Tài chính quốc tế

Căng thẳng Arab Saudi - Iran leo thang, giá dầu sẽ giảm?

(VNF) Theo một nhà chiến lược đầu tư hàng hóa, căng thẳng về địa chính trị giữa Arab Saudi và Iran có thể sẽ sớm đe dọa sự thống nhất của một hiệp định do OPEC đưa ra nhằm giữ giá dầu trong tầm kiểm soát.

Căng thẳng Arab Saudi - Iran leo thang, giá dầu sẽ giảm?

Căng thẳng Arab Saudi - Iran leo thang, giá dầu sẽ giảm?

"Căng thẳng giữa Arab Saudi và Iran có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho giá dầu, tuy nhiên điều này nhiều khả năng sẽ khiến các hiệp định kiểm soát giá dầu của OPEC chấm dứt sớm hơn dự kiến", Nitesh Shah, chuyên gia chiến lược hàng hóa của ETF Securities, cho biết.

Arab Saudi và Nga vốn dẫn dắt một nỗ lực không ngừng của OPEC và liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ khác trong việc giải quyết tình trạng dư thừa cung toàn cầu. Việc cắt giảm sản lượng, dự kiến ​​sẽ tiếp tục cho đến ít nhất vào cuối năm 2018, đã giúp nâng giá dầu thô trong 12 tháng qua.

Tuy nhiên, thỏa thuận hiện tại giữa liên minh các nhà sản xuất dầu lửa có thể sẽ sớm bị phá vỡ giữa căng thẳng leo thang trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của hai nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC, ông Shah nói.

"Cuộc chiến của Arab Saudi với Iran liên tục căng thẳng trong hơn hai năm qua, nhưng vẫn có ít tác động tới giá dầu cho đến gần đây. Nếu các nhà đầu tư không được liên tục nhắc nhở về những rủi ro, giá dầu sẽ có xu hướng 'bốc hơi' chỉ trong vòng vài tuần", ông nói thêm.

"Mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ đang làm tốt với những thỏa thuận hiện tại và có thể sẽ đưa ra những lời ủng hộ mạnh mẽ để tiếp tục một số hiệp định vào năm 2019, OPEC cũng cho biết sẽ đàm phán về việc giảm dần mức hỗ trợ tại cuộc gặp gỡ vào tháng Năm này. Giá dầu do đó có thể bị mất động lực", Shah nói với CNBC hôm thứ Ba.

Thỏa thuận hiện tại giữa OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC nhằm giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày dự kiến được kéo dài không chỉ ở năm 2018. Và trong khi thỏa thuận sẽ được tiếp tục xem xét vào tháng 5, nhiều Bộ trưởng Năng lượng của OPEC đã thông qua việc giữ lại các mối quan hệ hợp tác nhằm ngăn chặn sự sụp đổ giá dầu như thời điểm giữa năm 2014.

Giá dầu đã hồi phục lên trên 60 USD/thùng sau khi rơi xuống mức khoảng 30 USD vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, ông Shah dự kiến những căng thẳng địa chính trị gần đây có thể sẽ làm mất động lực tăng giá của dầu mỏ.

Vào cuối tháng 3, Arab Saudi và Nga được cho là đã có những hành động nhằm tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của những nước này đối với nguồn cung dầu thô thế giới bằng cách tiếp tục hợp tác trong việc thắt chặt quản lý thị trường dầu mỏ trong 20 năm tới. 

 OPEC và Nga được cho là sẽ đưa thỏa thuận cắt giảm sản lượng thành một mối quan hệ lâu dài nhằm hạn chế tác động của những cuộc suy thoái tiếp theo. Tuy nhiên, một hiệp ước trong 10 đến 20 năm sẽ là một bước đi chưa từng có.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm thứ Ba cho biết một tổ chức hợp tác giữa Riyadh và Moscow có thể được thành lập khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào cuối năm nay.

Tin mới lên