Tài chính

Cao su Phước Hòa 'đặt cược' vào bất động sản công nghiệp

Trong năm nay, phần lớn doanh thu của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) sẽ đến từ mảng cao su, nhưng lợi nhuận lại trông chờ chủ yếu ở mảng bất động sản công nghiệp.

Cao su Phước Hòa 'đặt cược' vào bất động sản công nghiệp

Hơn 2 năm qua, PHR đã chuyển dần vườn cây cao su tại Việt Nam sang Campuchia, đồng thời chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây cao su sang đất công nghiệp để cho thuê.

Cao su - khó chồng khó

PHR là một trong những công ty lớn nhất trong ngành cao su của cả nước, hiện quản lý 15.000 ha cây cao su và 3 nhà máy cao su có công suất 27.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, giá cao su giảm mạnh, dẫn đến lợi nhuận của các công ty ngành cao su sụt giảm và PHR không phải là ngoại lệ.

Khó khăn đó đã một lần nữa được lãnh đạo công ty nhắc đến tại đại hội cổ đông tổ chức mới đây. Công ty đề ra mục tiêu năm nay là sản xuất 11.500 tấn, thu mua 16.000 tấn, tiêu thụ 39.528 tấn. Về kế hoạch lợi nhuận năm 2020, đại diện PHR cho biết, vừa qua, tỉnh Bình Dương đã ký quyết định thu hồi đất Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II. Vì vậy, Công ty sẽ ghi nhận 860 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi hoạt động thanh lý vườn cây cao su ghi nhận hơn 100 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ mảng kinh doanh cao su và công ty liên doanh, liên kết.

Về doanh thu, mảng cao su vẫn đem về nguồn thu chủ yếu, nhưng lợi nhuận không cao. Năm 2019, mảng này chỉ đóng hơn 1,7% lợi nhuận, phần còn lại đến từ hoạt động giao đất và thanh lý cây cao su. Nhiều khả năng trong năm 2020, lợi nhuận từ mảng cao su chỉ đóng góp 0,7 - 0,8%...

Cần nhắc thêm, trong năm qua, PHR đã không hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận và chia cổ tức. Cụ thể, công ty đạt 1.615 tỷ đồng tổng doanh thu; 533,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt tương ứng 73,7% và 43% kế hoạch năm.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Bùi Huy Hoàng, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ngoại trừ lần đạt đỉnh vào tháng 2/2011 và hồi phục nhẹ vào năm 2017, nhìn chung, giá cao su ở mức tương đối thấp, nên không mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Thực tế, trong năm 2019, với mức giá cao su 33 - 34 triệu đồng/tấn, mảng cao su chỉ mang lại cho Phước Hòa mức lợi nhuận gộp 3 - 4 triệu/tấn.

“Phước Hòa còn sở hữu 7.764 ha cao su ở tỉnh Kampongthom (Campuchia), với 99% diện tích sẽ đưa vào thu hoạch trong năm 2020”, chuyên gia của VDSC cho biết. Cũng theo chuyên gia VDSC, vườn cây cao su ở Campuchia sẽ bù đắp cho việc sụt giảm sản lượng cao su Việt Nam, giúp Phước Hòa thoải mái sử dụng quỹ đất của mình cho các hoạt động khác mang lại hiệu quả cao hơn, như bất động sản công nghiệp.

Dồn lực vào bất động sản công nghiệp

Trong thực tế, hơn 2 năm qua, PHR đã chuyển dần vườn cây cao su tại Việt Nam sang Campuchia, đồng thời chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây cao su sang đất công nghiệp để cho thuê.

Theo tìm hiểu, các khu công nghiệp có liên quan đến PHR đều tọa lạc trên các trục đường lớn và chính yếu của Bình Dương, nên có nhiều lợi thế. Hiện mức giá cho thuê ở Khu công nghiệp Tân Bình do công ty quản lý đang ở mức 80 - 90 USD/ha/năm.

Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong tổng số 15.000 ha đất cao su mà PHR đang quản lý, công ty dự kiến dành khoảng 5.000 ha đất để xây dựng 5 khu công nghiệp.

Năm nay, PHR đã và đang có nhiều động thái quyết liệt nhằm giải quyết các khó khăn, nhất là các vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án phát triển công nghiệp.

Chẳng hạn, năm 2019, do khúc mắc trong việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cần thiết, PHR đã không thể nhận 150 tỷ đồng từ Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, nhưng đến tháng 3/2020, mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Dự kiến, PHR sẽ nhận đủ số tiền 865 tỷ đồng tiền đền bù và bàn giao toàn bộ 346 ha đất cho Nam Tân Uyên trong năm 2020.

Trong phương án kinh doanh năm 2020, Cao su Phước Hòa đề ra mục tiêu tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.460 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng, tăng tương ứng 46% và 115% so với thực hiện năm 2019. Tỷ lệ cổ tức không thấp hơn 40%.

Trong khi đó, tại Khu công nghiệp VSIP III, PHR đang khẩn trương hoàn thiện vấn đề pháp lý. Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Bình Dương, 2 bên sẽ lên kế hoạch về tiến độ trả tiền đền bù và giao đất.

Tại Khu công nghiệp Tân Lập, PHR dự kiến dành 400 ha cho các doanh nghiệp gỗ. Trong đó, PHR kỳ vọng cho thuê 200 ha đầu tiên trong năm 2020.

Theo tính toán của chuyên gia VDSC, giá đất đền bù tại dự án Khu công nghiệp VSIP III tối thiểu là 2,5 tỷ đồng/ha, trong đó 1,3 tỷ đồng/ha được giao trước, trong khi phần còn lại phụ thuộc vào tiến độ cho thuê, nhưng không thấp hơn 1,2 tỷ đồng/ha. Với số tiền nhận được từ Nam Tân Uyên, PHR đã đủ khả năng đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra của năm 2020, nên tiền đền bù đất từ VSIP có thể sẽ được ghi nhận trong năm 2021.

Có thể thấy, PHR có cơ sở để “đặt cược” kế hoạch lợi nhuận 2020 vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, rủi ro mà PHR có thể đối mặt. Trong đó, rủi ro lớn nhất đến từ vấn đề pháp lý của việc chuyển nhượng. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản công nghiệp.

“Với dự báo giá cao su tiếp tục giảm trong thời gian tới do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm, PHR cần nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động hoạt động thu hoạch và bán hàng trong nửa đầu năm, nhằm tránh giá giảm mạnh trong nửa cuối năm”, ông Hoàng khuyến nghị.

Tin mới lên