Tài chính tiêu dùng

CEO LienVietPostBank: 'Siết tín dụng đen là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường nông thôn'

Tổng giám đốc LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn, chia sẻ việc Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh siết chặt tín dụng đen sẽ tạo cơ hội cho LienVietPostBank mở rộng và chiếm lịnh thị trường nông thôn, khi chỉ phải cạnh tranh với Agribank...

CEO LienVietPostBank: 'Siết tín dụng đen là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường nông thôn'

Đại hội cổ đông LienVietPostBank ngày 24/4

Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - UpCOM: LPB), trả lời với cổ đông như thế, liên quan đến chiến lược mở rộng chi nhánh về vùng nông thôn của LienVietPostBank, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, diễn ra ngày 24/4.

“Đây là lợi thế cho ngân hàng để đẩy mạnh hỗ trợ huy động, cho vay. Bởi, muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ thì phải mở rộng mạng lưới nhưng không có ngân hàng nào có được mạng lưới và có lợi thế như LienVietPostBank”, ông Sơn cho biết.

Mở rộng mạng lưới về nông thôn

Tại đại hội, ông Phạm Doãn Sơn cho biết năm 2018 ngân hàng có 388 điểm giao dịch và gần 1.000 điểm giao dịch bưu điện. Kế hoạch của năm 2019 là nâng cấp thêm 155 điểm giao dịch bưu điện lên thành phòng giao dịch ngân hàng.

Về kế hoạch này, nhiều cổ đông ý kiến nên xem xét việc hạn chế mở rộng chi nhánh phòng giao dịch để tiết giảm chi phí. Hơn nữa, mạng lưới chi nhánh của ngân hàng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM rất khó tìm, lãnh đạo ngân hàng nên có biện pháp để nâng tính cạnh tranh của ngân hàng.

Về việc mở rộng chi nhánh, ông Phạm Doãn Sơn cho rằng đây là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường nông thôn, đồng thời việc mở thêm chi nhánh ở thành phố lớn thì rất khó cạnh tranh. Thay vì đó, mở rộng mạng lưới cấp huyện sẽ giúp ngân hàng chiếm lĩnh thị phần vì chỉ cạnh tranh với Agribank.

“Việc mở rộng mạng lưới cấp huyện, chúng ta chỉ cạnh tranh với Agribank và đang có lợi thế hơn họ ở đội ngũ trẻ, nhiệt huyết và năng động. Hơn nữa, hiện Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt tín dụng đen. Đây là cơ hội cho LienVietPostBank để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mở rộng thị trường bán lẻ với các sản phẩm phù hợp”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch LienVietPostBank, cho biết tại thời điểm này thì việc đầu tư mạng lưới có thể chưa có hiệu quả bởi khi đầu tư cái gì đó thì phải có độ trễ. Cạnh tranh ở thành phố lớn cũng khó hơn so với vùng sâu, vùng xa. Khi đi vào vùng nông thôn thì LienVietPostBank sẽ "có cửa" phát triển.

“Tôi phải thừa nhận, tại thời điểm này cổ đông nói hoàn toàn đúng về chất lượng các phòng giao dịch của chúng ta chưa cao, tuy nhiên việc mở mạng lưới này phải có độ trễ. Chúng ta mới 11 tuổi thôi, sự cạnh tranh sẽ rất khó với các ngân hàng lớn, nhưng hiện tại chúng ta đang đẩy mạnh vay tam nông, chống tín dụng đen thì chúng ta rất có nhiều cơ hội. Tôi vẫn duy trì quan điểm là giai đoạn 2019-2020 thì chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới ra vùng sâu, vùng xa để huy động vi mô, cho vay tiêu dùng, chống tín dụng đen..”, ông Thắng nói thêm.

Liên quan đến giá cổ phiếu LienVietPostBank còn thấp, CEO Phạm Doãn Sơn nói: "Cổ đông kiên trì một chút. Năm nay hoặc đến năm sau, ngân hàng sẽ kết thúc việc mở rộng mạng lưới, khi đó sẽ tập trung phát triển và cổ phiếu ngân hàng sẽ về đúng giá trị của nó".

Về vấn đề nhiều cổ đông thắc mắc đó là hiệu quả hoạt động của Công ty chứng khoán Bưu điện Liên Việt, lãnh đạo LienVietPostBank cho biết hiện ngân hàng góp vốn 11% vào đây thôi nên dù công ty này hoạt động chưa có hiệu quả cũng không ảnh hưởng đến ngân hàng do chi phí bỏ ra rất nhỏ. Hơn nữa Công ty Chứng khoán Liên Việt là tổ chức độc lập, không liên quan đến hỗ trợ tăng giá cổ phiếu.

Chuyển sàn HoSE, sẵn sàng cho Basel II

Một loạt các vấn đề nóng như chuyển sàn sang HoSE, sẵn sàng cho Basel II cũng được HĐQT LienVietPostBank giải thích cặn kẽ với cổ đông.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch LienVietPostBank, cho hay: "Việc chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang sàn HoSE thì không được quá 31/12/2020 là theo quy định của nhà nước nên chúng tôi chọn mốc đó, còn việc lên sàn là thời điểm nào có lợi nhất cho ngân hàng, cho cổ đông thì chúng tôi mới làm. Có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm tới".

"Còn Basel II thì chúng tôi đang bắt tay làm, hệ số CAR của ngân hàng đang là 11% nên cổ đông cứ yên tâm", ông Thắng nói.

Về kế hoạch kinh doanh 2019, LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến ở mức 190.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 khoảng 140.000 tỷ đồng và huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 165.000 tỷ đồng.

Nói về cơ sở cho kế hoạch này, theo ông Thắng, con số lợi nhuận kế hoạch 2019 là 1.900 tỷ đồng, tăng 57% dựa theo tốc độ tăng trưởng tăng trưởng tín dụng 14%. Thêm vào đó, hết quý I vừa qua, lợi nhuận ngân hàng đạt khoảng 500 tỷ đồng thì con số 1.900 tỷ đồng sẽ đạt được.

Tại đại hội, ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức theo tỷ lệ 10%. Vốn điều lệ của LienVietPostBank sau khi thực hiện trả cổ tức sẽ tăng lên 9.770 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2019, tổng tài sản LienVietPostBank đạt hơn 181.900 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,8%, đạt 123.757 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 0,7%, đạt 125.843 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức gần 1.682 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm trước, kéo tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,41% xuống còn 1,36%.

Tin mới lên