Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] Sofbank có đang 'mờ mắt' trước tham vọng thống trị ngành công nghệ

(VNF) - Vốn là một công ty viễn thông, Softbank dường như đang chuyển hướng mảng kinh doanh cốt lõi của mình sang đầu tư công nghệ. Liệu chiến lược của tập đoàn này có đang đi đúng hướng?

[Câu chuyện kinh doanh] Sofbank có đang 'mờ mắt' trước tham vọng thống trị ngành công nghệ

Từ năm 2009 đến 2014, mức vốn hóa thị trường của SoftBank đã tăng 557%

SoftBank là tập đoàn viễn thông đa quốc gia của Nhật Bản được thành lập vào ngày 3/9/1981 bởi tỷ phú Masayoshi Son.

Tập đoàn này hoạt động trên nhiều lĩnh vực bao gồm băng thông rộng; viễn thông cố định; thương mại điện tử; Internet; dịch vụ công nghệ; tài chính; truyền thông tiếp thị; thiết bị bán dẫn; và nhiều lĩnh vực khác.

SoftBank được xếp hạng trong danh sách Forbes Global 2000 là công ty lớn thứ 38 trên thế giới, và là công ty lớn thứ 4 tại Nhật Bản sau Toyota và Mitsubishi UFJ Financial và Nippon Telegraph & Tel.

Từ năm 2009 đến 2014, mức vốn hóa thị trường của SoftBank đã tăng 557%, đứng thứ tư trong số 100 công ty có vốn hóa thị trường tăng nhanh nhất thế giới tại thời điểm đó.

Berkshire Hathaway của ngành công nghệ?

Công ty của tỷ phú Warren Buffett dù khởi đầu trong ngành công nghiệp dệt sợi nhưng hiện giờ lại có cổ phần trong Netjets và cả Coca Cola.

Còn Softbank, tập đoàn này hiện cũng sử dụng tiền thu được từ mảng kinh doanh cốt lõi là viễn thông để đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, tập đoàn này đã đầu tư vào các hoạt động kinh doanh từ dịch vụ gọi xe trực tuyến, phát triển robot đến nông nghiệp, thiết bị phát hiện ung thư và xe tự lái. Gần đây tập đoàn này còn mua lại 15% cổ phần của Uber.

Nhà sáng lập của Softbank: Masayoshi Son

Vốn là một công ty viễn thông, Softbank dường như đang chuyển hướng mảng kinh doanh cốt lõi của mình sang đầu tư công nghệ.

Tập đoàn Nhật Bản hiện đang điều hành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới mang tên Vision Fund với gần 100 tỷ USD huy động được trong năm 2017. Tuy nhiên, số lượng vốn khổng lồ này theo CEO Son mới chỉ là bước đầu và sớm thôi sẽ có các quỹ Vision Fund thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4.

Ông Son đang vẽ nên một bức tranh về tương lai với sự giao thoa của vạn vật Internet, công nghệ điện toán đám mây, và trí thông minh nhân tạo. Và SoftBank sẽ hiện diện trong từng bước phát triển của tương lai ngành công nghệ.

Chiến lược của Softbank có đi đúng hướng?

Hơn một năm trước, khi SoftBank đưa ra kế hoạch Quỹ Vision Fund 100 tỷ USD, chẳng mấy ai tin vào câu chuyện "viển vông" này.

Nhưng giờ thì ai cũng thấy được điều đó. Theo thông tin từ PwC và CB Insights, SoftBank là nhà đầu tư dẫn đầu các khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Hoa Kỳ vào mùa hè 2017. Điều này cũng đúng khi nói đến 3 thương vụ lớn nhất trên thị trường toàn cầu.

Hàng loạt hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực có dấu chân của tập đoàn này là một minh chứng cho sức mạnh của Softbank và nhà sáng lập Masayoshi Son.

Ông Masayoshi Son giới thiệu Quỹ đầu tư Softbank Vision Fund

Tuy nhiên, khi Quỹ Vision Fund ra đời, các tổ chức đầu tư mạo hiểm trên thế giới cho rằng việc đổ một lượng tiền lớn vào một ngành vốn đã tràn ngập tiền không phải là một điều đúng đắn.

Còn sớm để nói quỹ mới của SoftBank đã trả giá quá cao cho các thương vụ của mình, nhưng chính những khoản đầu tư này chắc chắn đã làm tăng đáng kể giá trị của nhiều tập đoàn công nghệ.

Có vẻ như tập đoàn này chỉ đang kiểm tra lại một trong những quy tắc bất thành văn của đầu tư mạo hiểm: "Nguồn vốn khổng lồ cho một công ty chưa sẵn sàng sẽ làm hỏng một mô hình kinh doanh hoàn hảo".

Bên cạnh đó, việc đặt chân vào quá nhiều công ty có thể khiến tập đoàn này phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến quy định chống độc quyền. Softbank từng đầu tư 5,5 tỷ USD vào công ty Trung Quốc Didi Chuxing và 2 tỷ USD cho Grab, một công ty hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Thỏa thuận mới đây với Uber sẽ khiến Softbank "dính líu" với tất cả các đối thủ trên thị trường gọi xe trực tuyến.

Softbank có tham vọng thống trị tương lai ngành công nghệ

Khi nói đến tầm nhìn của Softbank, ông Son tin tưởng vào tiềm năng giao thoa của công nghệ với "vạn vật Internet", công nghệ điện toán đám mây và trí thông minh nhân tạo. Hồi tháng 2 năm ngoái, nhà sáng lập của Softbank từng nhắc tới cái gọi là "điểm kỳ dị" vào năm 2047, thời điểm đánh dấu trí thông minh máy tính vượt qua con người và từng bước cải thiện bản thân chúng theo cấp số nhân.

Đó có thể là một chiến lược quảng cáo tuyệt vời khi ông mở rộng tầm ảnh hưởng của SoftBank vào các nhánh công nghệ mới. Tuy nhiên, phạm vi đầu tư rộng lớn với việc đặt chân vào hàng loạt các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech, truyền thông, lương thực, năng lượng và công nghệ sinh học đang khiến cho tầm nhìn đó đang trở nên vô nghĩa. Khoản đầu tư 4,4 tỷ USD vào startup không gian làm việc WeWork có vẻ không có liên quan gì tới công nghệ tương lai mà Softbank đang hướng tới.

Những người hâm mộ của Masayoshi Son thường biện hộ bằng ví dụ về việc tỷ phú này đã sớm nhìn thấy tiềm năng của Alibaba. Không thể phủ nhận đây là một trong những thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công nhất từ trước tới nay. 

Tuy nhiên, thực tế khoản đầu tư của ông Son cho công ty thương mại điện tử của Trung Quốc chỉ là 20 triệu USD. Còn hiện tại những thương vụ của Softbank với các doanh nghiệp mà tập đoàn này cho là có tiềm năng "thay đổi thế giới" đang tiêu tốn hàng tỷ USD.

Tin mới lên