Tài chính quốc tế

Chaebol và chuyện cộng sinh doanh nghiệp - chính phủ ở xứ Hàn

(VNF) - Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cho biết 4 cheabol lớn nhất nước này (Samsung, LG, Huyndai, SK) đang chiếm 1/2 giá trị thị trường chứng khoán.

Chaebol và chuyện cộng sinh doanh nghiệp - chính phủ ở xứ Hàn

Theo Reuters, cuộc bầu cử tổng thống Hàn sắp tới sẽ được tổ chức khi cựu Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất sau vụ bê bối có liên quan đến dàn chaebol (các tập đoàn gia đình trị) ở xứ Hàn. Các chaebol từng được cải cách trước đây nhưng giờ đây đối mặt với nhiều lời kêu gọi thay đổi hơn bao giờ hết. 

Chaebol nổi lên từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên giữa thập niên 1950. Từ năm 1963 đến 1979, cha của bà Park là Park Chung Hee đã tạo nên câu chuyện công nghiệp hóa thần kì của Hàn Quốc. 

Nhiều chaebol có quyền lực lớn chi phối kinh tế Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Hanjin, Kumho, Lotte và SK. Samsung sản xuất thiết bị điện tử, gia dụng, cơ khí, xây dựng, đóng tàu, bảo hiểm và thẻ tín dụng, trong đó chỉ Samsung Electronics đã đóng góp 1/5 xuất khẩu của Hàn Quốc. LG sản xuất điện thoại thông minh, ti vi, linh kiện điện tử, hóa chất và phân bón, đồng thời sở hữu đội bóng chày và đội bóng rổ Hàn Quốc. Hyundai sản xuất ô tô Hyundai và Kia, phổ biến ở Mỹ và nhiều nước, đồng thời làm thang máy, cung cấp dịch vụ logistics, điều hành khách sạn và trung tâm thương mại... 

Cao tốc Gyeongbu dài 400km nối thủ đô Seoul với các thành phố được Hyundai hoàn thành vào năm 1970 chỉ chưa đầy 2,5 năm.

Dưới bàn tay của các chaebol, Hàn Quốc đã từ một đất nước nghèo đói đi qua cuộc nội chiến tàn khốc trở thành quốc gia có GDP đứng thứ 13 thế giới (số liệu World Bank 2015). Chỉ trong vòng vài thập kỷ, rất nhiều chaebol đã trở thành các tên tuổi đứng đầu thế giới và đôi khi là trở thành bộ mặt của các ngành công nghiệp nước này.

Ngày nay, Samsung được tin là đang kiểm soát khoảng 30% GDP của Hàn Quốc, đồng thời sức mạnh và tầm ảnh hưởng của tập đoàn này đã vươn sâu vào chính trị và bộ máy tư pháp – đến mức mà nhiều người Hàn Quốc gọi đất nước của họ là "Cộng hòa Samsung".

Năm ngoái, khi vụ lùm xùm của bà Park được đưa ra Quốc hội, các lãnh đạo của Samsung, LG và Hyundai Motor đã bị các nghị sĩ chỉ trích dữ dội. Họ cáo buộc các tập đoàn này có liên quan đến vụ biếu hàng trăm triệu USD cho 2 quỹ do Choi Soon Sil, bạn của bà Park, sáng lập.

Các lãnh đạo chaebol quyền lực nhất trong phiên điều trần về vụ bê bối tham nhũng trước Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 12/2016.

Theo tờ Financial Times, cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc đang đặt ra vấn đề cải tổ công tác quản lý các chaebol, cho dù không phải mới, nhưng sức nóng từ chính trường lần này ở mức cao hơn hẳn những lần trước và đỉnh điểm là việc đình chỉ chức vụ của Tổng thống Park Geun Hye. Vụ bê bối đã phơi bày sự phổ biến của chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Hàn Quốc.

Cổ phần chồng chéo ở chaebol

Câu hỏi được đặt ra trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/5 sắp tới là đợt cải cách sẽ sâu rộng đến đâu, và tổng thống mới sẽ làm gì để giải quyết vấn đề sở hữu cổ phần chồng chéo của các thành viên trong gia tộc sáng lập doanh nghiệp. Cổ phần chồng chéo là chuyện mà giới phê bình cho là trọng tâm của các mối quan ngại về quản trị doanh nghiệp ở chaebol.

Ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/5 tới, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Moon Jae In cam kết sẽ đặt dấu chấm hết cho thói quen nương nhẹ các tội hình sự mà giới chủ tập đoàn phạm phải, và phá vỡ mối quan hệ mờ ám giữa chính phủ với các tập đoàn lớn trong nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này. Ông Moon muốn nhắm đến 4 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc - gồm Samsung, Hyundai Motor, SK và LG - 4 cheabol lớn nhất nước này đang chiếm 1/2 giá trị thị trường chứng khoán, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc.

 Ông Moon Jae In - ứng cử viên sáng giá trong cuộc tranh cử tổng thống Hàn Quốc năm 2017.

Chính sách cải cách cốt lõi mà ông Moon đề ra là nhằm cho phép các cổ đông nhỏ và các thành viên ban lãnh đạo cùng tham gia công việc điều hành công ty. Ông đề xuất cho ra đời các đạo luật tăng thêm quyền hơn cho các cổ đông nhỏ trong việc bổ nhiệm các thành viên ban lãnh đạo tập đoàn.

"Gia đình trị" không phải là đặc trưng duy nhất của các chaebol: mỗi tập đoàn đều phải tham gia kinh doanh trên ít nhất là 2 lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, Samsung có công ty con được biết đến nhiều nhất là Samsung Electronics song cũng sở hữu nhiều công ty chuyên về bất động sản, bảo hiểm hay hóa chất. Samsung SDI, công ty sản xuất pin cho Note7 và nhiều mẫu iPhone, cũng là một thực thể độc lập so với Samsung Electronics.

 Gia đình ông chủ Samsung Lee Kun Hee tại Olympic London năm 2012.

Một đặc điểm nổi trội khác của các chaebol là mô hình sở hữu vốn chồng chéo. Vào thời điểm cực thịnh những năm cuối thập niên 1990 và cũng là lúc chưa bị chính phủ Hàn thắt chặt quản lý, các chaebol trong cùng một tập đoàn có mức độ sở hữu chéo lên tới 43%. Các khoản vay giữa các thực thể kinh tế khác nhau trong cùng một tập đoàn luôn được thực hiện một cách dễ dàng – tất cả là để bảo vệ quyền sở hữu và kiểm soát của gia đình làm chủ.

"Rất khó để có thể tìm ra mô hình tương tự như chaebol tại nước ngoài", Giáo sư Park Sang In của trường Đại học Seoul khẳng định. "Các nước nói tiếng Anh gần như không còn các nhóm công ty mà chỉ còn các công ty đơn lẻ nắm quyền sở hữu 100% với các chi nhánh. Tại châu Âu, các tập đoàn chẳng bao giờ đạt tới quy mô như các chaebol và quyền sở hữu, điều hành cũng thường được chia sẻ một cách nghiêm ngặt".

"Trái lại, một chaebol sẽ luôn bao gồm nhiều công ty nhỏ có mức độ giao dịch chéo rất cao nhưng lại được kiểm soát bởi một vị chủ tịch quyền năng duy nhất, người vừa là chủ vừa là lãnh đạo của toàn bộ tập đoàn", Giáo sư Park cho biết.

Chuyện cộng sinh doanh nghiệp - Chính phủ

Mối quan hệ do cựu Tổng thống Park Chung Hee xây dựng với tập đoàn tài phiệt đã góp phần định hình cho nền kinh tế chính trị Hàn Quốc từ thập niên 1960 cho đến nay. Một mặt, Tổng thống Park áp dụng vô số biện pháp ép buộc, thao túng và thậm chí là đe dọa các tập đoàn phải theo ý của mình. Nhưng ngược lại, ông cũng đưa ra rất nhiều biện pháp khuyến khích, từ các khoản vay, giảm thuế cho đến những chính sách khuyến khích kinh doanh đầy ưu đãi.

"Hàn Quốc lúc đó có thể coi là một quốc gia 'nhà nước phát triển', nơi chính quyền can thiệp và hợp tác chặt chẽ với các công ty. Nhìn từ một số khía cạnh, điều đó là cần thiết vì thị trường vẫn chưa hoàn thiện. Thế là các chaebol ra đời", Giáo sư Cho Dong Keun, bộ môn Kinh tế, Đại học Myongji cho biết.

Cuộc gặp gỡ của Tổng thống Park và chủ tịch Samsung Lee Byung Chul (đeo kính) vào năm 1965.

Di sản của tổng thống Park để lại là đầy tranh cãi nhưng rõ ràng các chính sách kinh tế của ông đã thay đổi bộ mặt của Hàn Quốc. Trong số các ưu đãi đặc biệt của chính phủ Park, các khoản viện trợ nước ngoài về vốn và công nghệ đã đóng góp phần quan trọng cho sự trỗi dậy của các chaebol.

