Tài chính

Canh bạc Núi Pháo trong cuộc chơi tỷ USD của Masan

(VNF) – Dù đã chi hơn 1 tỷ USD cho để "châm ngòi" nhưng siêu dự án Núi Pháo vẫn chưa thể tạo ra bất kỳ sự bùng nổ nào trong kết quả kinh doanh của Masan.

Canh bạc Núi Pháo trong cuộc chơi tỷ USD của Masan

Dồn tiền cho Núi Pháo

Năm 2010, giới đầu tư tỏ ra khá bất ngờ khi một "đại gia" đang hốt bạc trong lĩnh vực thực phẩm và nước chấm như Masan lại mạo hiểm thâu tóm "siêu dự án khoáng sản" mang tên Núi Pháo.

Tất nhiên không khó để nhận ra vì sao Masan lại thực hiện thương vụ này, bởi sức hấp dẫn của dự án Núi Pháo là quá lớn. Mỏ Núi Pháo được nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới với trữ lượng quặng tiềm năng đã được chứng minh là 66 triệu tấn.

Kết thúc năm 2010, nhiều nhà đầu tư lại tiếp tục được phen "giật mình" khi nhận ra tốc độ gia tăng tổng tài sản ở mức "chóng mặt" của Masan. Chỉ trong vòng một năm, tổng tài sản của Masan đã tăng gấp 3 lần, từ mức 7.017 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2009 lên mức 21.129 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2010. Trong đó, tài sản trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của Masan đã lên tới 7.505 tỷ đồng tính đến hết năm 2010 dù năm 2009, Masan không ghi nhận tài sản trong lĩnh vực kinh doanh này.

Đến năm 2011, tài sản của Masan trong lĩnh vực khai thác khoáng sản lại tăng lên mức 12.570 tỷ đồng. Năm 2012 tiếp tục tăng lên con số 15.220 tỷ đồng. Một năm sau đó, tài sản của Masan trong lĩnh vực khai thác khoáng sản lại tiếp tục tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng, lên mức 20.376 tỷ đồng trong năm 2013, gần chạm mức 1 tỷ USD.

Tài sản của toàn bộ lĩnh vực khai thác khoáng sản này đều là tài sản mà Masan đầu tư để phục vụ cho hoạt động khai thác "siêu dự án" Núi Pháo, thông qua việc sở hữu đa số cổ phần tại Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources). Masan Resources là đầu mối quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư và khai thác dự án Núi Pháo, đồng thời trực tiếp sở hữu tất cả các công ty con phục vụ cho hoạt động này, trong đó có việc sở hữu 100% Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.

Trong năm 2015, để phục vụ cho hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán, Masan Resources đã chính thức công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2014. Theo đó, tổng tài sản của Masan Resources thời điểm kết thúc năm 2014 đã lên tới 25.106 tỷ đồng, nghĩa là vượt qua con số 1 tỷ USD. Đến năm 2015, con số này của Masan Resources đã là 26.607 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên mức 26.551 tỷ đồng nếu tính đến thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016.

Như vậy, kể từ năm 2010 tới nay, Masan đã dồn tới hơn 1 tỷ USD để "châm ngòi" cho siêu dự án Núi Pháo. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đầu tư vẫn sẽ phải tiếp tục chờ ngày "vang tiếng pháo".

Nhọc nhằn chờ "pháo" nổ

Nếu như trong năm 2014, Masan Resources ghi nhận mức doanh thu 2.946 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này lại giảm đi chỉ còn 2.665 tỷ đồng. Đáng chú ý là, doanh thu của các quý của năm 2015 vẫn chưa thể ổn định. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 của Masan Resources ghi nhận mức doanh thu là 820 tỷ đồng nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015 chỉ ghi nhận mức doanh thu vỏn vẹn 426 tỷ đồng.

Đến quý III/2015, doanh thu của Masan Resources lại tiếp tục giảm xuống còn 327 tỷ đồng. Tiếp đến quý IV/2015, con số này lại tăng vọt lên mức 1.092 tỷ đồng.

Sang đến quý I/2016, doanh thu của Masan Resources lại giảm xuống mức 806 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu mới nhất thì con số doanh thu quý II/2016 của Masan Resources đã lại tăng lên mức 939 tỷ đồng.

Như vậy, doanh thu của Masan Resources vẫn đang rất thất thường và nếu so với tổng số tiền hơn 1 tỷ USD mà Masan dồn vào dự án suốt từ năm 2010 thì mức doanh thu này quả thật là quá thấp.

Lợi nhuận của Masan Resources thì đang có dấu hiệu khả quan hơn dù vẫn rất khiêm tốn. Năm 2014, Masan Resources lỗ thuần tới 219 tỷ đồng, và nếu như không có khoản thu nhập 256 tỷ đồng từ bán các khoản phải thu tiền bồi thường thì Masan Resources đã không thể tránh khỏi thua lỗ.

Đến năm 2015, tình hình có vẻ tốt hơn khi công ty này lãi sau thuế 84 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, Masan Resources ghi nhận mức lãi sau thuế đáng khích lệ 65 tỷ đồng. Tất nhiên, những khoản lãi này chưa thấm tháp gì so với con số đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Núi Pháo.

Một thông tin không mấy tích cực nữa có thể khiến các nhà đầu tư ái ngại về khả năng dự án Núi Pháo sẽ sớm đem lại sự bùng nổ trong kết quả kinh doanh là tỷ suất lợi nhuận gộp đáng thất vọng từ mảng kinh doanh Vonfram – tài nguyên chủ lực của Mỏ Núi Pháo – trong 6 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2016 của Masan Resources thì mảng kinh doanh Vonfram mang lại doanh thu lớn nhất trong 3 mảng kinh doanh chính của công ty bao gồm Vonfram, Đồng và Flourit, đạt mức 1.019 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 nhưng lại chỉ đem lại vỏn vẹn 69,4 tỷ đồng lợi nhuận gộp, thấp nhất trong 3 mảng kinh doanh.

Như vậy, theo tính toán thì trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng Vonfram chỉ là 6,81%; trong khi con số này là 62% đối với mảng Đồng và 50,9% đối với mảng Flourit. Đây là dấu hiệu tương đối rõ rệt cho thấy, Masan Resources đang gặp khó khăn trong việc khai thác và kinh doanh tài nguyên chính yếu của Mỏ Núi Pháo là Vonfram, thứ được Masan kỳ vọng rằng sẽ giúp công ty này "dẫn dắt sự thay đổi thị trường Vonfram toàn cầu".

Tin mới lên