Thị trường

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại bị đẩy lên gần 18 triệu/lượng

(VNF) - Mở cửa đầu tuần, chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới đang tăng lên khi giá trong nước giảm khá ít hoặc tăng nhẹ, còn giá vàng thế giới lại giảm mạnh.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại bị đẩy lên gần 18 triệu/lượng

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại bị đẩy lên gần 18 triệu/lượng (ảnh minh họa)

Hôm nay (4/7), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 68,25- 68,85 triệu đồng/lượng. So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước đã tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, còn ở chiều bán ra chỉ tăng 200.000 đồng/lượng. Còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 5,55 triệu đồng mỗi lượng.

Hiện biên độ giá mua và bán vàng được duy trì ở khoảng 600.000 đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với mức chênh 700.000 đồng mỗi lượng của tuần trước và là mức chênh thấp nhất trong các tháng gần đây.

Giá vàng thế giới ngày 4/7 đang ở mức 1.812,6 USD/ouce, giảm 24 USD/ounce so với 1 tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 53,15- 54,1 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng so với đầu tuần trước.

Chênh lệch giá giữ vàng trong nước và thế giới đang tăng lên khi giá trong nước không giảm hoặc giảm khá ít hoặc tăng nhẹ, còn giá vàng thế giới lại giảm mạnh. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 51 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 17,8 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng trang sức khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay vừa mở cửa tuần giao dịch giảm mạnh về 1.806 USD/ounce, sau đó nhích dần lên mức 1.812 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất trong nhiều tháng qua, trong bối cảnh nhà đầu tư khá thờ ơ với vàng khi lãi suất cơ bản ở nhiều quốc gia trên thế giới đang nhích lên.

Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.810,7 USD/ounce.

Quý II/2022, vàng kết thúc một quý tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ tích cực từ ngân hàng trung ương các nước lớn. Tính riêng trong tháng 6/2022, vàng đã mất 2% giá trị và đây cũng là tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, các nhà phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư Phố Main hầu hết đưa ra ý kiến trung lập về giá kim loại quý trong tuần này.

Theo kết quả khảo sát của phố Wall, 44% chuyên gia tin rằng kim loại quý sẽ giảm giá, 25% dự báo đi ngang và 31% nhận định giá tăng. Đây là một trong số rất ít tuần ghi nhận lượng chuyên gia nhận định tiêu cực cao hơn tích cực.

Kết quả cuộc thăm dò trực tuyến Main Street thu hút 612 nhà đầu tư cá nhân tham gia cũng cho thấy, 41% dự báo giá vàng sẽ tăng, 38% cho rằng giá sẽ giảm và 21% nhận định giá vàng sẽ đi ngang.

Theo Kitco, giá vàng có thể giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce do tâm lý trên thị trường tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Các nhà phân tích cũng lưu ý sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng gần đây đã hạ nhiệt.

Theo một số nhà phân tích, giá vàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu. Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến mức tăng lãi suất sẽ là 0,25% vào tháng 7/2022.

Từ khoá: vàng, giá vàng, vàng miếng, PNJ, SJC,
Tin mới lên