Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] JPMorgan: 2 thế kỷ thăng trầm và hành trình đến 'ngôi vương'

(VNF) – Mặc dù vướng phải không ít bê bối trong ngành, nhưng ông "vua" của các ngân hàng, JPMorgan Chase, vẫn được ca ngợi là một trong những ngân hàng lâu đời và chất lượng tốt nhất ở Mỹ.

[Câu chuyện kinh doanh] JPMorgan: 2 thế kỷ thăng trầm và hành trình đến 'ngôi vương'

Hơn hai thế kỷ trôi qua, JPMorgan Chase đã trải qua không ít khó khăn để bước lên ngôi vị ông "vua" của các ngân hàng tại Mỹ.

JPMorgan Chase là một trong những tổ chức tài chính lâu đời nhất nước Mỹ, có nguồn gốc từ năm 1799. Tiền thân của JPMorgan Chase là Công ty Manhattan, chuyên cung cấp nước cho thành phố New York. Công ty Manhattan sau đó hợp nhất với Ngân hàng Chase (Chase Bank) – công ty đã mua lại JPMorgan & Co. để thành lập ra công ty ngày nay.

JPMorgan Chase hiện là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với tổng tài sản hơn 2,4 nghìn tỷ USD, giá trị vốn hóa 331 tỷ USD và hoạt động trên 50 quốc gia với hơn 183.000 nhân viên.

Ông J.P Morgan, cha đẻ của ông "vua" ngân hàng Mỹ, người được mệnh danh là "Napoleon phố Wall".

Mới đây, JPMorgan Chase vừa soán ngôi Ngân hàng Mỹ (Bank of America) để trở thành "vua" của các ngân hàng khi nắm giữ lượng tiền gửi lớn nhất nước Mỹ. Cụ thể, ngân hàng này đang nắm giữ lượng tiền gửi trị giá 1,31 nghìn tỷ USD, tương đương với 11% tổng tiền gửi ngân hàng tại Mỹ, vượt con số 1,29 nghìn tỷ của Ngân hàng Mỹ.

Một trong những điều làm nên thành công và tạo ra sự khác biệt của JPMorgan Chase so với các đối thủ khác là phạm vi hoạt động trải dài trên khắp các lĩnh vực của ngân hàng này: từ ngân hàng đầu tư, dịch vụ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, ngân hàng thương mại, xử lý giao dịch tài chính, quản lý tài sản, cho đến vốn cổ phần tư nhân,…

JPMorgan Chase trở thành ông "vua" ngân hàng Mỹ với lượng tiền gửi trị giá 1,31 tỷ USD, soán ngôi của Bank of America.

Con đường đi đến vương vị của JPMorgan Chase không trải đầy hoa hồng như nhiều người vẫn tưởng. Trong hành trình dẫn dắt và lãnh đạo của hơn 1.000 người tiền nhiệm và đương nhiệm, JPMorgan đã không ít lần phải đối mặt với những thất bại và bê bối ê chề.

Những bê bối của ông "vua" ngân hàng

Trải qua 2 thế kỷ hoạt động, JPMorgan Chase cũng có những khoảnh khắc "đáng xấu hổ". Vụ tai tiếng London Whale vào năm 2012 là một mốc đen điển hình trong lịch sử của ông "vua" ngân hàng này.

Một doanh nhân tại một văn phòng đầu tư ở Anh đã mất tới 6 tỷ USD trong một giao dịch với ngân hàng JPMorgan Chase. Các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sau đó đã phải tiến hành các cuộc hòa giải đôi bên. JPMorgan Chase đã đồng ý chi khoảng 920 triệu USD tiền phạt. Sự việc này đã khiến ông Jamie Dimon, tổng giám đốc điều hành của PJMorgan Chase, mất khoản tiền thưởng khổng lồ trong năm 2012.

JPMorgan Chase vướng phải không ít bê bối "đáng xấu hổ" trong nhiều năm hoạt động.

