Bất động sản

Cấp phép trực tuyến xe đi 'luồng xanh': Giải thoát lưu thông hàng hóa

Đã có phần mềm giúp chủ xe kinh doanh vận tải đăng ký và nhận giấy nhận diện kèm mã QR. Thẻ nhận diện cho phép xe hoạt động trên các “luồng xanh” tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội, đảm bảo lưu thông hàng hóa 24/7.

Cấp phép trực tuyến xe đi 'luồng xanh': Giải thoát lưu thông hàng hóa

Cấp phép trực tuyến xe đi 'luồng xanh': Giải thoát lưu thông hàng hóa

Dự kiến đầu tuần tới, Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT đưa vào vận hành phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên các “luồng xanh” liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc. Qua phần mềm này, chủ phương tiện sẽ được cấp giấy thông hành thống nhất để dùng đi lại trên toàn quốc, mọi thủ tục được giải quyết trực tuyến.

Nhận và trả trực tuyến

Chiều 16/7, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, phần mềm giúp các chủ xe kinh doanh vận tải đăng ký và nhận giấy nhận diện kèm mã QR (QR Code). Các dịch vụ được thực hiện theo mô hình cổng thông tin điện tử một cửa, nhận và trả kết quả trực tuyến.

Chủ phương tiện có nhu cầu đăng ký phương tiện, hành trình vận chuyển qua hệ thống; cơ quan quản lý kiểm tra, cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR dưới dạng điện tử, chủ xe tự in và dán lên kính lái. Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch sử dụng điện thoại quét mã QR trên giấy nhận diện để kiểm tra thông tin và ưu tiên cho xe thông qua nhanh nhất.

Tổng cục Đường bộ dự kiến, sau một thời gian áp dụng, có thể tiến tới phát triển dịch vụ này dưới dạng ứng dụng trên thiết bị di động cầm tay. Cơ quan này sẽ cung cấp các tài khoản truy cập phần mềm cho cán bộ thuộc Tổng cục, các Cục quản lý đường bộ, Sở GTVT tất cả các địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký.

Về tích hợp với hệ thống giám sát hành trình đã có, theo đại diện Tổng cục Đường bộ, mỗi xe vận tải được cấp 1 mã QR gắn với biển kiểm soát, hoạt động trên “luồng xanh” cố định. Sở GTVT các địa phương có thể qua hệ thống giám sát hành trình để giám sát, hậu kiểm xem phương tiện đó có đi đúng “luồng xanh” được cấp không…

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ, cho biết, phần mềm trên được xây dựng cơ bản giống cách TP. HCM đang thực hiện cấp thẻ nhận diện có mã QR cho xe vận tải ra vào thành phố. Phần mềm đang được xây dựng thí điểm, chưa phải dự án đầu tư từ ngân sách. Mục tiêu hướng tới là cả nước dùng chung 1 phần mềm để cấp thẻ nhận diện phương tiện, đảm bảo thống nhất, thuận lợi, không phải mỗi địa phương một cách như hiện nay.

Không tích hợp sẽ lãng phí giám sát hành trình

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA), cho rằng, Tổng cục Đường bộ nên tận dụng hệ thống giám sát hành trình để tạo thuận lợi cho xe chở hàng qua các điểm kiểm soát. Qua hệ thống giám sát hành trình, có thể dễ dàng kiểm soát xe vận tải đi theo luồng tuyến cho phép, điểm dừng đỗ, từ đó giảm kiểm tra thủ công tại các điểm kiểm soát gây ùn tắc, khó khăn cho lưu thông. Xe nào vi phạm có thể rút giấy thông hành.

“Hệ thống giám sát hành trình được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ cả chủ xe lẫn cơ quan quản lý, nhưng lâu nay chưa phát huy nhiều tác dụng, thậm chí có phần lãng phí. Bối cảnh dịch bệnh là lúc để hệ thống giám sát hành trình phát huy hiệu quả, thậm chí tích hợp thêm chức năng cấp giấy thông hành. Điều này công nghệ dễ dàng xử lý, thay vì mất thêm thời gian, chi phí để làm phần mềm mới”, ông Quyền nói.

Theo chủ tịch VATA, hiện các xe chở hàng gặp nhiều khó khăn với quy định thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, có nơi 3 ngày, có nơi 7 ngày. Bên cạnh đó, các điểm xét nghiệm dọc đường rất ít (có trường hợp đang trên đường thì giấy xét nghiệm hết hiệu lực, tài xế không biết tìm ở đâu).

Thậm chí, có địa phương yêu cầu cách ly lái và phụ xe khi vào tỉnh mình, dẫn tới thiếu tài xế. “Các ngành chức năng cần quy định thống nhất toàn quốc cách quản lý xe vận tải hoạt động mỗi khi có dịch, để tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa. Chúng tôi đã kiến nghị điều này nhiều lần, nhưng tới nay vẫn chưa có, vẫn mỗi nơi một kiểu, doanh nghiệp rất khó khăn”, ông Quyền nói.

Ngày 15/7, Tổng cục Đường bộ ban hành hướng dẫn, phân rõ các “luồng xanh” ưu tiên cho phương tiện chở hàng trên toàn quốc trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Cơ quan này cũng dự kiến lập các điểm dừng đỗ, xét nghiệm Covid-19 cho lái xe tại 19 trạm dừng nghỉ dọc quốc lộ khu vực phía Nam.

Hiện TP. HCM cấp thẻ ưu tiên cho phương tiện chở hàng, chuyên gia, công nhân ra vào thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo phương thức trực tuyến. Chủ xe đăng ký và được cấp thẻ nhận diện có mã QR để lực lượng chức năng tra cứu. Tính đến hết ngày 15/7, Sở GTVT TP. HCM cấp thẻ nhận diện cho hơn 29.500 ô tô chở hàng, chuyên gia, người lao động.

 

Tin mới lên