Dưới vỏ bọc "tư bản có định hướng", chính phủ Hàn Quốc sẽ cấp vốn và dự án cho một số ít các chaebol, đồng thời đưa ra cam kết sẽ bồi thường cho các chủ đầu tư nước ngoài nếu các tập đoàn này không thể trả nợ.

Theo Reuters, cách đây 20 năm, Hàn Quốc trượt sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và đây là minh chứng rõ ràng về những sai lầm trong chuyện cộng sinh giữa doanh nghiệp và chính phủ - yếu tố vốn là nền tảng giúp kinh tế Hàn "cất cánh". Chính phủ Hàn khi đó phải nhận gần 60 tỷ USD tiền cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để cứu đất nước khỏi cảnh vỡ nợ.

Khủng hoảng tài chính 1997 bị người dân Hàn Quốc đổ lỗi cho IMF, nhưng rõ ràng một phần lỗi không nhỏ thuộc về các chaebol.

Điều kiện của gói cứu trợ yêu cầu giới chaebol phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về kế toán, quản trị, tái cơ cấu bằng cách loại bỏ những phần không phải là mảng kinh doanh cốt lõi. Ngoài ra, chaebol cũng ngưng chuyện đưa đòn bẩy cho vay lên quá cao để tránh châm ngòi khủng hoảng.

Những năm sau đó, dù không ít lãnh đạo chaebol phải ngồi tù và vài tổng thống phải rời ghế vì bê bối tham nhũng, các tập đoàn gia đình lớn Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh. Lãnh đạo tập đoàn sau thời gian ngồi tù cũng trở lại vị trí lèo lái công ty. Giới công tố viên nước này thường cho hay họ phải cân nhắc hậu quả kinh tế khi "đụng chạm" đến các sếp chaebol, như quyết định bắt giữ và truy tố lãnh đạo Samsung Lee Jae Jong trong vụ bê bối tham nhũng mới nhất.

Cha của thái tử Samsung Jae Yong là Lee Kun Hee, Chủ tịch Samsung, đã bị kết án 2 năm tù vào năm 1996 vì tội hối lộ và 3 năm tù vào năm 2008 vì tội tham ô và trốn thuế, nhưng được hưởng án treo rồi tổng thống ân xá.

Chung Mong Koo, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor đã bị kết án 3 năm tù vào năm 2007 vì tội biển thủ và vi phạm trách nhiệm nhưng được tại ngoại rồi tổng thống ân xá.

Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2012 vì tội tham ô và đã ngồi tù 2 năm trước khi được tổng thống ân xá. Lee Jay Hyun, Chủ tịch Tập đoàn CJ đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2014 vì tội tham ô, vi phạm trách nhiệm và trốn thuế nhưng được giảm còn 2 năm rưỡi và sau đó được tổng thống ân xá.

Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK bị bắt năm 2003. 

Kim Seun Youn, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2012 vì tội tham ô và 18 tháng tù vào năm 2007 vì tội tấn công nhưng đều được hoãn thi hành án và sau đó được tổng thống ân xá.

Loạt cải tổ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã làm thay đổi lớn tiêu chuẩn kế toán và quản trị doanh nghiệp của các chaebol, nhưng đã không làm gì để cắt đứt mối quan hệ thân cận của các chaebol với chính phủ, cũng không làm gì để giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong cấu trúc của các chaebol hàng đầu.

Bản thân bà Park khi nhậm chức đã cam kết cải cách tập đoàn. Nhưng 4 năm sau, những cáo buộc tham nhũng, lạm quyền, ép buộc tập đoàn góp quỹ... chống lại bà Park đã cho thấy một thực tế không như mong đợi.

Michael Na, chiến lược gia của tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) nói vụ bê bối "có thể cũng là điều hay" bởi nó giúp thúc đẩy việc kiểm soát chaebol và kích thích các nhà đầu tư nhỏ. Các diễn biến trên chính trường Hàn Quốc đang được giới đầu tư theo dõi chặt chẽ.

"Chúng tôi tin rằng luật về tập đoàn cuối cùng sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc các tập đoàn lớn", ông Na nói. "Nếu được thông qua, luật này sẽ giảm đáng kể bàn tay can thiệp của các gia đình tài phiệt vào công việc của ban giám đốc tập đoàn".

Giới chuyên gia nhận định người dân Hàn Quốc ngày nay đã thay đổi thái độ đối với các tập đoàn, làm tăng cơ hội thành công của cuộc cải cách chaebol. Tuy nhiên, không thể đơn giản mong chờ đạt kết quả trong thời gian ngắn vì vai trò của các chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc vẫn còn quá lớn.

Tin mới lên