Tài chính

Chỉ 20% cán bộ công chức thuế là "tận tình chu đáo"

(VNF) - Tình trạng doanh nghiệp phải "lót tay" cho cán bộ thuế vẫn là quan ngại của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã.

Chỉ 20% cán bộ công chức thuế là "tận tình chu đáo"

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố "Báo cáo kết quả khảo sát các doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP trong  lĩnh vực Thuế và Hải quan năm 2015".

Tham gia khảo sát có 180 đơn vị, trong đó có 153 hiệp hội doanh nghiệp và 27 liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố. Khảo sát được thực hiện tư tháng 9 đến tháng 10 năm 2015.

Khảo sát lần này tiếp tục tìm hiểu các vấn đề tế nhị và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó nổi bật là vấn đề chi phí không chính thức khi làm việc với cán bộ thuế.

Theo nhận định của các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã, đây vẫn là vấn đề khá phổ biến, có nhiều doanh nghiệp quan ngại và các nỗ lực giảm thiểu tình trạng này chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Báo cáo khảo sát cho biết, 55% đơn vị tham gia khảo sát đồng tình với lý giải cho thực trạng trên là xuất phát từ tâm lý e ngại nếu không "chi thêm", doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó, 85% hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cho biết khi không chi các khoản lót tay, các đơn vị này sẽ bị "yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ; 68% cho rằng sẽ bị kéo dài thời gian làm thủ tục và 66% cho rằng sẽ nhận được thái độ không văn minh, lịch sự của công chức thuế.

VCCI cho biết, tồn tại việc chi trả các chi phí không chính thức không chỉ từ thực trạng nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của một số cán bộ, mà có thể là sự chủ động và đồng thuận từ phía doanh nghiệp để tránh được một phần nghĩa vụ nộp thuế của mình. Điều này, nếu xảy ra, sẽ làm thất thu ngân sách, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt, VCCI nhận định.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, "chỉ có khoảng 20% cán bộ công chức là tận tình chu đáo, số còn lại 80% chỉ là hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí gây khó dễ". Theo ông Lộc, "đây là dư địa mà ngành thuế và hải quan cần phải cải cách mạnh mẽ".

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, "qua thực tế tìm hiểu các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho rằng nhiều khi họ cảm thấy không sợ Bộ trưởng bằng sợ các cán bộ trực tiếp thu thuế". "Vấn đề đặt ra là phải đảo ngược tình thế 20 - 80 như ông Lộc đã đề cập đến", ông Cung nhận định.

Tại cuộc khảo sát lần này, nhóm nghiên cứu VCCI cũng đề nghị các tổ chức đại diện doanh nghiệp và hợp tác xã đánh giá mức độ phiền hà trong 6 nhóm thủ tục  hành chính liên quan đến thuế.

Mặc dù, kết quả khảo sát cho thấy một số tín hiệu tích cực như nhóm thủ tục về khai thuế, đăng ký thuế hoặc nộp thuế có tỷ lệ đánh giá " không hoặc ít phiền hà" tương đối cao (chiếm 70% - 80%), tuy nhiên, vẫn có một số thủ tục bị đánh giá đang còn nhiều trở ngại.

Đứng đầu bảng nhóm thủ tục này, thủ tục "thanh kiểm tra thuế" (64% đánh giá phiền hà hoặc tương đối phiền hà), tiếp đến là nhóm thủ tục "hoàn thuế và miễn giảm thuế" (đều ở mức 57%).

Ngoài ra, vấn đề thời gian vẫn là mối quan ngại lớn nhất cho các đơn vị, khi có tới 68% đơn vị cho biết thời gian giải quyết quá dài. 54% số doanh nghiệp cho biết cán bộ thuế đã "yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ không cần thiết".

Tin mới lên