Bất động sản

CEO TCT Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam: ‘Sẽ hoàn thành nạo vét luồng Cái Mép-Thị Vải trong năm 2019’

(VNF) - “Đến thời điểm này, luồng Cái Mép – Thị Vải đang được các nhà thầu tăng tốc thi công, dự kiến kết thúc công trình vào giữa tháng 12/2019. Đây là công trình trọng điểm nên chúng tôi sát sao đôn đốc và quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ”, ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam (ĐBATHH) chia sẻ với VietnamFinance.

CEO TCT Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam: ‘Sẽ hoàn thành nạo vét luồng Cái Mép-Thị Vải trong năm 2019’

Tàu lớn doạ bỏ cảng Cái Mép - Thị Vải

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải đóng vai trò huyết mạch trong việc phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Đặc biệt, tuyến luồng trên thường đón những tàu cỡ lớn ra vào nhưng hiện đã bị bồi lắng nghiêm trọng từ -14m xuống còn -11m.

Mặt khác, nếu như, năm 2013 chỉ có 8 chuyến/tuần tàu mẹ và tàu nội địa châu Á cập cảng thì nay khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải đã thiết lập được 28 chuyến tàu/tuần, trong đó có 22 tuyến vận tải quốc tế và 6 tuyến vận tải nội địa…. 

Thậm chí mới đây đã có tàu trên 190.000 tấn ra, vào làm hàng tại cụm cảng, tuy nhiên, tàu này đã phải hạ tải và di chuyển rất khó khăn khi tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải quá nhỏ.

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải, Cục HHVN cho biết: Đến giờ, vẫn còn khoảng 40% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi châu Âu phải trung chuyển tại các nước khác thay vì lên tàu mẹ đi thẳng tại Cái Mép do luồng vào Cái Mép - Thị Vải chưa đủ chuẩn tắc đón những tàu lớn (các tàu tuyến châu Âu đều có kích cỡ khoảng trên 195.000 DWT/18.000 TEU).

“Vì thế, để tạo đột phá cho cụm cảng trọng điểm số 1 phía Nam này, Cục hàng hải VN đã có văn bản đề xuất kiến nghị tới Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn để đầu tư nạo vét, nâng cấp tuyến luồng”, ông Cường nói.

Theo nguồn tin riêng của VietnamFinance, do luồng cạn, một số tàu lớn phải nằm chờ ngoài phao số 0 đến 6 tiếng để đợi "con nước" lên mới vào Cảng được. Điều này làm giảm hiệu quả khai thác rất nhiều đối với chủ tàu, chủ cảng. Một số chủ tàu lớn đã doạ bỏ, không vào cảng Cái Mép - Thị Vải.

Xác định được tầm quan trọng trong việc sớm nạo vét luồng Cái Mép – Thị Vải, Tổng công ty ĐBATHH Miền Nam đã xây dựng kế hoạch nạo vét, tìm điểm đổ thải cho dự án. Trong đó, đã phối hợp với địa phương cho phép đổ thải tại khu đất sát sông Mỏ Nhát, thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời, sớm hoàn thiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường, lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Bùi Thế Hùng cho hay,”gói thầu nạo vét luồng Cái Mép – Thị Vải còn có tên là luồng Vũng Tàu – Thị Vải vì bao gồm nạo vét cả luồng Sông Dinh trong đó. Khối lượng công việc khá nhiều, tuy nhiên, đơn vị quyết tâm hoàn thành đồng bộ trong tháng 12/2019”.

Bao giờ mở rộng được luồng Cái Mép – Thị Vải?

Như VietnamFinance đã phản ánh, hiện luồng dẫn vào cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nhiều nơi chỉ có độ sâu -11m, nơi sâu nhất chỉ đạt độ -14m, kể cả sau khi nạo vét luồng cũng chỉ đạt đột sâu tối đa là -14m, vì thế, nhiều tàu container cỡ lớn muốn vào cảng phải chờ giờ, chờ nước lên.

Điều này gây tốn kém và lãng phí rất lớn cho chủ tàu, chủ hàng và doanh nghiệp cảng. Đồng thời, làm giảm năng lực của toàn bộ cụm cảng lớn nhất khu vực phía Nam. Chính vì thế, Bộ GTVT đã có đề xuất phải đưa dự án trên vào nhóm các dự án cấp bách cần làm ngay.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết: “Do phải giảm tải để vào luồng, số lượng container của các tàu lớn khi ghé các cảng tại Cái Mép – Thị Vải chỉ đạt khoảng 45% - 50% sức chở của tàu”.

“Hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 bến cảng container được đưa vào khai thác với công suất 6,8 triệu Teus. Các bến cảng đã tiếp nhận thành công các tàu trọng tải trên 100.000 DWT, đặc biệt cảng CMIT đã tổ chức tiếp nhận tàu có trọng tải 157.000 DWT với sức chở 14.000 Teus”

“Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là khi tàu lớn vào, thì tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải chỉ chạy được một chiều (trong khi thiết kế chạy 2 chiều) dẫn đến số tuyến vận tải hàng hải biển xa cũng như số lượng tàu cập cảng ít”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Còn theo Cục trưởng Cục hàng hải Nguyễn Xuân Sang, “hiện Cục đã có báo cáo Bộ GTVT để trình Chính phủ cho phép sớm mở rộng luồng Cái Mép – Thị Vải đạt độ sâu -15,5m, chiều rộng 350m; nạo vét vũng quay tàu khu vực ngã 3 Gò Gia đạt đường kính 600 m, cao độ đáy – 15,5 m đảm bảo cho các gam tàu container 160.000 DWT, sức chở 14.000 Teus khai thác hai chiều”.

“Điểm nạo vét sẽ bắt đầu từ phao số 0 đến cảng CMIT có chiều dài 29,68 km, dự kiến, dự án có tổng kinh phí hoảng 1.161,6 tỷ đồng. Hiện Cục cũng kiến nghị tới Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn để đầu tư nạo vét tuyến luồng trọng điểm này”, ông Sang cho hay. 

Những con số tăng trưởng ấn tượng của Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Trong 5 năm qua, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải có sự tăng trưởng đáng kể khi sản lượng năm 2014 chỉ 1,13 triệu TEU; năm 2015 đạt 1,45 triệu TEU (tăng 28% so với năm 2014); năm 2016 đạt 2,03 triệu TEU tăng (40% so với năm 2015); năm 2017, năm 2018 lần lượt đạt 2,53 triệu TEU và 2,87 triệu TEU đạt 42% công suất thiết kế của các bãi container. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt khoảng 26%”.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cho biết: “Ngoài ra, một số bến cảng thuộc bến container kết hợp khai thác hàng tổng hợp, sản lượng hàng hoá thông qua năm 2017, 2018 lần lượt đạt 8,65 triệu tấn và 9,915 triệu tấn, vì thế, tổng sản lượng thông qua của cụm cảng đạt 55% công suất thiết kế”.

“Nếu tính cả lượng hàng hoá vận chuyển bằng phương tiện thuỷ nội địa thì năm 2018, bến cảng thông qua khoảng 5,3 triệu TEU, đạt 77% công suất thiết kế”, ông Công nói.

 

Tin mới lên