 3 cầu Cảng với tổng chiều dài là 824m, trong đó có 350m cầu được xây dựng từ những năm 1967; có 300m cầu được xây dựng từ những năm 1995 và 174m cầu được xây dựng năm 2005, nhưng các cầu cảng này được thiết kế theo tiêu chuẩn cũ, làm hàng tổng hợp, không phù hợp đầu tư các thiết bị chuyên dùng.

Tới 70% trang thiết bị của Cảng được sản xuất từ những năm 1990 và đã có thời gian sử dụng trên 20 năm. Bởi là thế hệ cũ, nên các thiết bị khá lạc hậu, hầu hết sử dụng dầu diezel nên chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp. Tại Cảng Quy Nhơn cũng chưa có thiết bị chuyên dụng làm hàng container, thức ăn gia súc, dăm gỗ, hàng rời.

Đáng lưu ý, khi còn là DNNN bộ máy tổ chức cảng khá cồng kềnh, lực lượng lao động đông và trình độ chuyên môn thấp, cộng thêm công nghệ xếp dỡ lạc hậu nên dẫn đến sử dụng nhiều lao động, cơ cấu lao động cũng còn thiếu hợp lý.

Tổng số lao động của Cảng Quy Nhơn là 937 người, trong đó lao động trực tiếp là 529 người, lao động gián tiếp là 408 người, đã khiến doanh nghiệp phải chi gần 150 tỷ đồng/năm để trả lương, dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt cao.

Trước yêu cầu cấp bách này cũng như thực tế nguồn lực từ ngân sách có hạn, cổ phần hoá được xem như một giải pháp để "hút" các nguồn lực, đầu tư đổi mới cho Cảng Quy Nhơn.

Sau khi thực hiện cổ phần hóa và tiếp đó là thoái toàn bộ vốn nhà nước theo quyết đinh của Chính phủ, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã thực hiện tái cơ cấu toàn bộ từ phương tiện thiết bị, hạ tầng cơ sở lẫn năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực và có sự "bật dậy" mạnh mẽ.

Báo cáo vừa được thông qua tại Đại hội công nhân viên chức 2018 mới đây của Công ty cho thấy, tổng doanh thu giai đoạn trước cổ phần hóa bình quân đạt được 379 tỷ đồng/năm đã tăng lên đạt bình quân 519 tỷ đồng/năm sau khi Nhà nước tiến hành cổ phần hoá và thoái vốn toàn bộ. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn trước cổ phần hóa bình quân đạt 20,8 tỷ đồng/năm, đã tăng lên đạt bình quân 81 tỷ đồng/năm sau khi cổ phần hóa, gần gấp 3 lần.

Nhờ lợi nhuận tăng vọt, nộp ngân sách nhà nước cũng tăng theo, từ bình quân 22,8 tỷ đồng/năm trước khi cổ phần hoá đã lên đạt bình quân 38,93 tỷ đồng/năm, tăng 70,75%.

Ban Tổng giám đốc Công ty cho biết, sau khi cổ phần hoá, Công ty xác định thu hút, đáp ứng tốt yêu cầu hợp lý của khách hàng là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hoá mục tiêu này, cùng với đầu tư thêm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hàng loạt chính sách nhằm thu hút khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ khách hàng đã được Công ty đặc biệt chú trọng.

"Không chỉ thêm nhiều khách hàng mới, một số khách hàng cũ đã từng rời bỏ Cảng thì giờ đây đã quay về làm hàng", đại diện Cảng Quy Nhơn cho biết. Tổng số khách hàng giai đoạn trước cổ phần hóa là 395 khách hàng/năm, giai đoạn sau cổ phần hóa đã tăng lên mức 511 khách hàng/năm (tăng 29%).

Hàng hóa thông qua Cảng hàng năm đều tăng trưởng nhanh. Cụ thể, giai đoạn trước khi cổ phần hoá, năm 2010, sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 4,5 triệu tấn; năm 2012 đạt 5,6 triệu tấn và năm 2013 đạt 6,3 triệu tấn.

