Tài chính

CEO VNDIRECT: Chất lượng hàng hóa là gốc rễ để TTCK phát triển bền vững

(VNF) - CEO VNDIRECT cho rằng gốc rễ để thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển bền vững là chất lượng của hàng hoá niêm yết cũng như sự phát triển đồng bộ của các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp.

CEO VNDIRECT: Chất lượng hàng hóa là gốc rễ để TTCK phát triển bền vững

CEO VNDIRECT Nguyễn Vũ Long

Thị trường chứng khoán Việt Nam vài năm qua chứng kiến bước nhảy vọt về số lượng nhà đầu tư. Dòng tiền “dễ dãi” đi tới đâu là cổ phiếu thăng hoa tới đó, không phân biệt “hàng thật” hay “hàng dỏm”. Nhưng bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn. Những cú sập gần đây cho thấy việc nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán là rất quan trọng và cấp thiết.

Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc (CEO) Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

- Ông nhìn nhận thế nào về sự tăng vọt về quy mô nhà đầu tư cá nhân trong 2 năm qua? Điều này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của TTCK Việt Nam, thưa ông?

CEO VNDIRECT Nguyễn Vũ Long: Thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường khá đặc thù nếu so sánh với các nước trong khu vực, khi sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân đóng một vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của thị trường. Xét trong 2 năm vừa qua, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng gấp gần 3 lần, đóng góp tỷ trọng rất lớn vào thanh khoản của thị trường chung. Hiện tại, tỷ lệ tài khoản chứng khoán trên quy mô dân số Việt Nam đã vượt mức 5%, sớm hơn ba năm so với “mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2025” của Chính phủ.

Đây là một bước nhảy vọt lớn của thị trường vốn Việt Nam khi ngày càng có nhiều người dân quan tâm, tham gia thị trường, bắt đầu xây dựng và hình thành thói quen đầu tư, vốn là một kỹ năng sống thiết yếu. Đây cũng luôn là mục tiêu quan trọng của Chính phủ trong những năm gần đây nhằm tạo ra sự cân đối thị trường tiền tệ và thị trường vốn, từ đó góp phần khơi thông dòng vốn nhàn rỗi còn nhiều trong dân cư, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dài hạn, qua đó tạo động lực thúc đẩy cho tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn.

Mặc dù đã đạt được một số bước tiến lớn trong thời gian qua, tuy nhiên tỷ lệ tài khoản chứng khoán so với quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (7%), Trung Quốc (20%), Đài Loan (50%). Do đó, tôi cho rằng dư địa để thị trường chứng khoán tiếp cận tới người dân vẫn còn khá nhiều. Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư xem tài khoản chứng khoán như là một tài khoản đầu tư tích luỹ tài sản, mục tiêu của con số này sẽ tương đương với số lượng tài khoản tiền gửi ngân hàng của người dân Việt Nam.

- Các đợt sụt giảm mạnh gần đây bộc lộ yếu điểm của lớp nhà đầu tư mới và điều này phần nào khiến thị trường tụt dốc với rất ít phiên hồi phục đáng kể. Để tồn tại lâu dài trên thị trường, lớp nhà đầu tư mới cần lưu ý những gì, thưa ông?

Một thị trường chứng khoán đang phát triển như ở Việt Nam luôn có rất nhiều biến động lớn, đặc biệt với một thị trường có sự tham gia lớn của các nhà đầu tư cá nhân thì biên độ dao động còn cao hơn đáng kể. Lớp nhà đầu tư cá nhân mới chiếm một tỷ trọng không nhỏ là những người trẻ, năng động, hiểu biết về công nghệ, do đó có khả năng tiếp cận, thích ứng và học hỏi nhanh đối với những điều mới, bao gồm cả thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, điểm hạn chế của một bộ phận những nhà đầu tư mới là thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa trải qua những giai đoạn khó khăn của thị trường.

Chắc chắn rằng, giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm vừa qua đã mang lại rất nhiều bài học cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Mỗi nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán nên xem đây là một hành trình xây dựng “nếp sống đầu tư” của mình, thay vì tìm kiếm một cơ hội kiếm tiền và làm giàu nhanh. Ba kỹ năng quan trọng mà một nhà đầu tư tham gia thị trường cần phát triển là (i) kỹ năng thiết lập mục tiêu đầu tư và xây dựng kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu đó; (ii) hiểu biết về các tài sản đầu tư và kỹ năng phân bổ tài sản hợp lý theo mục tiêu đầu tư; (iii) kỹ năng quản lý rủi ro cho danh mục đầu tư của mình. Các kỹ năng này cần liên tục được xây dựng và vun đắp theo thời gian cùng với trải nghiệm trên thị trường.

Sự nhảy vọt về số lượng nhà đầu tư đã tạo ra cơ sở nhà đầu tư mới khổng lồ với khẩu vị rủi ro mới. Chuyển hóa từ “lượng” đến “chất” là cả một quá trình. Làm thế nào để thúc đẩy quá trình này tại Việt Nam, thưa ông?

Chất lượng của thị trường vốn được quyết định bởi số lượng, chất lượng của “hàng hoá” và của thành phần các nhà đầu tư tham gia trên thị trường. Một trong những vai trò quan trọng nhất của các định chế tài chính trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ là dẫn được dòng vốn đầu tư đi vào các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tỷ suất sinh lời bền vững. Với bối cảnh thị trường vốn Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng cần một giải pháp tổng thể và đồng bộ để nâng cao chất lượng và chiều sâu của thị trường.

Riêng đối với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt các nhà đầu tư mới tham gia thị trường nhưng chấp nhận mức khẩu vị rủi ro cao, chúng tôi cho rằng việc thúc đẩy nâng cao kiến thức thông qua các chương trình đào tạo là cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia thị trường cần cung cấp thông tin đầy đủ minh bạch và đa chiều nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong các quyết định và cuối cùng là đa dạng hóa sản phẩm đầu tư phù hợp với các khẩu vị rủi ro khác nhau.

