Thị trường

CEO Pizza Home: Bơi theo dòng nước là chìa khóa giúp doanh nghiệp F&B tồn tại thời dịch

(VNF) - "Đã làm kinh doanh là phải nhìn theo sự vận động của thị trường, sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của khách hàng để đưa ra hướng đi, chiến lược và sản phẩm phù hợp. Đó là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại được trong thời dịch", ông Hoàng Tùng CEO chuỗi nhà hàng Pizza Home chia sẻ.

CEO Pizza Home: Bơi theo dòng nước là chìa khóa giúp doanh nghiệp F&B tồn tại thời dịch

Ông Hoàng Tùng, CEO Pizza Home

Nửa đầu năm nay, "cơn lũ quét" Covid-19 đã gây "sạt lở" nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động và số người lao động thất nghiệp ghi nhận ở mức cảnh báo, tạo thành làn sóng suy thoái kinh tế quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử.

Chịu tác động nặng nề nhất phải kể đến ngành F&B (thực phẩm và đồ uống). Việc tìm cách sinh tồn khi kinh doanh sản phẩm không thiết yếu là bài toán khó, buộc các ông chủ phải luôn "động não", vận dụng sự sáng tạo và dám thực hiện hóa những ý tưởng táo bạo của mình...

Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập và CEO của chuỗi cửa hàng Pizza Home, đã có những chia sẻ với VietnamFinance về nỗi khó khăn, vất vả của lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, đồ uống này.

- Ông nhận định thế nào về sự tác động của đại dịch đối với ngành F&B nói chung và Pizza Home nói riêng?

Ông Hoàng Tùng: Có thể nói, F&B là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Từ đầu năm đến nay, không ít thương hiệu F&B ở Việt Nam đã phải đóng cửa hoàn toàn các hoạt động kinh doanh, chấp nhận cắt lỗ. Một số khác lạc quan hơn thì quyết định tạm dừng cho đến khi đại dịch được kiểm soát và sức mua tăng trở lại. Trong bối cảnh đó Pizza Home cũng không phải là ngoại lệ.

Trước khi đại dịch bùng phát, chuỗi cửa hàng Pizza Home có 20 cơ sở tập trung ở khu vực nội thành Hà Nội, song đến nay con số này đã sụt giảm phân nửa.

Đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, Pizza Home buộc phải hoàn trả mặt bằng tại 5 cửa hàng, chấp nhận mất tiền cọc.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát trong nước, chúng tôi đã mở lại, mở thêm một số cơ sở và duy trì ở mức 9 cửa hàng như thời điểm hiện tại.

Rất may, trước khi dịch bệnh kéo đến, chúng tôi đang dần thực hiện chuyển đổi số, mặc dù chưa mạnh mẽ nhưng doanh thu đến từ mảng delivery (giao hàng) khá tốt. Theo tôi được biết, nhiều cửa hàng chuyên cổ điển (bán lẻ) doanh thu sụt giảm đến 90%, điển hình như các bạn bè của tôi kinh doanh cùng lĩnh vực F&B đã phải rời cuộc chơi, chấp nhận các chi phí đầu tư (mặt bằng, nội thất...) mất trắng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự sụt giảm doanh thu của Pizza Home vẫn ở mức cao nếu so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái.

Vấn đề mặt bằng cũng là bài toán nan giải đối với các nhà kinh doanh lĩnh vực F&B. Nếu như thời điểm trước dịch, các doanh nghiệp đều phải cạnh tranh để thuê được một cửa hàng ở khu vực đắc địa, mặt tiền ấn tượng nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, thì nay không ít cửa hàng có biểu hiện sang nhượng do tình trạng ế ẩm kéo dài.

Sau khi Covid-19 bùng phát, khách hàng đã có xu hướng hạn chế tập trung nơi đông người. Điều này khiến việc bỏ ra hàng chục triệu, trăm triệu thuê mặt bằng mỗi tháng trở nên hoang phí, chưa kể đến các chi phí để duy trì cửa hàng... Đó cũng là nguyên nhân vì sao Pizza Home quyết định tinh gọn các cơ sở, cắt giảm các địa điểm kinh doanh không quá tốt trước đây duy trì để giữ quy mô và thương hiệu.

Ngoài ra, vấn đề nguyên vật liệu cũng khiến doanh nghiệp F&B phải đau đầu. Mặc dù có phương án giảm nhập song với những mặt hàng dùng trong ngày, hoặc ngắn ngày vẫn xảy ra hiện tượng không tiêu thụ hết, dẫn tới việc thất thoát ngân sách khá nhiều.

- Trong bối cảnh khó khăn như vậy Pizza Home đã có những giải pháp ứng phó thế nào?

Quan điểm của riêng tôi cho rằng đã làm kinh doanh là phải nhìn theo sự vận động của thị trường, sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của khách hàng để đưa ra hướng đi, chiến lược phù hợp. Đó là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại được trong thời dịch.

Trở lại với Pizza Home, chúng tôi nhận thấy đại dịch không chỉ mang đến những khó khăn, thách thức mà cũng đem lại những yếu tố tích cực nếu nhìn ở một góc độ lạc quan. Phải kể đến "cơ trong nguy" đầu tiên là ở mặt bằng kinh doanh.

Ngoài những cơ sở chúng tôi phải trả lại mặt bằng, tạm dừng kinh doanh do không thương thuyết được với chủ nhà thì vẫn có phần lớn các chủ nhà đồng ý giảm giá thuê cho chúng tôi sau khi đàm phán.

