Tài chính quốc tế

Căng thẳng chưa hạ nhiệt, Ấn Độ liệt thêm 43 ứng dụng Trung Quốc vào ‘danh sách đen’

(VNF) - Tính tới ngày 25/11, Ấn Độ đã cấm cửa hơn 200 ứng dụng di động của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng khu vực biên giới 2 nước vẫn chưa hạ nhiệt.

Căng thẳng chưa hạ nhiệt, Ấn Độ liệt thêm 43 ứng dụng Trung Quốc vào ‘danh sách đen’

Tính tới ngày 25/11, Ấn Độ đã cấm cửa tổng cộng 267 ứng dụng di động của Trung Quốc.

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ ngày 25/11 tiếp tục ban hành lệnh cấm đối với 43 ứng dụng di động của Trung Quốc với cáo buộc những ứng dụng này liên quan đến các hoạt động gây tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng của Ấn Độ.

Các ứng dụng bị chặn lần này gồm loạt sản phẩm của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba, như AliSuppliers, Alibaba Workbench, AliExpress, Alipay Cashier, Taobao Live và dịch vụ giao hàng Lalamove... Ứng dụng video ngắn Snack Video của Tencent cũng nằm trong danh sách cấm.

Những lệnh cấm này của Ấn Độ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc.

Theo Nikkei, các công ty như Alibaba, Bytedance và Tencent đều coi Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất để phát triển bên ngoài thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều trong số này đã phải tạm dừng kế hoạch phát triển.

Căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới tăng cao sau cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai nước hồi đầu tháng 6 tại biên giới ở dãy Himalaya khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, trong khi con số thương vong phía Trung Quốc không được công bố.

Ấn Độ hồi cuối tháng 6 đã chặn 59 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc, bao gồm những ứng dụng nổi tiếng như TikTok, Weibo và WeChat vì cho rằng các nền tảng này đe dọa đến chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng.

Tới đầu tháng 9, Ấn Độ tiếp tục đưa thêm 118 ứng dụng di động của Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có những cái tên nổi bật như PUBG, WeChat, Taobao, Youku và ứng dụng thanh toán di động Alipay.

Trung Quốc cho rằng động thái này của Ấn Độ là “xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc, tổn hại lợi ích của người tiêu dùng Ấn Độ, đồng thời hủy hoại môi trường đầu tư của Ấn Độ với tư cách là một nền kinh tế mở".

Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ đứng sau Mỹ. Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, Ấn Độ mua 65 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm gần 14% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ chiếm 3% tổng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2019.

Xem thêm >> Vốn hóa vượt ngưỡng 500 tỷ USD, Tesla trở thành công ty đắt giá thứ 7 của Mỹ

Tin mới lên