Thị trường chứng khoán của các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng đều trải qua các giai đoạn phát triển từ nhỏ lẻ, manh mún về dòng tiền, sau đó mang tính chọn lọc, nhận thức của công chúng đầu tư được nâng cao, đến các cơ quan quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lý cần thiết cho các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp.

Đơn cử như thị trường chứng khoán Thái Lan, mặc dù hình thành từ năm 1962 nhưng đến giai đoạn đầu những năm 2000 mới phát triển mạnh các quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ, quỹ bảo hiểm… Tuy nhiên sự thành công của các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân phối và dịch vụ. Các quỹ đầu tư chứng khoán Thái Lan chỉ bắt đầu thành công khi đã xây dựng được các kênh phân phối thông qua các ngân hàng thương mại, công ty tài chính...

Ở Việt Nam, tôi cho rằng quá trình dịch chuyển dòng vốn cá nhân vào các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp đang diễn ra khá chậm so với tiềm năng của thị trường vì khá nhiều vấn đề bất cập liên quan đến cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý cũng như thiếu các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp.

Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan quản lý cần nghiên cứu, tạo điều kiện nâng cao năng lực của các thành viên tham gia thị trường như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đồng thời đưa ra những chính sách khuyến khích hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phòng hộ, quỹ tín thác hướng đến dòng vốn cá nhân, nhằm xây dựng ngày càng nhiều các nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thúc đẩy nhu cầu đầu tư bền vững trên thị trường chứng khoán.

- Những năm gần đây, VNDIRECT tiếp cận nhà đầu tư cá nhân theo hướng bền vững, thiên về đầu tư tích sản và tư vấn quản lý tài chính cá nhân. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về định hướng này?

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, chứng kiến sự trưởng thành của thị trường vốn cũng như những thăng trầm của các nhà đầu tư trên thị trường, VNDIRECT đã “làm mới” lại định vị của mình, với mong muốn giúp nhà đầu tư Việt Nam hình thành thói quen và “nếp sống” đầu tư tích sản, từ đó có thể xây dựng sức khoẻ tài chính và bảo an thịnh vượng cho tương lai của mình. Kể từ năm 2018, VNDIRECT đã định vị lại sứ mệnh của mình đối với khách hàng, đó là dần dịch chuyển mô hình kinh doanh từ việc tập trung vào dịch vụ môi giới giao dịch chứng khoán truyền thống sang mô hình lan tỏa tri thức, kỹ năng đầu tư và tạo dựng hệ sinh thái dịch vụ đầu tư đa kênh tài sản cho nhà đầu tư cá nhân.

Đây là một bước đi lớn đòi hỏi sự chuyển dịch đồng bộ về việc thiết kế, kiện toàn lại toàn bộ chuỗi giá trị hướng tới khách hàng; về nền tảng hạ tầng công nghệ đáp ứng nhu cầu cho một hệ sinh thái đầu tư đa kênh tài sản, với năng lực phục vụ đến những khách hàng đại trà nhất; về đội ngũ con người chuyên môn với năng lực dấn thân phụng sự.

Trong 4 năm qua, sự phát triển của các sản phẩm đầu tư mới như trái phiếu, chứng chỉ quỹ cũng như sự bùng nổ về số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán đã giúp VNDIRECT liên tục hoàn thiện năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ của mình. Tuy nhiên, với một tầng lớp nhà đầu tư mới còn “ít kinh nghiệm” về thị trường thì vẫn còn rất nhiều thách thức cần giải quyết để các nhà đầu tư có thể thực sự xây dựng được thói quen đầu tư tích sản của mình.

- Ông có nhìn nhận thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán? Theo ông, cơ quan quản lý cần làm gì để sự phát triển của nhà đầu tư cá nhân bền vững hơn, tiếp tục trở thành nội lực phát triển của TTCK Việt Nam?

Xét trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến yếu tố vĩ mô từ các vấn đề liên quan đến xung đột về địa chính trị, mâu thuẫn liên quan đến chiến tranh thương mại, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và vấn đề lạm phát leo thang ở nhiều quốc gia…

Tuy vậy, trong trung và dài hạn nếu xét trong bức tranh chung trên toàn cầu thì tôi cho rằng Việt Nam vẫn là một điểm sáng với nền tảng vĩ mô ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong chu kỳ tới. Từ sự ổn định và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam và các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, qua đó thu hút thêm dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào thị trường.

Như tôi đã đề cập, gốc rễ của sự phát triển bền vững của thị trường vốn là chất lượng của hàng hoá niêm yết cũng như sự phát triển đồng bộ của các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, từ góc nhìn đối với cơ quan quản lý, việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng cho thị trường sẽ tạo điều kiện cần thiết để thị trường có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Trong ngắn hạn, việc rà soát lại các quy định của Luật chứng khoán 2019 cũng như các Thông tư, Nghị định liên quan sau gần 3 năm được áp dụng là thực sự cần thiết để giải quyết những bất cập trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có những chính sách để thúc đẩy các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm về quỹ đầu tư như quỹ hưu trí, quỹ tín thác…

Đối với cơ sở hạ tầng thị trường, tôi kỳ vọng sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX), qua đó triển khai thêm các sản phẩm mới hấp dẫn và thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi. Điều này sẽ đóng góp tích cực trong việc dẫn được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, qua đó tạo dựng lại sự cân bằng hơn về cơ cấu tỷ lệ tham gia thị trường giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức trong tương lai và nhờ đó tạo ra sự ổn định bền vững của thị trường.

Tin mới lên