Tiêu điểm

Chân dung tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

(VNF) - Tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu làm Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chân dung tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp, ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", tân Chủ tịch nước nói.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông có trình độ cử nhân kinh tế, cao cấp lý luận chính trị.

Ông là ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII và XIII; ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII và XIII; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII và XIV.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ

Trước đây, khi Quảng Nam và Đà Nẵng đang là một tỉnh, ông Phúc từng giữ các chức vụ như giám đốc Sở Du lịch, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng khoá 15 và khoá 16.

Sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, ông Phúc được phân công công tác tại tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian làm việc tại đây, ông từng đảm nhận các chức vụ như trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND tỉnh, phó bí thư Tỉnh ủy.

Năm 2006, ông được điều động, bổ nhiệm làm phó tổng Thanh tra Chính phủ. Tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cũng trong năm 2006, ông được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm thường trực, phó bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ.

Đến tháng 8/2007, ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tháng 1/2011, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Nguyễn Xuân Phúc được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đồng thời được bầu ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Sau đại hội, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 3/8/2011, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó thủ tướng thường trực.

Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc giữ vai trò là Phó thủ tướng thường trực, xử lý trực tiếp các nhiệm vụ, trọng trách của Chính phủ Việt Nam cùng Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 2015, tại hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử là một trong các ứng viên cho chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng. Đến tháng 1/2016, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị.

Ngày 7/4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ, kế nhiệm Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016 – 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đối mặt với nhiều sự kiện lớn của đất nước, bao gồm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, sự biến thiên tai, dịch bệnh...

Đặc biệt, trên cương vị là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có một số chuyến công tác quốc tế đáng chú ý. Nổi bật là chuyến thăm Mỹ diễn ra vào cuối tháng 5/2017.

Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Nhà Trắng để gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Donald Trump. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump khẳng định coi hợp tác phát triển tiếp tục là trọng tâm trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Hai bên nêu bật tầm quan trọng của việc tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Cũng trong chuyến thăm Mỹ, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur L. Ross, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao các bản ký kết một loạt thỏa thuận về thương mại và đầu tư trị giá lên tới hơn 8 tỷ USD.

Chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của báo chí quốc tế.

Tin mới lên