Tiêu điểm

Cắt giảm nhân sự hàng loạt sẽ khiến gia tăng chi phí khi doanh nghiệp hoạt động trở lại

(VNF) - Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), hệ lụy của việc cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi hoạt động sản xuất được đẩy mạnh trở lại.

Cắt giảm nhân sự hàng loạt sẽ khiến gia tăng chi phí khi doanh nghiệp hoạt động trở lại

Cắt giảm nhân sự hàng loạt sẽ khiến gia tăng chi phí khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Để tiếp tục tham mưu hiệu quả với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu chống suy thoái doanh nghiệp, chống thất nghiệp song song với mục tiêu chống dịch Covid-19, tìm giải pháp tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và báo điện tử VnExpress mới đây đã tiến hành đợt khảo sát lần 2 trong cộng đồng doanh nghiệp từ ngày 7-13/4/2020.

Doanh nghiệp phải đối mặt với việc giải quyết công ăn việc làm

Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng không vì thế các doanh nghiệp “ngồi im”. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro; và trong 81% số doanh nghiệp trả lời có duy trì làm việc tại văn phòng thì 100% trong đó đã chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn...

Số doanh nghiệp quyết định ngừng kinh doanh để phòng tránh bệnh tật lây lan, hoặc do khó khăn trong mùa dịch chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát.

So với thời điểm khảo sát đầu tháng 3 của Ban IV (chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet trong bối cảnh đại dịch Covid-19) thì trong khảo sát lần này, 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, hay sử dụng nền tảng internet để cung cấp dịch vụ trực tuyến như dạy học online, tư vấn online, đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng nền tảng internet để đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng.

Một số doanh nghiệp cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%).

Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không có giải pháp là 10%, con số này trong khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%.

Theo kết quả khảo sát, với những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp (như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển) thì chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này.

Chỉ số dù chỉ là chỉ số tham khải, nhưng qua đó cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối hạn chế về mặt “chiến lược”, mọi ứng phó vẫn mang tính vụ việc, thời điểm nên thời gian tới rất cần các hỗ trợ kỹ thuật để giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong những lĩnh vực này.

Theo Ban IV, điều rất đáng ghi nhận trong khảo sát lần này là có sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động. Có khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực đảm bảo trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng; 26% doanh nghiệp trả lời phải cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh nhưng vẫn có trả trợ cấp cho lao động…

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến tất cả doanh nghiệp đều phải đối mặt với một thách thức rất lớn đó là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị suy giảm.

Dẫn chứng từ nhiều báo cáo của các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp, Ban IV cho hay nguy cơ cần phải cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất đã được đề cập tới. Đây cũng là lựa chọn của gần 40% doanh nghiệp trả lời khảo sát của Ban IV tháng 3/2020. Tuy nhiên, hệ lụy của việc cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi hoạt động sản xuất được đẩy mạnh trở lại.

Trong đợt khảo sát lần này, doanh nghiệp đã thể hiện nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ người lao động. Chỉ có 4% số doanh nghiệp trả lời áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp còn 27% doanh nghiệp trả lời lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn; 26% doanh nghiệp trả lời có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội” để giúp đỡ một phần cho người lao động; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường.

Nếu dịch kéo dài thì 9% số doanh nghiệp trả lời này có thể sẽ không có khả năng đảm bảo được nỗ lực mà doanh nghiệp đang cố gắng. Một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp trả lời (3%) tranh thủ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm để dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực.

Cần thay đổi chính sách hỗ trợ

Trong đợt khảo sát lần này, bên cạnh khảo sát các giải pháp doanh nghiệp tự triển khai để đối phó với dịch bệnh Covid-19 thì các doanh nghiệp cũng được hỏi về đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để thực hiện 3 mục tiêu: chống dịch - chống suy thoái doanh nghiệp - chống thất nghiệp.

Về việc chống thất nghiệp, các doanh nghiệp ủng hộ tinh thần của Chính phủ và các Bộ ngành thể hiện tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020. Tuy nhiên, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, thì doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị quyết này theo hướng có những chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh đồng thời để duy trì việc làm cho người lao động.

Đơn cử, doanh nghiệp kiến nghị được hoãn nộp một số khoản như: bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn... trong vòng 12 tháng để có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự nhằm thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới, thay cho chính sách vừa ban hành (người lao động, người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng nếu vì dịch bệnh mà phải cắt giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên).

Về việc chống suy thoái, các kiến nghị vẫn cơ bản xoay quanh một số vấn đề. Thứ nhất là Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác; đồng thời cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh.

Thứ hai là hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Thứ ba là giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay. Thứ tư là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa khi mà nguồn cung vượt qua cầu trong nước. Thứ năm là đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính online để cắt giảm thời gian, chi phí thực sự cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác còn rất khó khăn, khi thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp. Ví dụ như yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết.

Một vấn đề hết sức đáng lưu tâm trong các kiến nghị của doanh nghiệp, đó là, song song với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch để tận dụng tối đa các cơ hội.

Tin mới lên