Tài chính

CEO Finhay: 'Chúng tôi không đối đầu trực tiếp với công ty chứng khoán'

(VNF) - CEO Finhay cho biết dù sở hữu một công ty chứng khoán, fintech này cũng sẽ không "đối đầu" trực tiếp với các công ty chứng khoán truyền thống mà sẽ tạo ra đột phá ở góc độ khác, dựa vào sức mạnh của công nghệ.

CEO Finhay: 'Chúng tôi không đối đầu trực tiếp với công ty chứng khoán'

CEO Finhay Nghiêm Xuân Huy.

Gần đây, Finhay đã trở thành fintech đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một công ty chứng khoán, sau khi hoàn tất thâu tóm Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC). Trước đó, Finhay đã là một fintech khá nổi bật trên thị trường quản lý tài chính cá nhân, chuyên về đầu tư - tích lũy trên nền tảng số.

Trong cuộc trao đổi với VietnamFinance, CEO Finhay Nghiêm Xuân Huy đã có những chia sẻ cụ thể hơn về thương vụ đáng chú ý trên cũng như đưa ra góc nhìn về thị trường quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam.

- Sau 5 năm thành lập, Finhay hiện đã đạt được những thành công cụ thể ra sao, thưa ông? Cá nhân ông đánh giá thế nào về xu hướng đầu tư tích lũy vừa và nhỏ hiện nay?

Ông Nghiêm Xuân Huy: Trong 5 năm hoạt động, Finhay đã phát triển mạnh mẽ và đạt được những cột mốc mới. Cụ thể là tính tới năm 2022, Finhay đã cán mốc hơn 2,7 triệu người dùng. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Intage Việt Nam LLC - thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu thị trường Mỹ (MRA) tại New York và Chicago vào tháng 4/2022, Finhay là ứng dụng đầu tư, tích lũy phổ biến nhất Việt Nam.

Tháng 6/2022 vừa qua, Finhay thông báo việc hoàn tất mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC), trở thành một trong những fintech đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một công ty có giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán. Cũng trong tháng này, Finhay đã thông báo việc gọi vốn thành công 25 triệu USD tại vòng Series B được đồng tổ chức bởi Openspace Ventures & VI Group.

Về xu hướng đầu tư tích lũy vừa và nhỏ hiện nay, như chúng ta đều thấy, trong 2 năm đại dịch, thị trường đầu tư tài chính trên khắp thế giới đã bùng nổ. Những thay đổi về môi trường sống đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của đầu tư - tích lũy.

Trước đây, các công cụ tài chính ở Việt Nam thường tập trung vào đối tượng khách hàng có nguồn vốn lớn hoặc khách hàng tổ chức, nhưng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong năm 2021 đã cho thấy sức mạnh của các nhà đầu tư cá nhân mà ngôn ngữ mạng chúng ta hay gọi là “nhỏ lẻ”. Vậy nên, tôi thấy bức tranh đầu tư tài chính đang có sự thay đổi, khi mà đối tượng khách hàng này đang được chú trọng hơn.

Khi mới gia nhập thị trường, chúng tôi là công ty đầu tiên hoạt động theo mô hình cung cấp nền tảng đầu tư - tích lũy vừa và nhỏ nhưng cho đến thời điểm hiện tại, bạn có thể thấy rất nhiều ứng dụng áp dụng mô hình này trên thị trường.

Không chỉ thế, các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống hay các ví điện tử cũng nhìn thấy tiềm năng ở mảng này và bắt đầu cho ra những sản phẩm mới. Thị trường của chúng tôi đang trở nên sôi động hơn và tôi rất mong chờ những cơ hội cũng như thách thức mà sự nhộn nhịp này mang lại trong tương lai

- Trong những thành quả kể trên thì thương vụ mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC) như ông nói xuất phát từ lý do nào?

Việc mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC) là một trong những dấu mốc quan trọng đối với chúng tôi trong năm nay. Việc sở hữu một công ty chứng khoán sẽ bổ trợ cho Finhay về vấn đề pháp lý để cung cấp các dịch vụ chứng khoán một cách rõ ràng hơn. Ngoài ra, việc mua lại này sẽ cho phép chúng tôi hỗ trợ các nhà đầu tư cá nhân tiếp cận các sản phẩm tài chính mà theo thông lệ thị trường không nhắm tới khách hàng cá nhân nhỏ lẻ.

