Tài chính quốc tế

CEO của KLM: Chúng tôi đã quá ngạo mạn khi 'lờ đi' các hãng hàng không giá rẻ

(VNF) - Đối thủ đáng gờm nhất của các hãng hàng không lâu đời trong vài thập kỷ qua chính là các hãng hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài các 'lão làng' mới bắt đầu nhận thức được hiệu quả của hình thức kinh doanh này.

CEO của KLM: Chúng tôi đã quá ngạo mạn khi 'lờ đi' các hãng hàng không giá rẻ

Hãng Hàng không lâu đời nhất thế giới

CEO Pieter Elbers của Hãng Hàng không Hoàng Gia Hà Lan (KLM), một trong những hãng hàng không lâu đời nhất thế giới vừa nhìn nhận lại lỗi lầm lớn nhất mà ngành hàng không mắc phải 20 năm trước.

"Trong thập kỷ đầu tiên khi bắt đầu xuất hiện hàng không giá rẻ, những công ty vận chuyển với mạng lưới rộng lớn như chúng tôi đã gần như bỏ qua tiềm năng tăng trưởng của nó", Elbers cho biết. "Thị phần của các hãng này đang gia tăng nhanh chóng và hiện chiếm khoảng 42% - 45% các chuyến bay ở khu vực Châu Âu".

Để cạnh tranh với các đối thủ, KLM cũng đã có những thay đổi quyết liệt trong cách thức hoạt động kinh doanh.

"Chúng tôi đã bắt tay thực thi một chiến dịch tại cách đây vài năm, nỗ lực bảo vệ thị phần ở châu Âu và đảm bảo rằng luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu", ông nói.

"Hạ thấp chi phí, tối ưu hóa các đội tàu bay, tăng số lượng các điểm đến là những gì chúng tôi đang làm. Nhờ đó KLM có thể tập trung đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ một cách tốt nhất."

Năm 2004, KLM sáp nhập với Air France để thành lập một trong những tập đoàn hàng không lớn nhất của châu Âu với đội bay hơn 530 chiếc, vận chuyển hơn 93 triệu hành khách hàng năm. Do bản chất cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp hàng không thương mại châu Âu, mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với Air France-KLM. Tuy nhiên, công ty đã có một sự phục hồi tốt đẹp, báo cáo lợi nhuận 1,2 tỷ USD thông qua ba quý đầu năm nay.

Dẫu vậy các hãng hàng không giá rẻ không phải là mối đe dọa duy nhất đối với Air France-KLM. Tại các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản, đường sắt cao tốc phần nào ảnh hưởng tới thị trường hàng không. Nhưng đó không phải là vấn đề chính của KLM.

Elbers cho biết: "Ở các nước như Pháp thì những chuyến bay nội địa có thể phần nào bị ảnh hưởng nhưng về cơ bản đường sắt cao tốc quốc tế ở châu Âu chỉ chiếm một phần rất nhỏ".

Điều đáng quan ngại của hãng hàng không lâu đời nhất thế giới này là 3 hãng hãng không vùng Vịnh: Emirates, Etihad, và Qatar Airways. Đây là chủ đề chính trong các cuộc tranh luận, khi mà nhiều hãng hàng không Mỹ và Châu Âu đang cáo buộc các hãng hàng không này được hậu thuẫn bởi trợ cấp chính phủ.

"Thực tế thì các đối thủ cạnh tranh mới không phải là một vấn đề, nhưng chúng tôi mong muốn có một sân chơi công bằng, nơi mà người chơi cần tuân thủ luật lệ", ông Pieter Elbers cho biết.

Tin mới lên