Tài chính

Cắt giảm 2.233 tỷ kế hoạch vốn nước ngoài, ngân sách trung ương có thêm 1.714 tỷ

(VNF) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí cắt giảm 2.233 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 theo đề xuất của 5 bộ ngành trung ương và 14 địa phương. Số tiền này sẽ được dùng để chi bổ sung cho các bộ, ngành trung ương và địa phương khác có nhu cầu, còn lại 1.714 tỷ đồng sẽ được nhập về ngân sách trung ương.

Cắt giảm 2.233 tỷ kế hoạch vốn nước ngoài, ngân sách trung ương có thêm 1.714 tỷ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thu hồi về ngân sách trung ương 1.714 tỷ đồng từ việc cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017

5 bộ ngành trung ương và 31 địa phương đề nghị bổ sung 5.800 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 15/12/2017, có 5 bộ ngành trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và 14 địa phương (Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quang Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau) đề xuất cắt giảm 2.233 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 với lý do không có khả năng giải ngân.

Trong khi đó, 5 bộ, ngành trung ương và 31 địa phương khác lại có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 ngoài hạn mức đã được Quốc hội phê duyệt với tổng vốn nước ngoài được đề nghị bổ sung là 5.863 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ Xây dựng và 8 địa phương (Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ngãi, Đăk Nông, Tiền Giang) đề xuất vốn bổ sung là 1.871 tỷ đồng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 33 địa phương đề xuất vốn bổ sung là 3.248 tỷ đồng;

Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và 4 địa phương đề xuất vốn bổ sung 743 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung 140 tỷ đồng vào kế hoạch vốn nước ngoài trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và năm 2017 đối với dự án "Hệ thống thông tin quản lý và Hiện đại hóa Ngân hàng" – Hợp phần triển khai tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Dự án này hiện chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020.

Chỉ 375 tỷ đồng/5.863 tỷ đồng là đề nghị bổ sung đúng quy định

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ nhất trí với đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài của 5 bộ ngành trung ương và 14 địa phương.

Đối với đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài 2017 của các bộ ngành, địa phương khác, Bộ cho biết sau rà soát, tổng mức đề nghị bổ sung đúng quy định là 375,7 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với các cơ quan đáp ứng mức giải ngân trên 80% tính đến hết ngày 30/8/2017 (Bộ Xây dựng và 8 địa phương), trong tổng 1.871 tỷ đồng được đề xuất bổ sung, số vốn nước ngoài được đề nghị bổ sung đúng quy định là 127,7 tỷ đồng.

Trường hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định đồng ý với đề xuất bổ sung 248 tỷ đồng.

Đối với đề xuất bổ sung 140 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, Bộ cho biết chưa có cơ sở bố trí giải ngân vốn nước ngoài trung hạn 2016 – 2020 từ đó có thể bố trí kế hoạch giải ngân vốn nước ngoài 2017 cho dự án này.

Tuy nhiên, Bộ cho rằng có thể sử dụng giải pháp thông qua trình cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 để bố trí kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương cho dự án.

Thu hồi 1.714 tỷ đồng về ngân sách trung ương

Từ các phân tích trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng quyết định cho phép điều chuyển 375,7 tỷ đồng trong tổng số 2.233 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đề xuất cắt giảm để bổ sung cho các bộ, ngành trung ương và địa phương theo các phương án:

Một là bổ sung 127,7 tỷ đồng các bộ ngành trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 tính đến hết ngày 31/8/2017 đạt trên 80%, đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí đã nêu.

Hai là bổ sung 248 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 bổ sung đảm bảo nguyên tắc tiêu chí đã nêu.

Ba là đối với dự án "Hệ thống thông tin quản lý và Hiện đại hóa Ngân hàng" (dự án FSMIMS) – Hợp phần triển khai tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước, cho phép sử dụng vốn dự phòng để bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho dự án (143 tỷ đồng), từ đó bổ sung 143 tỷ đồng này vào kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 cho dự án.

Đối với số vốn 1.714 tỷ đồng còn lại theo đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thu hồi về ngân sách trung ương.

Tin mới lên