Tài chính

Chào sàn giá 20.000 đồng, cổ phiếu Ngân hàng Bắc Á liệu có 'xứng đáng'?

(VNF) - Với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Bắc Á (UpCOM: BAB) sẽ tương đương với một số ngân hàng lớn như BID, CTG... và "bỏ xa" một số ngân hàng như Eximbank (EIB), Sacombank (STB), Lienviet PostBank (LPB)...

Chào sàn giá 20.000 đồng, cổ phiếu Ngân hàng Bắc Á liệu có 'xứng đáng'?

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, 500 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) sẽ chính thức được niêm yết trên sàn UpCOM vào ngày 28/12/2017, với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 20.000 đồng/CP. Liệu BAB có quá lạc quan khi đưa ra mức giá này?

Ngân hàng Bắc Á có gì?

Theo cáo bạch của Ngân hàng TMCP Bắc Á, BAB được thành lập vào năm 1994, có Hội sở chính đặt tại Nghệ An, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, gồm 10 cổ đông sáng lập. Tính đến 30/9/2017, BAB có mặt ở 18 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm 1 Hội sở, 26 chi nhánh, 75 phòng giao dịch/quỹ tiết kiệm. 

Ngoài ra, BAB còn có 2 công ty con sở hữu 100% là Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác Tài sản - NHTMCP Bắc Á (Vốn chủ sở hữu 50 tỷ đồng) và Công ty TNHH Kiều hối Bắc Á (vốn chủ sở hữu 77 tỷ đồng).

Về "sức khỏe" tài chính, tính đến ngày 30/9/2017, tổng tài sản của BAB đạt 85.856 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, các khoản chiếm tỷ trọng lớn gồm: tiền gửi và cho vay các TCTD khác đạt 10.669 tỷ đồng, tăng gần 70% so với đầu kỳ; cho vay khách hàng đạt 51.471 tỷ đồng, tăng 8%; chứng khoán đầu tư đạt 18.864 tỷ đồng (chủ yếu là chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán); tài sản có khác ghi nhận 2.761 tỷ đồng (chủ yếu là các khoản lãi, phí phải thu đạt 2.612 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu của BAB chủ yếu là khoản vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng và các khoản lợi nhuận chưa phân phối (839,91 tỷ đồng), quỹ của TCTD (312 tỷ đồng) và thặng dư vốn cổ phần (7 tỷ đồng).

Nợ xấu tính đến 30/9/2017 là 0,68% (chưa tính khoản trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản VAMC ghi nhận, mệnh giá đạt 600 tỷ đồng tại ngày 30/9/2017)...

Đó là tất cả những gì mà BAB có và hầu như nhà đầu tư sẽ không thấy được gì nổi bật của ngân hàng này ngoài tỷ lệ xấu ở mức thấp 0,68%. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào mức nợ xấu thấp để đưa ra mức giá "chào sàn" là 20.000 đồng/cổ phiếu, cao gần như tương đương với thị giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn như: BID, CTG, MBB... thì có vẻ "hơi quá".

Chẳng hạn, nếu so về quy mô, BID (thị giá 23.850 đồng/cổ phiếu, tại ngày 22/12) có vốn điều lệ là 34.187 tỷ đồng, cao gấp gần 7 lần so với BAB. Tương tự, CTG (thị giá 22.300 đồng/cổ phiếu) có vốn điều lệ là 37.234 tỷ đồng, cao gần 8 lần so với mức vốn điều lệ của BAB... 

Nếu BAB chào sàn ở mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu (biên độ giao dịch trong ngày chào sàn UPCoM là 40%), trong điều kiện khả quan, BAB có thể sẽ đạt mức giá 28.000 đồng/ cổ phiếu. Điều này có bất hợp lý?

