Bất động sản

CEO Hải Phát Land: ‘Điều chúng tôi cần nhất lúc này là được thông thương’

(VNF) – “Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rồi, bây giờ chúng tôi cần nhất là sự thông thương, là được đi lại, có như vậy mới sản xuất, kinh doanh được”, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land, cho biết.

CEO Hải Phát Land: ‘Điều chúng tôi cần nhất lúc này là được thông thương’

Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land,

Đi lại dễ dàng là niềm khao khát của doanh nghiệp

Trụ sở Hải Phát Land nằm tại tòa nhà The Pride trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Công ty có hơn 2.000 nhân viên này, những ngày không có dịch, người lên xuống, ra vào như mắc cửi, tiếng nhân viên gõ phím máy tính rào rào như tiếng mưa, nhưng bây giờ khá thưa vắng.

“Chúng tôi phải tuân thủ quy định của thành phố, chỉ 50% nhân viên đi làm, 50% phải làm trực tuyến”, CEO Vũ Kim Giang giải thích.

Hải Phát Land đã tái hoạt động từ ngày 21/9, sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội. 3 tuần đã trôi qua, nhịp sống của công ty đã phần nào hồi phục. Lượng khách đạt khoảng 70% so với thời điểm trước giãn cách. Một số dự án đã triển khai lại công tác bán hàng, đưa khách đi tham quan, thực hiện các bước đặt cọc, chốt hợp đồng. Đáng chú ý, có dự án có tốc độ bán hàng khá tốt, chẳng hạn như Horizon Bay (Quảng Ninh), sau giãn cách “đẩy” được tới 200 căn.

Dù mức độ phục hồi không đồng đều, do nhiều tỉnh thành vẫn siết chặt các hoạt động đi lại khiến hoạt động kinh doanh chưa thể liền mạch, song kết quả trên đây vẫn là một thành tựu đáng kể của Hải Phát Land so với khoảng thời gian 2 tháng “chìm” trong dịch bệnh. Trong 2 tháng ấy, giao dịch toàn hệ thống Hải Phát Land sụt giảm hơn 50%, các chi nhánh ở miền Trung và miền Nam gần như bất động.

“Đó là giai đoạn rất khó khăn, vì không ai lường được giãn cách lại kéo dài như thế. Tôi phải đốc thúc anh em liên tục để giữ tâm thế làm việc, giữ tinh thần cho nhân viên, giữ tương tác nội bộ và thúc đẩy tương tác với khách hàng. Dịch bệnh không buôn bán ngay được thì phải chăm sóc khách, đến khi hết dịch là bung ra ngay, không để có độ trễ, bởi vậy mà hiện giờ mọi thứ đang dần trở lại quỹ đạo”, ông Giang chia sẻ.

Trên thực tế, ông Giang cũng không chịu “ngồi im” đợi dịch trôi qua. 3 đợt dịch liên tiếp trong 2 năm qua đã bào mòn đáng kể sức khỏe doanh nghiệp, đến đợt dịch thứ 4 này, việc gì cũng là việc cần làm ngay. Bởi vậy, dù phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chống dịch của địa phương, các chuyến đi vẫn được tiến hành: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh... - đi để “săn” dự án, tìm kiếm sản phẩm đầu tư. Nhờ đó, tính đến nay, Hải Phát Land đã có trong tay danh mục phân phối gần 100 dự án và đang nghiên cứu – đầu tư khoảng 10 dự án khác.

Gần đây nhất, công ty đã trúng đấu giá dự án trên mặt đường Hùng Vương, tỉnh Phú Yên, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Hiện, dự án này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đang ở khâu thiết kế để khi hết giãn cách sẽ bắt đầu triển khai.

Ông Giang cho biết năm nay Hải Phát Land đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 150% so với năm 2020. Tính đến cuối quý III, công ty đã hoàn thành được 60% kế hoạch. Với 40% còn lại, công ty sẽ dốc hết sức để thực hiện, dù mục tiêu này là rất thách thức.

“Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rồi, ngay lúc này, điều chúng tôi cần nhất là sự thông thương, là được đi lại, có như vậy mới sản xuất, kinh doanh được”, ông Giang kiến nghị.

Bất động sản vẫn hấp dẫn dòng tiền

Nhìn nhận về thị trường bất động sản quý IV/2021, ông Giang cho rằng sức mua đang trở lại và bất động sản vẫn có nhiều điểm sáng để kỳ vọng. Một là giai đoạn tới, nhà nước đã thực hiện các gói tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là tăng giải ngân đầu tư công. Nguồn vốn đầu tư công chảy mạnh nhất vào hạ tầng, do đó bất động sản sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, bất động sản tiếp tục cho thấy đây là kênh trú ẩn vốn an toàn và tiềm năng sinh lợi cao, nên nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, đẩy mạnh tại những địa phương đang có mức giá tốt như Hà Nam, Thái Bình, Hòa Bình và nhắm tới các thị trường nghỉ dưỡng giàu tiềm năng như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.

“Đừng thấy du lịch nghỉ dưỡng khó khăn mà sợ, thị trường này chỉ đang gặp cú sốc tạm thời do dịch bệnh, triển vọng tăng trưởng vẫn rất lớn. Thực tế, giai đoạn này, thị trường nghỉ dưỡng lại đang có lợi cho nhà phân phối. Chủ đầu tư đang cần những đơn vị có kinh nghiệm để tư vấn phát triển dự án và bán hàng. Chúng tôi, thậm chí, còn sẵn sàng M&A nếu tìm được giá hợp lý”, ông Giang nói.

Đánh giá về nguồn cung, ông Giang cho rằng từ đây đến hết nửa đầu năm sau, nguồn cung toàn thị trường sẽ vẫn hạn chế. Nguyên do là các tỉnh vẫn đang tập trung cho chống dịch nên công tác hoàn thiện pháp lý cho các dự án sẽ bị kéo dài. Ngoài ra, nhiều dự án đang chờ đợi việc sửa đổi các đạo luật quan trọng như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, xa hơn là Luật Đất đai. Từ việc sửa đổi đến khi luật có hiệu lực và áp dụng đến từng địa phương, từng dự án có độ trễ khá lớn. “E rằng phải hết năm 2022, nguồn cung mới trở nên dồi dào hơn”.

Cung khan hiếm trong bối cảnh cầu thực vẫn duy trì ở mức độ cao khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng mặt bằng giá sẽ được đẩy lên cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Giang nhìn nhận giá sẽ không bị đẩy lên quá cao. “Thị trường đã khác, giá rất thực, nhà đầu tư cũng không kỳ vọng nhiều vào việc lướt sóng, mua 1 bán 1,5 nữa. Đa phần họ đều thừa nhận và theo đuổi đầu tư trung – dài hạn”, ông Giang nói.

Tin mới lên