Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] Thách thức mới của Amazon

(VNF) – "Người khổng lồ công nghệ" trong ngành hàng bán lẻ Amazon đang gặp những rào cản được tạo ra bởi các đối thủ cạnh tranh trên con đường soán ngôi "vua bán lẻ".

[Câu chuyện kinh doanh] Thách thức mới của Amazon

Năm 2015, Amazon vượt qua Walmart, trở thành nhà bán lẻ có giá trị nhất tại Hoa Kỳ khi công ty được vốn hóa.

Amazon bắt đầu bằng cái tên Cadabra vào năm 1994, sáng lập bởi Jeff Bezos, rồi chính thức xuất hiện trên Internet với tên miền amazon.com vào năm 1995. Khởi đầu là một cửa hàng sách trực tuyến, ngày nay Amazon đã trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất hành tinh.

Điều làm nên sự khác biệt và mang lại vị thế lớn trên toàn cầu cho Amazon là công ty đã tạo ra những trải nghiệm tốt nhất khi mua hàng trực tuyến. Tập trung vào yếu tố khách hàng và dự đoán được chính xác xu hướng mua sắm giúp Amazon vượt qua những đối thủ cạnh tranh. 

Kế hoạch kinh doanh của người sáng lập Jeff Bezos đã khác biệt với những công ty thương mại điện tử khác ngay từ ban đầu, đó là đưa mọi sản phẩm có thể bán được vào kinh doanh trực tuyến. 

Amazon bán mọi thứ từ đĩa CD âm nhạc, phần mềm, công cụ, đồ chơi, đồ thể thao và thậm chí cả hàng tạp hóa.

Amazon bán mọi thứ từ đĩa CD âm nhạc, phần mềm, công cụ, đồ chơi, đồ thể thao và thậm chí cả hàng tạp hóa. Nhưng sáng chế lớn nhất của Amazon là cuốn sách điện tử Kindle, sản phẩm đóng góp phần lớn cho doanh thu của Amazon. Mỏng nhẹ, sử dụng dễ dàng cùng với sự sẵn có của các ấn bản trực tuyến, Kindle đã tạo ra một cuộc cách mạng khi mọi người chuyển từ sách giấy sang sách điện tử.

Vào năm 2015, Amazon vượt qua Walmart, trở thành nhà bán lẻ có giá trị nhất tại Hoa Kỳ khi công ty được vốn hóa. Amazon là công ty đại chúng có giá trị lớn thứ 4 trên thế giới, công ty Internet lớn nhất theo doanh thu trên thế giới, và nhà tuyển dụng lớn thứ 8 ở Hoa Kỳ. Tạp chí Forbes xếp hạng Amazon ở vị trí thứ 83 trong danh sách 2000 công ty lớn nhất thế giới, với giá trị 427 triệu đôla.

Nước cờ lớn của Amazon nhằm chiếm vị trí đứng đầu ngành hàng bán lẻ

Tháng 8/2017, Amazon mua lại Whole Foods Market với giá 13,4 tỷ USD, từ một công ty chỉ kinh doanh trực tuyến sang hiện diện ở các cửa hàng trong chuỗi bán lẻ. Công ty xếp hạng tín dụng Credit Suisse đã tăng mục tiêu giá cổ phiếu Amazon lên 1.350 USD từ mức 1.100 USD, dựa vào tiềm năng của "người khổng lồ" thương mại điện tử trong việc mua lại Whole Foods để tăng cường khả năng phân phối thông qua dịch vụ Prime Now.

Việc Amazon mua lại chuỗi siêu thị thực phẩm Whole Foods đã gây bất ngờ với nhiều nhà bán lẻ truyền thống, và điều này dấy lên sự lo ngại rằng việc sáp nhập hệ sinh thái thương mại điện tử của Amazon với hàng trăm cửa hàng thuộc chuỗi Whole Foods có thể khiến các siêu thị và cửa hàng truyền thống khác trở nên lỗi thời.

Sau thương vụ mua bán, Amazon đã giảm giá tại Whole Foods, bắt đầu bán loa Echo trong các cửa hàng, lên kế hoạch bổ sung các tủ chứa hàng cho khách mua trực tuyến đến lấy tại một số địa điểm, và đưa các sản phẩm Whole Foods vào danh mục Prime Now - chương trình giao hàng trong vòng hai tiếng. 

Tháng 8/2017, Amazon mua lại Whole Foods Market với giá 13,4 tỷ USD, từ một công ty chỉ kinh doanh trực tuyến sang hiện diện ở các cửa hàng trong chuỗi bán lẻ.

