Thị trường

Cạnh tranh giá vé máy bay nội địa có thiếu lành mạnh?

Cuộc đua giảm giá vé máy bay của các hãng đang mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, song cũng có lo ngại giảm giá theo kiểu “kéo nhau cùng chết” có thể làm méo mó thị trường về lâu dài.

Cạnh tranh giá vé máy bay nội địa có thiếu lành mạnh?

Các hãng thường xuyên giảm giá vé máy bay để kích cầu tiêu dùng

Liên bộ kiểm tra giá vé

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) đã ra quyết định lập tổ công tác làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành các quy định pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Theo đó, tổ công tác sẽ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý, báo cáo lên Bộ GTVT trong quý III/2021.

Không phải cứ bán giá thấp thì gọi là phá giá. Trường hợp sản phẩm của anh giá thành 5 đồng, anh phải bán hơn 5 đồng mới có lãi, nhưng anh chấp nhận bán giá dưới 4 đồng, liên tục kéo dài như vậy để “giết chết” đối thủ, như vậy mới là phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Do đó, để xác định doanh nghiệp hàng không có vi phạm về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá vé máy bay hay không, cần phân tích cụ thể từng thời điểm, từng vấn đề mới có thể kết luận được.

TS Ngô Trí Long

Trả lời phóng viên, đại diện tổ công tác không tiết lộ cụ thể các nội dung dự kiến làm việc với các hãng hàng không. Tuy nhiên, trong văn bản đề nghị các bộ ngành cử cán bộ tham gia tổ công tác, Bộ GTVT cho biết căn cứ thành lập tổ công tác nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 24/5 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA).

Trong đó có việc giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá vé máy bay.

Trên thực tế, thị trường hàng không nội địa luôn tồn tại “sóng ngầm” liên quan vấn đề giá vé, khi có quan điểm cho rằng việc cạnh tranh giảm giá vé quá thấp so với giá thành, khiến thị trường thiếu lành mạnh. Trước đó, tại một cuộc làm việc với Cục Hàng không Việt Nam hồi tháng 4, Vietnam Airlines đã nêu lại kiến nghị tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.

Trả lời phóng viên, đại diện VNA cho biết: “VNA chưa bao giờ bán vé 0 đồng và không ủng hộ cạnh tranh bằng cách phá giá, mà cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ”. Hãng này cũng cho rằng để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không, đảm bảo tài chính cho các hãng trong nước để cạnh tranh với các hãng nước ngoài, ngành hàng không cần có cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện các giải pháp chống bán phá giá.

Hiện với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, các hãng hàng không đang xây dựng giá vé trên cơ sở khung giá tối đa dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo quy định tại Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Theo đó, các hãng hàng không được bán vé máy bay theo cơ chế giá linh hoạt, xây dựng nhiều dải giá từ thấp đến cao, không áp giá sàn, riêng giá trần từ 1,6 - 3,75 triệu đồng tùy từng chặng.

Ngoài tranh cãi có nên áp giá sàn hay bỏ giá trần, các thời điểm thị trường hàng không “nóng” thì cũng luôn phát sinh các vấn đề các hãng bán số lượng vé vượt quá slot bay (lượt cất, hạ cánh) được cấp, làm tăng tình trạng chậm, hủy chuyến.

Có hay không bán phá giá?

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định dịch Covid-19 là tác nhân gây ra sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, nhưng cũng làm lộ ra những điểm yếu bên trong quá trình vận hành của nhiều hãng hàng không thế giới. Tính đến tháng 4, giá vé máy bay bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% so cùng kỳ 2019.

Giá vé giảm có thể đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh, hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, việc giá vé giảm quá mạnh sẽ gây ra những méo mó bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.

Hàng không sẽ phục hồi từ giữa quý III

Báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết do 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè, đặc biệt từ ngày 31/5 khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không đã sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng hằng ngày sụt giảm chỉ còn 20 - 30% so với giai đoạn tháng 3 - tháng 4, thậm chí, sản lượng khách 2 tuần đầu tháng 6 chỉ đạt tỷ lệ 5 - 10% lượng vận chuyển trung bình tháng 4 trước đó.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài... đi/đến Việt Nam.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cũng đưa ra dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, tại nhiều thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại thị trường quốc tế quý III, đầu quý IV năm nay. Dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý III/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không năm 2021 ước đạt trên 70 triệu lượt hành khách.

Mai Hà

Đáng lưu ý, việc “bán phá giá” vé máy bay trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp áp lực lớn về tài chính hoàn toàn có thể gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng, mà tồi tệ hơn là đẩy hãng hàng không vào tình trạng phá sản, khi doanh thu không bù đắp nổi các chi phí hiện hữu.

Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm, nhưng trong dài hạn thì nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất. Như thế, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi.

Ông Kiên cũng khuyến nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu điều chỉnh các vấn đề về giá trần, giá sàn phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không theo hướng hỗ trợ đặc biệt các doanh nghiệp hàng không trong thời điểm khó khăn này.

Ngoài ra, cần phải có biện pháp cân đối giá vé hàng không với giá các loại hình vận tải như vận tải đường thủy hoặc đường sắt. Chính phủ cần giao Bộ Công Thương và Bộ GTVT điều tra, xử lý làm rõ vấn đề giảm giá vé để cạnh tranh có phải là hành vi bán phá giá không.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng đối với những thị trường vẫn còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường như hàng không, nhà nước vẫn phải quy định giá trần.

Có thể nghiên cứu thay đổi giá trần vé máy bay, điều chỉnh linh hoạt dựa theo chi phí đầu vào, khó khăn vì dịch bệnh, nhưng không nên áp giá sàn vì sẽ làm mất tính cạnh tranh, người tiêu dùng mất cơ hội mua vé máy bay giá rẻ.

Dù vậy, ông Long đánh giá hiện chưa có các dấu hiệu bất thường như cố tình hạ giá, bán phá giá để cạnh tranh không lành mạnh đối với giá vé máy bay. Việc một số hãng hàng không tổ chức bán vé 0 đồng hoặc bán vé giá rẻ đã diễn ra từ lâu, không phải hiện tượng đột biến mới xuất hiện. Cùng với vé rẻ, khách hàng sẽ bị giảm bớt các dịch vụ như phục vụ ăn uống, không được đổi, hoàn vé…

Tin mới lên