Tài chính

Cảnh báo thương vụ giải cứu Damco

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tài chính và pháp lý sẽ xuất hiện nếu việc xử lý công nợ và thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của Damco bất thành.

Cảnh báo thương vụ giải cứu Damco

Damco không ngừng lao dốc trong những năm qua.

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tài chính và pháp lý sẽ xuất hiện nếu việc xử lý công nợ và thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của Damco bất thành.

Cạn dần thời gian giải cứu

“Chúng tôi rất sốt ruột về sự chậm trễ của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong việc hướng dẫn Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (Damco) chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH MTV và xử lý các công nợ của doanh nghiệp này”, ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Ông Thường khẳng định, tới chiều 29/1/2021, DATC vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của Bộ GTVT đối với đề nghị hướng dẫn Damco trình tự, thủ tục chuyển đổi sang loại hình Công ty TNHH MTV theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Cách đây 1 tháng, DATC - đơn vị được giao xử lý nợ tại Damco đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành văn bản hướng dẫn và có các giải pháp hỗ trợ Damco trong quá trình chuyển đổi sang Công ty TNHH MTV.

Trong Văn bản số 36/MBN - TCKT gửi lãnh đạo Bộ GTVT vào ngày 27/1/2021, DATC nhấn mạnh, nếu không chuyển đổi ngay Damco sang Công ty TNHH MTV và xử lý tài sản nhằm có nguồn trả nợ tiền thuê đất thì Damco sẽ không thực hiện được phương án tái cơ cấu, dẫn tới bị phá sản. “Ngoài việc khiến DATC không thể thu hồi vốn Nhà nước đã đầu tư vào Damco thông qua hoạt động mua bán nợ, việc vỡ phương án tái cơ cấu chắc chắn gây ra khiếu nại, khiếu kiện cũng như trách nhiệm pháp lý tới các cơ quan Nhà nước”, lãnh đạo DATC lo lắng.

Tại Văn bản số 634, DATC cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, tháng 10/2020, Bộ GTVT đã có công văn  gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn ý kiến về phương thức chuyển đổi Damco sang Công ty TNHH MTV. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 7865/BKHĐT-PTDN ngày 30/11/2020 gửi Bộ GTVT hướng dẫn Damco thực hiện chuyển đổi.

Để hỗ trợ Damco thực hiện chuyển đổi, ngày 9/12/2020, DATC đã tổ chức họp với đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, Damco, Tập đoàn Thành Đạt và các bên có liên quan.

Tại cuộc họp này, các bên đã đề nghị, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT cần có văn bản hướng dẫn Damco thực hiện các công việc cụ thể và nếu phát sinh vướng mắc thì Damco, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin hướng dẫn. Trên cơ sở báo cáo các vướng mắc của Damco hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản hướng dẫn phù hợp với trường hợp của Damco.

“Damco và DATC đã nhiều lần gửi văn bản thúc giục Bộ GTVT, bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Damco có thể thực hiện được mục tiêu bán toàn bộ doanh nghiệp theo hình thức đấu giá có kế thừa công nợ theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình”, ông Phạm Mạnh Thường đánh giá.

Damco vốn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng, năm 2006, được Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Từ khi về Vinamotor, tình hình sản xuất, kinh doanh của Damco liên tục lao dốc, khiến kế hoạch cổ phần hóa Damco được Bộ GTVT khởi động từ năm 2011 đã không thể thực hiện được.

Năm 2014, khi cổ phần hóa Vinamotor, Bộ GTVT buộc phải tách riêng Damco để thực hiện tái cơ cấu tài chính theo hình thức mua bán nợ với đơn vị nhận nợ là DATC.

Sau khi bán một phần nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt - đơn vị từng được chọn là cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa Damco, tổng dư nợ phải thu của DATC tại công ty này còn tới 62,8 tỷ đồng. Đây là số tiền mà DATC đã bỏ ra trong quá trình tái cơ cấu tài chính phục vụ cổ phần hóa Damco theo hình thức mua bán nợ nhưng bất thành những năm trước đó.

Do tái cơ cấu kéo dài 10 năm, lại không được bơm thêm nguồn lực để phục hồi, Damco tiếp tục lao dốc. Ngoài việc không thể cổ phần hóa, khoản lỗ lũy kế của Damco đã lên tới 166 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 124 tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội của Damco đã tăng lên 11,1 tỷ đồng.

Hệ lụy lớn

Để tháo gỡ vướng mắc cho Damco, ngày 14/10/2020, tại Công văn số 8621/VPCP-DMDN, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Damco thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH MTV, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Sau khi trở thành công ty TNHH MTV, Damco sẽ được bán theo phương thức bán đấu giá toàn bộ doanh nghiệp có kế thừa công nợ.

Tuy nhiên, lối thoát này chỉ thực sự mở nếu như Damco chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV và xử lý dứt điểm 2 khoản công nợ lớn đối với Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico) trị giá 11 tỷ đồng và Bảo hiểm Xã hội TP. Đà Nẵng trị giá 6,7 tỷ đồng.

DATC cho biết, Daizico đã khởi kiện Damco ra Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu đề nghị chấm dứt hợp đồng thuê đất. Bên cạnh đó, ngày 25/12/2020, Bảo hiểm Xã hội TP. Đà Nẵng và Phòng An ninh kinh tế - Công an TP. Đà Nẵng đã làm việc với Damco về phương án thanh toán khoản tiền nợ nói trên trước khi đơn vị bảo hiểm chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Để tìm hướng xử lý, ngày 14/1/2021, Damco đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép bán lô đất số A5 tại Khu trung tâm bến xe, quận Liên Chiểu, để có nguồn thanh toán khẩn cấp cho 2 khoản nợ nói trên trước khi có thể bán toàn bộ doanh nghiệp.

Tin mới lên