Những sự thay đổi đó sẽ mang lại lợi ích lớn cho Amazon khi các cửa hàng Whole Foods trở thành trung tâm mua bán và phân phối hàng tạp hoá và đặt hàng trực tuyến. Sự kết hợp này sẽ khiến việc đăng kí thành viên Prime của Amazon trở nên hấp dẫn hơn nữa khi khách hàng nhận được những ưu đãi, giảm giá đặc biệt.

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ không muốn ngồi yên chờ đợi đối thủ lớn nhất của họ tiếp quản thị trường. Thay vào đó, họ đang dựa vào thỏa thuận cho thuê bất động sản để hạn chế những gì Amazon có thể làm với các cửa hàng Whole Foods.

Rào cản từ đối thủ cạnh tranh

Sở hữu một chuỗi cửa hàng có thể mang lại nhiều lợi ích đối với Amazon, nhưng lại ảnh hưởng đến các cửa hàng lân cận – người cho thuê cửa hàng sẽ bị giảm doanh thu và cuối cùng là biến mất vì không còn người thuê. 

Kết quả là, nhiều hợp đồng cho thuê giữa chủ nhà và nhà bán lẻ quy định rằng chủ nhà không thể cho thuê bất động sản cho người khác - có thể kéo dài 10 đến 20 năm – sẽ gây tổn hại cho việc kinh doanh khi mà họ không thể sử dụng cho mục đích khác hoặc bắt đầu các dự án xây dựng mới mà không có sự chấp thuận.

Một số hợp đồng cho thuê cũng nêu rõ tên đối thủ cạnh tranh bị cấm mở cửa hàng gần đó. Nếu các nhà bán lẻ nhắm mục tiêu cấm đến Amazon và Whole Foods, kế hoạch mở rộng của công ty thương mại điện tử này sẽ nhanh chóng gặp phải trở ngại.

Hãng bán lẻ Target gần đây đã yêu cầu một trong những chủ cho thuê của mình, một công ty con của Regency Centers, không cho phép đặt tủ khóa, hộp khóa hoặc các loại hệ thống lưu trữ khác được sử dụng để nhận hoặc lưu trữ hàng hóa từ cửa hàng hoặc nhà bán lẻ trực tuyến tại thương xá Pinecrest Place ở Miami. 

Theo Reuters, Regency đã đồng ý với những điều khoản đó, vì vậy cửa hàng Whole Foods mới tại trung tâm sẽ bị cấm lắp đặt tủ khóa của Amazon và thực hiện các đơn đặt hàng Prime Now.

Dù thành công khi bước vào lĩnh vực bán lẻ, nhưng Amazon vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các đối thủ cạnh tranh.

Target cũng sử dụng chiến lược tương tự nhằm chống lại Amazon trong các cửa hàng ở Illinois và California. Bởi Target phụ thuộc rất nhiều vào doanh số bán hàng tạp hoá (21% doanh thu trong nửa đầu năm 2017), trong khi khoảng 7% cửa hàng của Whole Foods tại Mỹ nằm trong phạm vi một phần tư dặm của siêu thị Target gần nhất.

Target không phải là nhà bán lẻ duy nhất đàm phán các điều khoản "chống Amazon" vào hợp đồng cho thuê của mình. Đầu năm nay, chuỗi cửa hàng tạp hóa của Đức Lidl đã đàm phán các thỏa thuận thuê nhằm ngăn chặn các hoạt động của các đối thủ như "Wal-Mart và Amazon" gần cửa hàng của mình ở Long Island, New York. 

Một cửa hàng Bed Bath & Beyond ở Manhattan đã thương lượng một hợp đồng cho thuê ngăn cấm cửa hàng Whole Foods bên cạnh bán khăn trải giường, đồ dùng trong nhà, đồ dùng gia đình và khung ảnh các loại.

Những người ủng hộ Amazon cho rằng các nhà bán lẻ như Target chỉ đơn thuần là đang trì hoãn những điều không thể tránh khỏi bằng các cuộc đàm phán thuê mướn này. Tuy nhiên, các thỏa thuận như vậy chỉ ra rằng các nhà bán lẻ và chủ cho thuê không muốn Amazon phát đạt và làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của mình.

Amazon có thể sẽ tìm cách để vượt qua những rào cản này, hoặc là thông qua các hợp đồng cho thuê khai thác tài sản riêng, hoặc là mua lại tài sản. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, kế hoạch thống trị của ngành công nghiệp Amazon đối với Whole Foods sẽ phải đối mặt với những thách thức trong khi các nhà bán lẻ quen thuộc khác đang cố gắng để mở rộng dịch vụ bán hàng trực tuyến và địa điểm lấy hàng của riêng họ.

Tin mới lên