- Kế hoạch tiếp theo sau thương vụ này là gì thưa ông?

Trước mắt, chúng tôi đang xúc tiến để VNSC trở thành đại lý phân phối chứng chỉ quỹ cho các quỹ đầu tư. Như đã chia sẻ phía trên, đầu tư tài chính là một lĩnh vực lớn với vô vàn sản phẩm thú vị đang chờ chúng tôi khám phá.

Hiện tại, chúng tôi chưa thể tiết lộ cụ thể về những sản phẩm, dịch vụ mà Finhay sẽ phát triển trong tương lai nhưng chắc chắn, với việc sở hữu VNSC, những sản phẩm mà chúng tôi đưa ra thị trường sẽ đa dạng và hấp dẫn hơn.

- Với việc cung cấp dịch vụ chứng khoán, Finhay liệu có thay đổi về định hướng phát triển mà ông đã xây dựng từ trước không?

Không có gì thay đổi so với kế hoạch ban đầu, không có lý do gì có thể thay đổi định hướng phát triển được xây dựng từ trước của Finhay.

- Finhay là fintech đầu tiên tại Việt Nam mua công ty chứng khoán, ngay sau đó, một fintech khác cũng công bố mua cổ phần của một công ty chứng khoán, liệu đây có phải là xu hướng mới của các fintech?

Theo tôi, rất khó để nói liệu đây có phải là một xu hướng hay không, nhưng theo như chúng tôi đã chia sẻ, việc sở hữu một công ty có giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán là sự bổ trợ mạnh mẽ về mặt pháp lý cho Finhay để cung cấp các sản phẩm tài chính một cách rõ ràng hơn và quyền lợi của người dùng được bảo vệ chắc chắn hơn.

Tôi cho rằng đây cũng là “tâm lý” hay “mục đích” chung của các công ty fintech khi thực hiện bước đi này. Và thực ra điều này là rất tốt, một công ty fintech khi có được sự bổ trợ từ công ty công ty chứng khoán sẽ là tiền đề và nền tảng vững chắc để xây dựng các sản phẩm tài chính đa dạng và hấp dẫn hơn, lan tỏa và mang đến giá trị cho nhiều nhà đầu tư hơn nữa.

- Với việc mua lại công ty chứng khoán, Finhay liệu có bước vào cuộc đua cạnh tranh với các công ty chứng khoán truyền thống?

Dù sở hữu một công ty chứng khoán thì chúng tôi cũng vẫn là một fintech, nơi mà chúng tôi ưu tiên ứng dụng công nghệ để xử lý các vấn đề của thị trường hiện tại hoặc mở ra những hướng đi mới, cung cấp nền tảng để người dùng trải nghiệm những sản phẩm tài chính sáng tạo hơn, thay vì trực tiếp “đối đầu” hay “cạnh tranh” với các công ty chứng khoán truyền thống trong thị phần môi giới.

Chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ tạo ra đột phá ở một góc độ khác, dựa vào sức mạnh của công nghệ thay vì đi theo các sản phẩm hay phân khúc thị trường truyền thống.

- Ông có nhìn nhận thế nào về nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán hiện nay?

Cá nhân tôi quan sát thì thấy rằng người Việt Nam có một tinh thần “entrepreneurship” (tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh) rất mạnh mẽ. Họ thích chủ động và trong chuyện kinh doanh, đầu tư, họ có khẩu vị rủi ro cao, chấp nhận “mạo hiểm” để đạt được lợi nhuận lớn. Tôi nghĩ đây là một nét tính cách rất hợp với thị trường chứng khoán.

Qua năm 2021 vừa rồi có thể thấy sức mạnh và sự ảnh hưởng của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán là rất rõ ràng. Để sức mạnh của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán được củng cố thì họ cần được trang bị thêm kiến thức cũng như sự quyết tâm đồng hành cùng thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Tin mới lên