Từ sau khi cổ phần hoá và tiếp đó thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lượng hàng hoá qua Cảng Quy Nhơn đã đạt hơn 7 triệu tấn trong giai đoạn 2014-2016 và gần chạm mốc 7,2 triệu tấn trong năm 2017.

Nhiều kế hoạch lớn phía trước

Cảng Quy Nhơn hiện đã vận hành thử nghiệm để tiến tới vận hành chính thức hệ thống thiết bị xếp dỡ gồm 2 cẩu trục STS, 5 cẩu RTG được nhập khẩu từ Nhật Bản với trị giá đầu tư hơn 200 tỷ đồng, tạo điểm nhấn trong hệ thống thiết bị khai thác của cảng ngay trong đầu năm 2018.

Với xu hướng đầu tư thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng chuyên dùng, mục tiêu được Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đặt ra là giảm thời gian giải phóng tàu 30 - 50 %; giảm giá thành khai thác tối thiểu 15% trên mỗi đơn vị hàng hóa thông qua; trở thành Cảng tổng hợp hàng đầu của khu vực Nam Trung bộ với sản lượng container thông qua đạt mức 200.000 Tues/năm vào năm 2020.

Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ cũng được đặt ra không thấp hơn 15 %/năm, đồng thời ổn định việc làm và thu nhập cho 900 - 950 lao động.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, trong năm 2018, Công ty thực hiện nâng cấp cầu tàu số 4 tiếp nhận tàu 70.000 DWT giảm tải; kết nối cầu tàu 4 của Cảng Quy Nhơn với cầu tàu số 5 của Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn; cùng hợp tác đầu tư mở rộng 7.4 ha diện tích bãi sau cầu tàu số 5; Ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng 3,4 ha phần diện tích mặt bằng Công ty Dịch vụ Công Nghiệp Hàng hải đang quản lý để đầu tư xây dựng kho bãi container chuyên dụng, thống nhất phương án và tiến hành giải phóng mặt bằng cảng phao xăng dầu của Công ty xăng dầu Bình Định, đầu tư xây dựng 200md cầu tàu khu vực phía bắc Cảng; Đầu tư các thiết bị xếp dỡ và kho chứa chuyên dùng cho mặt hàng thức ăn gia súc… Tổng mức đầu tư dự kiến năm 2018 là 465 tỷ.

Trong giai đoạn 2019-2020, Cảng Quy Nhơn sẽ tập trung xây dựng thêm 02 cầu cảng trong đó 150md cho tàu 10.000 DWT, đầu tư nâng cấp thêm 01 cầu cảng để tiếp nhận tàu 70.000 DWT, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại các cầu cảng cũ; đầu tư cảng cạn (ICD) tại 2 xã Phước Lộc và Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định, tổng diện tích quy hoạch là 30 ha, với khả năng thông qua tối đa 380.000 TUES/năm, cùng hệ thống kho, bãi dịch vụ Logistics.

"Chúng tôi đang cân đối nguồn vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng đến năm 2020 để hiện thực hóa sản lượng hàng hóa qua Cảng đạt 10-12,5 triệu tấn/năm và đạt 20-25 triệu tấn/năm từ 2030 theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ được bộ GTVT phê duyệt", lãnh đạo Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn nhấn mạnh.

Đối với người lao động, bên cạnh việc giảm bớt các khâu trung gian để nâng cao năng suất lao động, Cảng Quy Nhơn sẽ xây dựng lại quy chế phân phối tiền lương, thu nhập. Chỉnh sửa lại các quy định bất hợp lý của quy chế trả lương hiện nay theo hướng đảm bảo tốt quyền lợi cho người lao động trực tiếp và gắn vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đơn vị, bộ phận.

Một số chỉ tiêu hoạt động trước và sau khi cổ phần hoá 

Tin mới lên