Tài chính tiêu dùng

CEO Momo Phạm Thanh Đức: 'Giao dịch phi tiền mặt sẽ chiếm 50% trong 3 năm tới'

(VNF) - Theo ông Phạm Thanh Đức, trong 3 năm tới, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam có thể chiếm 50% tổng giao dịch thay vì 10% như hiện nay và làm thay đổi đáng kể nền kinh tế.

CEO Momo Phạm Thanh Đức: 'Giao dịch phi tiền mặt sẽ chiếm 50% trong 3 năm tới'

Ông Phạm Thanh Đức, CEO M-Serive, công ty chủ quản của ví điện tử MoMo.

Trong khi cơn lốc fintech đang càn quét nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam thì hầu hết người Việt vẫn chưa tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 40% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng vào năm 2017, 60% còn lại là đối tượng mà MoMo nhắm tới.

Cũng theo WB, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất khu vực châu Á, chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%.

“Trong vòng hai đến ba năm tới, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là lực lượng làm thay đổi đáng kể nền kinh tế Việt Nam”, Dealstreet Asia dẫn lời ông Phạm Phạm Thanh Đức, CEO M-Serive, công ty chủ quản của ví điện tử MoMo.

Cũng theo Dealstreet Asia, đối thủ lớn nhất mà Momo phải đối mặt hiện nay là nền kinh tế tiền mặt, không phải bất kỳ một cái tên nào trong khu vực.

Được thành lập vào năm 2007, M-Service là công ty đầu tiên xây dựng các giải pháp thanh toán thông qua thẻ cào di động và là công ty đầu tiên nhận được giấy phép ví điện tử từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Dealstreet Asia thông tin Momo đã nhận được tổng số tiền 33 triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity trước khi công bố một khoản đầu tư khác từ Warburg Pincus vào đầu năm nay.

Mặc dù đã mở rộng phạm vi hoạt động sang chuyển tiền và cho vay, MoMo vẫn đang đặt hy vọng vào nền kinh tế phi tiền mặt tại Việt Nam và sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là thanh toán.

Những kỳ vọng được Momo đặt ra trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang ráo riết thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt. 

2019 là năm thứ 4 Việt Nam thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam giảm từ mức hơn 90% (2016) xuống dưới 10%.

Tin mới lên