Còn nếu xét về lợi nhuận, trong hệ thống các tổ chức tín dụng, BAB xếp vị trí thứ 7 "từ dưới lên". Cụ thể, xét về mức LNTT 9 tháng đầu năm 2017 của các ngân hàng, BAB đạt 483 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, mức LNTT này chỉ vượt qua một số ngân hàng nhỏ gồm: VietCapital Bank (37 tỷ); Việt Á (117 tỷ); PGBank (135 tỷ); SCB (181 tỷ); KienlongBank (191 tỷ) và SaigonBank (230 tỷ). Còn lại, BAB phải xếp sau 16 ngân hàng khác về mức LNTT, trong đó có Eximbank, ABBank, VIB, OCB, TPBank...

Một kênh tham khảo khác là một loạt các ngân hàng có lãi nghìn tỷ nhưng cổ phiếu đang được giao dịch với giá thấp, chẳng hạn: STB có lãi 1.025 tỷ (giao dịch ở giá 12.550 đồng/CP); SHB có lãi 1.330 tỷ (giá 9.000 đồng/CP); LienvietPostBank có lãi 1.433 tỷ đồng (giá 13.100 đồng/CP); thậm chí CTG có lãi 7.232 tỷ đồng (giá 22.300 đồng/CP)... 

Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác nhưng nếu căn cứ vào mức lãi này thì việc định giá một Ngân hàng như Bắc Á với giá 20.000 đồng/CP thì nhiều khả năng BAB sẽ khó có được sự chào đón của thị trường.


Các chỉ số tài chính của Ngân hàng Bắc Á trong thời gian gần đây

Có nên "liệu cơm gắp mắm"?

Câu chuyện về "sóng" cổ phiếu ngân hàng thời gian qua có thể là động lực khiến BAB đưa ra mức giá đầy lạc quan như trên. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc đến vị thế của mình thì mới có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Với BAB, hiện cơ cấu cổ đông của ngân hàng này gồm các cá nhân trong nước (128 cổ đông, chiếm 96,28%) và tổ chức trong nước (8 cổ đông, chiếm 3,72%). Đây cũng mà một trong số ít các ngân hàng không có cổ đông nước ngoài và đây cũng là điểm trừ trong mắt giới đầu tư.

Thêm vào đó, trong cơ cấu Hội đồng quản trị của BAB hiện tại đang có sự góp mặt của bà Thái Hương (giữ chức Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT) và đang nắm giữ 21.624.590 cổ phần, chiếm 4,325% vốn điều lệ. 

Đặc biệt, bà Thái Hương cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Thực phẩm Sữa TH (TH Milk) từ năm 2009 đến nay. Như vậy, theo Luật TCTD sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 15/01/2018, thì bà Thái Hương có thể sẽ phải lựa chọn vị trí giữa TH Milk và BAB. Điều này có thể gây ra bất ổn trong công tác quản trị BAB thời gian tới.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ một loạt các cổ phiếu ngân hàng mới niêm yết trong năm 2017 này (VIB, VPBank, KienlongBank và LienvietPostBank); có thể thấy cổ phiếu VIB và VPBank được giao dịch nhộn nhịp, thanh khoản tốt; trong khi đó cổ phiếu Kienlongbank và LienvietPostBank diễn biến hoàn toàn ngược lại.

Cụ thể, nếu so sánh LienvietPostBank và BAB, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank được đưa lên sàn với giá tham chiếu 14.800 đồng/ cổ phiếu. Khi mới lên sàn, LPB cũng lọt top những cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tốt nhất khi trung bình mỗi phiên đều có vài triệu cổ phiếu LPB. Tuy nhiên hiện tại, LPB chỉ còn trên dưới 13.000 đồng/ cổ phiếu, giảm hơn 13% so với ngày đầu tiên dù kết quả LNTT vẫn nằm trong "câu lạc bộ nghìn tỷ".

Trong khi đó, BAB lại chỉ đạt 483 tỷ đồng, thấp hơn gần 1.000 tỷ so với LienVietPostBank, lại cũng không có quỹ ngoại nào đầu tư nên triển vọng của BAB khi lên sàn sẽ rất khó đánh giá.

Tin mới lên