Nhân vật

Chân dung ông Đào Ngọc Thanh, tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex

(VNF) - Trên cương vị mới, liệu ông Đào Ngọc Thanh có tạo dựng được thành quả đáng nể về kinh tế và thương hiệu tại Vinaconex, như những gì đã từng làm được với dự án Ecopark?

Chân dung ông Đào Ngọc Thanh, tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex

Tân Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh

Quá trình chuyển giao Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) từ Nhà nước sang tư nhân vừa hoàn tất khi đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra sáng 11/1 đã thông qua Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới.

Đáng chú ý, ông Đào Ngọc Thanh - người khai sinh ra khu đô thị Ecopark - đã trúng cử Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Ông Thanh đại diện cho nhóm cổ đông Công ty TNHH An Quý Hưng, hiện nắm trên 57% vốn điều lệ Vinaconex.

Chia sẻ tại buổi đại hội, ông Thanh tiết lộ ông đại diện cho nhiều người tham gia vào nhóm cổ đông mua cổ phần Vinaconex, phần lớn đều là những người làm trong lĩnh vực xây dựng, không phải đại gia hay có nguồn tiền từ ngân hàng. Bản thân ông xuất thân là sinh viên trường Đại học Xây dựng, rời trường từ 2004 làm CEO Ecopark tới ngày hôm nay.

Ông mong muốn giữ lại và phát triển thương hiệu Vinaconex. "Nếu chỉ dừng lại thương hiệu trên nóc tòa nhà thì quên đi nửa giang sơn. Đây sẽ là việc suy nghĩ hết sức kỹ càng không phải chỉ là câu nói cửa miệng đưa Vinaconex trở thành công ty đa dịch vụ, không phải học theo các đơn vị khác làm đa ngành mà chọn những lĩnh vực đúng và gần gũi", ông Thanh nói.

Tân Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh sinh ngày 30/12/1946 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Ông làm giảng viên tại trường Đại học Xây dựng từ năm 1971 và là giảng viên chính, Chủ nhiệm bộ môn. Trong suốt hơn 30 năm trên bục giảng, ông vẫn thường tư vấn cho nhiều dự án xây dựng.

Cuối năm 2003, ông Lương Xuân Hà - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) "rủ" ông Đào Ngọc Thanh làm dự án riêng, thay vì chỉ tham gia hỗ trợ các dự án như trước đây.

Ông Thanh và ông Hà sau đó liên tục xuất ngoại để tìm kiếm ý tưởng dự án. Ông Thanh kể, hôm đi trên con đường từ sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) về thành phố, hai bên đường là cây xanh ngợp trời, ở giữa là một dải hoa, ông và ông Hà cùng thốt lên rằng: “Con đường vào dự án của chúng ta sẽ phải như con đường này!”.

Ý tưởng về khu đô thị sinh thái rợp bóng cây Ecopark dần thành hình. "Eco", theo ông Thanh, vừa là Ecology - nghĩa là sinh thái, vừa là Economy - nghĩa là kinh tế.

Sau khi chọn được địa điểm xây dựng dự án (Văn Giang, Hưng Yên), ông Hà thuyết phục ông Thanh rời khỏi trường đại học để toàn tâm toàn ý làm dự án. Ông Thanh đem ý kiến này nói với thầy hiệu trưởng, thầy nói: “Ông muốn làm tổng giám đốc, làm chủ tịch có sao đâu, còn giảng dạy thì cứ làm bình thường, việc gì phải nghỉ”. Tuy nhiên, cuối cùng ông Thanh vẫn quyết định nghỉ.

Hành trình gây dựng Ecopark sau đó rất gian nan và có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, thành quả về kinh tế và thương hiệu là rất đáng nể. Trong một báo cáo năm 2015, Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Apec) cho biết sau giai đoạn 1 rất thành công, ước tính Ecopark thời điểm đó trị giá ít nhất 500 triệu USD. Thời điểm đó Apec cũng nhận định, lợi nhuận trong tương lai của dự án cao gấp hàng trăm lần so với chi phí đầu tư ban đầu.

Apec là công ty chứng khoán của ông Nguyễn Đỗ Lăng - người cùng ông Đào Ngọc Thanh góp một lượng cổ phần đáng kể vào dự án Ecopark. Bản thân ông Thanh hiện cũng là Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API), nơi ông Nguyễn Đỗ Lăng làm Chủ tịch HĐQT.

Ngoài các cương vị trên, ông Đào Ngọc Thanh hiện còn đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản HUDLAND, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana.

Tin mới lên