Năm 2013, JPMorgan Chase tiếp tục vướng phải một rắc rối đáng tiếc khác. Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (Consumer Financial Protection Bureau – CFPB) đã ra lệnh cho JPMorgan Chase hoàn trả lại hơn 30 triệu USD cho hơn 2,1 triệu khách hàng vì cấp thẻ tín dụng trái phép. Ngân hàng này bị phát hiện đã tham gia vào các hoạt động thanh toán không minh bạch cho một số loại thẻ tín dụng bằng cách tính phí người tiêu dùng với các dịch vụ giám sát mà họ không hề nhận được.

Hai năm sau, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) và các luật sư đến từ 47 tiểu bang đã có hành động chống lại JPMorgan Chase do bán các thẻ tín dụng nợ xấu và có các văn bản kiện tòa án bất hợp pháp. CFPB và các tiểu bang đã phát hiện ra ngân hàng này bán lại nợ xấu cho bên thứ ba, bao gồm các tài khoản không xác thực, không thu hồi được, hoặc không thể giải phóng.

Ông "vua" ngân hàng đã mất hàng trăm triệu USD để bồi thường cho những sai phạm của mình.

Ngân hàng JPMorgan Chase buộc phải bồi thường khoản tiền hơn 50 triệu USD cho người tiêu dùng, 136 triệu USD tiền phạt cho CFPB cùng các tiểu bang và một khoản tiền phạt 30 triệu USD cho Văn phòng Kiểm soát tiền tệ bởi một vi phạm có liên quan khác.

Mặc dù vấp phải nhiều vụ bê bối, JPMorgan Chase vẫn được ca ngợi là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Thậm chí, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng hết lời khen ngợi ông Jamie Dimon và tiến cử ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính cách đây vài năm.

Điểm sáng "cứu" danh dự

Những thành tích nổi trội của JPMorgan Chase trong nhiều năm hoạt động khó có thể đếm xuể. Năm 2000, JP Morgan Chase liên tục thực hiện nhiều giao dịch lớn, điển hình nhất là việc JPMorgan & Co. Incorporated sáp nhập với The Chase Manhattan Crop. Thương vụ này sau đó đã trở thành một "bản hùng ca" trong lịch sử JPMorgan Chase khi các đại gia ngành tài chính tại New York là JPMorgan, Chase, Chemical and Manufacturers Hanover về chung mái nhà JPMorgan Chase & Co. và trở thành ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ.

Bốn năm sau, việc sáp nhập với Bank One đã làm rung chuyển nhịp sống của các đối thủ cạnh tranh trong ngành khi tạo ra một khối liên kết mạnh mẽ giữa ngân hàng đầu tư và thương mại JPMorgan Chase với ngân hàng tiêu dùng Bank One.

Thương vụ JPMorgan & Co. Incorporated sáp nhập với The Chase Manhattan Crop. trở thành một "bản hùng ca" trong lịch sử JPMorgan Chase.

Một trong những niềm tự hào nhất làm nên thương hiệu của JPMorgan Chase là khả năng phục hồi thần kỳ của nó trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Khi các tổ chức tài chính khác liên tục gặp rắc rối hoặc có nguy cơ đối mặt với tử thần, ông Jamie Dimon, vị giám đốc "huyền thoại" của JPMorgan Chase, đã có những chiến lược đúng đắn.

Theo nhận định của một chuyên gia trên USA Today, "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009 hóa ra lại là sân khấu trình diễn tài năng cho Jamie Dimon. Cái mà ông Jamie gọi là "bảng cân đối vững chắc" đã giúp ngân hàng JPMorgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng mà không mất nhiều thời gian hơn một quý trong năm. Gần 7 năm sau cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán, JPMorgan Chase là ngân hàng duy nhất trên thế giới có thu nhập cao hơn chi phí vốn".

CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase.

Đồng thời, JPMorgan Chase cũng được vinh danh là công ty có môi trường làm việc tốt nhất trên thế giới, phù hợp với phụ nữ đến từ nhiều nền văn hóa và có lối sống lành mạnh. Ngân hàng này áp dụng các chính sách và quy định để gìn giữ sự đa dạng và khác biệt về văn hóa của nhân viên, một trong những điều được tôn trọng nhất ở đây.

Tin mới lên