Tài chính quốc tế

Châu Âu có thể mất 1-2% GDP vì nguy cơ khủng hoảng năng lượng

(VNF) - Việc Nga yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble khiến châu Âu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện chưa từng có và những hiệu ứng gợn sóng cho toàn bộ các ngành sản xuất, hậu cần và dịch vụ, làm giảm GDP khu vực từ 1-2% và thậm chí dẫn tới khủng hoảng chính trị, các nhà phân tích dự đoán.

Châu Âu có thể mất 1-2% GDP vì nguy cơ khủng hoảng năng lượng

Châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị khủng hoảng năng lượng toàn diện.

Sắc lệnh thanh toán trớ trêu

Tuần trước, Moscow bất ngờ ra yêu cầu các quốc gia “không thân thiện”, bao gồm các nước châu Âu, sẽ phải trả tiền khí đốt tự nhiên cho Nga bằng đồng ruble, nếu không sẽ cắt nguồn cung.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cũng ký sắc lệnh yêu cầu khách hàng nước ngoài lập tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga, chuyển ngoại tệ vào để chuyển sang đồng ruble và thanh toán hoá đơn khí đốt, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/4.

Yêu cầu từ phía Nga vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước EU. Các quốc gia thuộc khối này cho rằng Moscow đang “tống tiền” bằng khí đốt, và khẳng định sẽ không làm theo yêu cầu vì Nga “vi phạm hợp đồng”.

Tính tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có Slovakia lên tiếng chấp thuận việc thanh toán ruble cho Nga vì không thể tìm được nguồn cung thay thế. Các quốc gia nhập khẩu nhiều khí đốt của Nga khác như Đức hay Italia vẫn chưa chính thức đưa ra lập trường về việc này.

Không lối thoát

Tuy nhiên, sự kiên định của Moscow với sắc lệnh mới dường như đã khiến châu Âu lúng túng. Các quốc gia này cũng khó mà có sự lựa chọn thay thế khi khoản thanh toán gần nhất sẽ bắt đầu vào tháng 5, trong khi những lô LNG của Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu của khối này trong thời gian dài, chưa kể châu Âu cũng chưa có đủ cơ sở hạ tầng để tiếp nhận LNG.

Ngoài ra, dù châu Âu có tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ, thì chưa chắc giá năng lượng sẽ giảm, bởi chi phí hậu cần cho LNG từ Mỹ sẽ cao hơn việc chuyển đường ống trực tiếp từ Nga sang. Đồng thời, số LNG của Mỹ, dù có lớn thế nào, cũng khó mà bù đắp được hết khoảng trống do nhập khấu khí đốt tự nhiên của Nga, theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn Lin Boqiang

Vào tháng 3, Mỹ và châu Âu đã đạt được một thỏa thuận lớn về LNG, theo đó Mỹ sẽ cung cấp cho EU ít nhất 15 tỷ m3 LNG bổ sung vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo Reuters, việc các nhà xuất khẩu Mỹ tăng cường vận chuyển khối lượng LNG kỷ lục tới châu Âu liên quan mật thiết tới việc giá đã tăng gấp 10 lần so với năm ngoái.

Theo một nghiên cứu của viện nghiên cứu năng lượng Aurora Energy Research, châu Âu sẽ tốn từ 60 - 100 tỷ EUR để lấp đầy khí từ các nguồn không phải của Nga.

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn

Nga chiếm hơn 40% tổng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu và 50% nguồn cung cấp than được sử dụng ở Châu Âu. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng 34% sau khi có sắc lệnh thanh toán bằng đồng ruble.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng giá khí đốt tự nhiên tăng thêm nữa có thể làm tăng chi phí sinh hoạt đối với người dân châu Âu, gây thêm áp lực lạm phát và thậm chí làm gia tăng các cuộc khủng hoảng chính trị.

Theo Ngân hàng Investec, giới hạn giá năng lượng của Vương quốc Anh có thể tăng thêm 50% lên hơn 3.000 bảng Anh/hộ gia đình, do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt ở châu Âu.

Nền kinh tế nặng ký của EU là Đức, nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, đã chứng kiến giá năng lượng tháng 3 tăng 129,5% so với tháng 2.

Vào tháng 3, chi tiêu của người tiêu dùng Đức cho năng lượng và nhiên liệu gia đình đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố.

Tuần trước, quốc gia này đã phải công bố kế hoạch khẩn cấp về khí đốt quốc gia, trong đó kêu gọi người dân cắt giảm năng lượng.

Theo truyền thông địa phương, kế hoạch khẩn cấp của Đức bao gồm 3 giai đoạn, giai đoạn cuối cùng chỉ được thực hiện khi "nhu cầu khí đốt đặc biệt cao hoặc nguồn cung cấp khí bị gián đoạn đáng kể, với tất cả các biện pháp dựa trên thị trường được thực hiện và nguồn cung vẫn không đủ". Hiện tại, nước này đang thực hiện giai đoạn 1 của kế hoạch.

Các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng của nước này bao gồm sản xuất thép, sản xuất giấy và hậu cần được cho là đã cảm nhận được “nhiệt” từ một cuộc khủng hoảng giá năng lượng tiềm ẩn. Thậm chí, một số hoạt động đã phải tạm dừng do không thể chịu được giá năng lượng tăng chóng mặt.

Ông Cui Hongjian, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cảnh báo khi Đức phải kích hoạt giai đoạn 3 của kế hoạch, nguồn năng lượng trong nước sẽ được ưu tiên cho dân dụng và nguồn cung của công nghiệp có thể bị dừng hoàn toàn, dẫn tới các tác động không chỉ với kinh tế Đức mà còn với nền kinh tế và sự ổn định chính trị của cả châu Âu.

Theo ông Cui, một cuộc khủng hoảng năng lượng như trên có thể xoá bỏ mức tăng GDP của châu Âu từ 1-2%.

Theo dự báo được Uỷ ban châu Âu đưa ra ngày 10/2, thời điểm các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng năng lượng còn chưa xuất hiện, nền kinh tế EU có khả năng sẽ đạt mức 4% trong năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này giờ đây sẽ không còn được đảm bảo.

Xem thêm >> 'Xung đột Nga-Ukraine khiến nước Đức nghèo hơn'

Tin mới lên