Nhân vật

Chân dung ‘cha đẻ’ mì ăn liền Momofuku Ando

(VNF) - Mì ăn liền là một món ăn phổ biến trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng chúng được phát minh trong một lần giúp vợ nấu ăn của ông Momofuku Ando.

Chân dung ‘cha đẻ’ mì ăn liền Momofuku Ando

Ông Momofuku Ando, người sáng chế ra sản phẩm mì ăn liền

Quá trình sáng chế ra mì ăn liền

Momofuku Ando là người Nhật gốc Trung Quốc, sinh ngày 5/3/1910 tại Đài Loan, khi đó là thuộc địa của Nhật.

Năm 22 tuổi, ông Ando mở một công ty kinh doanh sợi dệt. Hồi ấy, do ít người buôn hàng dệt kim nên công ty của ông có điều kiện ăn nên làm ra. Nhờ thế, một năm sau, Ando đã đủ vốn sang Nhật Bản mở công ty ở Osaka, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Đồng thời ông cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan ở đây.

Những năm cuối thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, các đợt ném bom rải thảm của quân đội Đồng Minh đã san bằng hầu như tất cả các đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật, trong đó có nhà máy và cửa hiệu của Ando. Ông chuyển sang kinh doanh hàng bách hóa và thực phẩm.

Năm 1948, ông Momofuku Ando thành lập công ty thực phẩm Nissin, chuyên sản xuất muối ăn.

Hồi ấy, Nhật Bản thiếu thốn lương thực, hầu hết ăn bột mỳ do Mỹ viện trợ. Chính quyền Nhật chủ trương dùng bột mỳ làm thành bánh mỳ và phát động phong trào khuyến khích toàn dân làm và ăn bánh mỳ theo kiểu người Âu Mỹ cho nhanh và tiện, đỡ phải đun nấu tốn thời gian và nhiên liệu, là thứ hồi đó rất khan hiếm.

Ông Ando không tán thành cách làm ấy, ông cho rằng nên khuyến khích dùng bột mỳ làm thành một dạng mỳ sợi ăn liền, vì người Nhật có truyền thống quen ăn gạo và mỳ sợi.

Những khi thấy người ta xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết để chờ mua một tô mì nóng, ông Ando trăn trở làm thế nào để làm ra một loại mỳ sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay.

Tuy gặp nhiều khó khăn về vốn để nghiên cứu, chế biến nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện thí nghiệm mỳ ăn liền của mình. Trong đó, khâu khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay.

Trong một lần giúp vợ nấu bữa tối, ông Ando đổ mì vào chảo để làm mì xào và ông nhận ra rằng mì trộn mỡ không chỉ mất nước nhanh hơn ở nhiệt độ cao mà còn chín nhanh hơn.

Nhưng ông Ando cũng phải thí nghiệm hàng trăm lần mới thành công. Để sợi mỳ có vị ngon, ông ngâm nó vào loại soup nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô.

Tháng 8/1958, ông Ando sản xuất thành công lô mỳ ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin Ramen.

Năm 1958, ông Ando sản xuất thành công lô mỳ ăn liền đầu tiên

Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để một lúc là ăn được ngay, rất tiện lợi nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân và trở thành món ăn phổ biến trong xã hội Nhật.

Để sản xuất với quy mô lớn, 4 tháng sau, ông Ando mở rộng công ty Công ty TNHH Thực Phẩm Nissin tiên phong trong sản xuất và kinh doanh mì ăn liền.

Phát triển thương hiệu ra khắp thế giới

Năm 1962, công ty ông Momofuku Ando được chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mỳ ăn liền.

Nhưng đến năm 1964, ông thành lập Hội Công nghiệp Mỳ sợi Nhật Bản (Instant Food Industry Association) và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi.

Ông Ando bắt đầu nghĩ tới chuyện bán sản phẩm ra nước ngoài. Trong chuyến thăm dò thị trường Mỹ năm 1966, ông quan sát thấy người Mỹ khi ăn thì dùng thìa nĩa và đĩa chứ không dùng đũa và bát như người Nhật.

Ông nảy ra ý định đóng gói mỳ ăn liền vào trong những chiếc cốc to bằng giấy dày không thấm nước, đổ nước sôi vào một lúc là ăn được, rất tiện dụng.

Năm 1970, Nissin mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ. Tháng 9/1971, mỳ ăn liền Nissin đựng trong cốc (Cup Noodle) lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Sản phẩm của Nissin bắt đầu chiếm lĩnh thị trường bên ngoài Nhật Bản

Năm 1999, ông Momofuku Ando lập Bảo tàng kỉ niệm phát minh mì ăn liền mang tên ông ở Ikeda thuộc quận Osaka (Momofuku Ando Instant Ramen Museum).

Bên trong bảo tàng mì Momofuku Ando

Ông bắt đầu nghỉ hưu từ tháng 7/2005 và chỉ đảm nhiệm vai trò chủ tịch sáng lập.

Sản phẩm mì ăn liền của ông Ando còn thâm nhập cả "thị trường" vũ trụ khi tháng 7 năm đó, Nissin đã cho ra mắt một loại mì ăn liền đặc biệt được đóng gói trong chân không dành riêng cho nhà du hành vũ trụ Nhật Bản Soichi Noguchi trong thời gian làm việc trên con thoi Discovery của Mỹ.

Ngày 5/1/2007, ông Momofuku Ando qua đời tại Osaka vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 96 tuổi.

Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2020 đã tăng 14,79% so với năm 2019 do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng mạnh dưới tác động của dịch Covid-19. Năm 2020 có 116,6 tỷ suất mì được tiêu thụ, tương đương với khoảng 320 triệu suất mì được ăn/ngày.

Cũng theo WINA, người Việt tiêu thụ 7 tỷ gói mì tôm trong năm, đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia). Lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019, tỷ lệ tiêu thụ tăng tới 67% trong đại dịch.

Tin mới lên