Chúng tôi mạnh dạn đàm phán với bên cho thuê mặt bằng, phân tích cho họ những điểm lợi khi họ đồng ý giảm giá thuê và cần xác định rõ đây là cuộc chơi win-win chứ không phải xin-cho. Kết quả, có những cơ sở chúng tôi nhận được mức giá thuê tốt hơn trước rất nhiều về dài hạn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có cơ hội hoán đổi mặt bằng trên một khu vực tối ưu hơn do tệp lựa chọn ngày càng nhiều, ảnh hưởng từ làn sóng đóng cửa của các cửa hàng kinh doanh khác.

Đại dịch cũng khiến doanh nghiệp phải tinh gọn bộ máy hơn, thúc đẩy sự phát triển dài hạn đối với các cửa hàng.

Thông thường, đã kinh doanh thì ai cũng muốn có những cửa hàng quy mô lớn, hoành tráng ở khu vực trung tâm cho dù tình hình kinh doanh ở đó không hiệu quả. Vì sĩ diện cá nhân, hiếm có ông chủ nào không chịu gồng lỗ và chấp nhận tỉa tót lại thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, khi Covid-19 ập đến, doanh nghiệp buộc phải cắt bỏ những yếu tố kém hiệu quả, không thể tiếp tục giữ cái sĩ diện đó khi cơ hội duy trì hoạt động của cửa hàng còn lại đang mờ dần.

Động thái này giúp doanh nghiệp tối ưu về mặt vận hành hơn rất nhiều. Đối với Pizza Home, Covid-19 còn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển dịch hoạt động kinh doanh lên các ứng dụng đồ ăn như Grab, Now... hay các sàn thương mại điện tử phổ biến.

Sau khi đã duy trì được doanh số từ chuyển đổi số, điều quan trọng là doanh nghiệp F&B phải chạy theo hành vi của khách hàng để tạo ra những sản phẩm phù hợp. Chúng tôi nhận ra điều này trong lúc dịch bệnh bùng phát, còn trước đó khi đang kinh doanh tốt, chúng tôi không có động lực để thay đổi.

Quan niệm này đã giúp Pizza Home cho ra đời hàng loạt các sản phẩm độc đáo, không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là hướng đi lâu dài, bền vững.

Đơn cử như pizza thanh long từng được rất nhiều người Hà Nội yêu thích với vị ngọt tự nhiên, màu sắc bắt mắt. Không chỉ thể hiện sức sáng tạo dồi dào của Pizza Home mà hành động này còn mang ý nghĩa "giải cứu" cho hàng nông sản Việt Nam trong giai đoạn tắc biên với Trung Quốc.

Hay burger corona từng thu hút khá nhiều sự quan tâm của báo giới nước ngoài, sản phẩm này lan tỏa được tinh thần lạc quan của doanh nghiệp khiến khách hàng thích thú. Mặt hàng burger corona đã được các hãng thông tấn lớn thế giới như BBC, CNN, Reuters, AP, NBC… đưa tin, giúp Pizza Home có giai đoạn "bội thu" dù dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Tôi còn nhớ, người nước ngoài khi đó mua bánh đã chụp ảnh với sản phẩm và truyền nhau câu nói "Eat it to Beat it" - "Ăn nó để đánh bại nó".

Để có được "cú nổ truyền thông" burger corona, Pizza Home đã phải liên tục "nghiên cứu", sáng tạo ra các sản phẩm mới... song không phải lúc nào cũng nhận được sự quan tâm của khách hàng, điển hình như pizza dưa hấu, bánh mì hoa cúc sầu riêng dù có cùng xu hướng giải cứu nông sản.

Chính vì vậy, chúng tôi đúc kết ra kinh nghiệm rằng việc có một sản phẩm mới thành công là không hề dễ dàng, phải băng qua một con đường dài bằng sự kiên trì, bằng phương pháp thử và sai.

- Ông nhận định thế nào về tương lai của ngành F&B trong thời gian tới?

F&B là ngành rất tiềm năng, tuy nhiên để có trái ngọt thì doanh nghiệp phải biết lựa chọn hướng đi phù hợp với bản thân. Đặc biệt, để tồn tại trong đại dịch chắn chắn doanh nghiệp phải đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến.

Việc chuyển đổi sang bên giao hàng thứ ba, qua các nền tảng như Aha Move, Grab Express, Now Express giúp doanh nghiệp giảm thiểu được gánh nặng quỹ lương, tiết kiệm các khoản chi phí khác.

Sự xuất hiện của các ứng dụng F&B cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho rất nhiều người. Đối với các start-up F&B tương lai, dưới sự hỗ trợ của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến vốn đầu tư ban đầu có thể giảm đến 50 - 70%. Bởi lẽ, doanh nghiệp sẽ không cần một địa điểm quá đắt đỏ, không cần thuê nhiều nhân viên cũng như đầu tư bàn ghế hoành tráng (chi phí chìm), mà chỉ chú trọng đến chất lượng của sản phẩm là có thể "sống khỏe" được rồi.

Chúng tôi cho rằng chất lượng cuộc sống ngày một tăng lên và ăn uống mãi mãi là điều tất yếu. Vì vậy khách hàng không ngại "đầu tư" cho vị giác của mình, họ sẵn sàng trả một mức giá hợp lí, thậm chí là cao nếu doanh nghiệp cung cấp đồ ăn ngon, chất lượng tốt. Vì vậy doanh nghiệp đừng nên tham lợi mà nhập những nguyên liệu rẻ tiền gây ảnh hưởng đến hương vị món ăn, mà hãy là doanh nghiệp kinh doanh có "tâm" nếu muốn phát triển lâu dài và bền vững trong ngành F&B.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tin mới lên