Bất động sản

Cao tốc Bắc – Nam: Gặp ‘bão’ giá, nhà thầu kêu thiếu tiền, lo vỡ tiến độ

(VNF) - Điều khiến các nhà thầu lo ngại nhất là “bão” giá các loại vật liệu gây ra rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ mất cân đối tài chính, ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình

Cao tốc Bắc – Nam: Gặp ‘bão’ giá, nhà thầu kêu thiếu tiền, lo vỡ tiến độ

Nhiều nhà thầu gặp khó khăn về tài chính khi giá nguyên vật liệu tăng cao, đề xuất điều chỉnh giá hợp đồng chưa được đồng ý.

Mới đây, Hiệp hội các Nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam đã kiến nghị lên Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các bộ ngành phản ánh về những khó khăn thực hiện cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020.

Điều khiến các nhà thầu lo ngại nhất là “bão” giá các loại vật liệu gây ra rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ mất cân đối tài chính, ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình

Giá vật liệu tăng tới hơn 150%

Bản kiến nghị có tên của hơn 20 nhà thầu phản ánh, ngay sau khi khởi công các dự án, các nhà thầu luôn phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính tăng giá đột biến như: đất đắp, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng… Bên cạnh đó giá thép các loại cũng tăng phi mã từ quý IV/2021 đến nay.

Thực tế, giá cả vật liệu thi công đã tăng mạnh từ nửa cuối năm 2021. Vào cuối quý III/2021, tình trạng này đã được các nhà thầu báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải và đề xuất các biện pháp và kiến nghị điều chỉnh giá hợp đồng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, khi việc điều chỉnh giá hợp đồng chưa thể thực hiện thì giá các chủng loại vật tư, vật liệu chính tiếp tục leo thang lên mặt bằng mới,

Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022, khi xung đột quân sự Nga – Ukraine xảy ra, giá dầu thô thế giới tăng và neo cao, kéo theo giá dầu diezel và các sản phẩm có nguồn gốc dầu mỏ tăng phi mã mà đây là nhiên, vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng tới giá tất cả các loaị vật tư, vật liệu khác do giá vận chuyển đã tăng 70 – 150% kể từ cuối 2021. Điều này cũng khiến cho chi phí máy thi công tăng lên rất lớn.

Theo thống kê, đến điểm hiện nay, giá một số chủng loại vật tư, vật liệu chính như: đất đắp tăng khoảng 30 – 50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%; cát vàng tăng 15 – 40%, có gói thầu tăng 187%; nhựa đường tăng 35 – 50%; đá sản xuất bê tông nhựa tăng khoảng 20 – 55%; giá cấp phối đá dăm loại 1 tăng khoảng 35% - 50%, cá biệt có gói thầu tăng 129%; nhiên liệu dầu diezel tăng 138 – 163%, thép tăng khoảng 40 – 50% sau thời điểm tăng đến 70%; xi măng tăng khoảng 20 – 35%…

Bên cạnh đó, hiện tại, các nhà thầu  cung cấp dịch vụ vận chuyển thông báo sẽ tiếp tục tăng giá cước vận tải khoảng 30 – 40%.

Mức giá biến động trên đây là tính ở thời điểm hiện tại, so với thời điểm ký hợp đồng. Tính chung, giá các chủng loại vật tư, vật liệu chính nêu trên tăng khoảng 20 - 30% so với trị hợp đồng trừ dự phòng.

Bên cạnh bão giá nguyên liệu, các nhà thầu cũng đối mặt với việc thiếu hụt lao động từ thợ phổ thông đến công nhân kỹ thuật. Cùng với thiếu nhân công, kết hợp với bão giá nhiên liệu từ quý I/2022 đến nay chi phí sinh hoạt, cước vận tải tăng cao nên có sự chênh lệch lớn giữa giá nhân công thực tế và giá công bố của các địa phượng.

Lo đứt dòng tiền

Giá thị trường tăng cao trong khi nguồn thanh toán không về kịp, cộng với khó khăn vay vốn khiến cho nhiều nhà thầu đối mặt với khó khăn tài chính.

Theo các nhà thầu, với giá biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu…

Cái khó nữa là hầu hết các nhà cung cấp, chủ mỏ đều yêu cầu thanh toán 100% trước khi nhận hàng. Thậm chí, phải đặt cọc trước theo khối lượng phân bổ của nhà cung cấp. Hoặc chốt khối lượng cung cấp thanh toán sớm. Trong khi đó, từ khi thi công đến khi được nghiệm thu thanh toán tiền từ chủ đầu tư ít nhất 2 – 3 tháng.

Hơn nữa, các nhà thầu còn tham gia thi công đồng thời một số hợp đồng thuộc dự án cáo tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 và đều trong giai đoạn mất cân đối nghiêm trọng.

Các nhà thầu cho biết, dù đã cố gắng để xoay xở nhưng sự mất cân đối dòng tiền luỹ kế trong suốt thời gian dài hơn 1 năm qua là quá lớn. Cùng với nhiều yếu tố cộng hưởng khác đã khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt về tài chính.

Từ tháng 10 – 11/2021, các nhà thầu đã phản ánh việc tăng giá lên Bộ Giao thông Vận tải, đến tháng 4/2022 Bộ đã báo cáo lên Chính phủ nhưng đến nay các giải pháp vẫn chưa giải quyết được khó khăn về tăng giá đầu vào quá lớn.

Các DN cho biết, hiện nay các nhà thầu đều trong tình trạng suy kiệt tài chính và chạm ngưỡng hạn mức đi vay ngân hàng để bù đắp thiếu hụt. Thực tế, những tuần gần đây tại nhiều dự án thành phần các nhà thầu đã không thể duy trì được tiến độ, cường độ công việc cao như trước đây…

“Thời gian hoàn thành dự án không còn nhiều, nếu không có giải pháp kịp thời trong thời gian ngắn thới thì nguy cơ vỡ tiến độ tai các dự án là hiện hữu”, đại diện các nhà thầu bày tỏ lo lắng.

Tin mới lên