Tài chính

Chỉ báo kém tích cực: Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp không đến từ hoạt động cốt lõi

(VNF) - Theo thống kê của FiinGroup, quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận lõi (lợi nhuận trước thuế và lãi vay, không bao gồm lợi nhuận khác và từ hoạt động đầu tư tài chính) của các doanh nghiệp này lại giảm 5,5% trong cùng quãng thời gian.

Chỉ báo kém tích cực: Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp không đến từ hoạt động cốt lõi

Chỉ báo kém tích cực: Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi

Thống kê của FiinGroup trong Báo cáo Triển vọng TTCK cuối năm 2022: Cơ hội từ những tín hiệu kém tích cực được công bố mới đây cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp Phi tài chính (đã loại trừ ngành ngân hàng) chững lại trong quý II/2022, với mức tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trên nền tăng trưởng doanh thu duy trì mức tăng 20,1% (tương đương với 2 quý gần đây).

Điểm đáng chú ý là lợi nhuận lõi (lợi nhuận trước thuế và lãi vay, không bao gồm lợi nhuận khác và từ hoạt động đầu tư tài chính) của các doanh nghiệp phi tài chính giảm 5,5% trong quý II/2022.

Đây là quý thứ 2 liên tiếp có sự chênh lệch lớn giữa tăng trưởng lợi nhuận lõi và lợi nhuận sau thuế, cho thấy chất lượng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của khối phi tài chính đang không thực sự tích cực, theo quan điểm của FiinGroup.

FiinGroup quan sát thấy tỷ trọng khá cao của thu nhập từ hoạt động tài chính (chủ yếu nhờ thoái vốn và đánh giá lại tài sản), chiếm 13% lợi nhuận sau thuế quý II/2022, đóng góp 10 điểm % vào mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm phi tài chính. Nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn có lợi nhuận sau thuế quý II năm nay được đóng góp đáng kể từ thu nhập tài chính hay thu nhập khác bao gồm: VIC, ACV, VGI, KBC…

Được biết, lợi nhuận của KBC sau đó đã "bốc hơi" hơn 2.200 tỷ đồng sau khi kiểm toán vào soát xét số liệu và sự sụt giảm này chính là do không còn ghi nhận khoản lãi đột biến từ đánh giá lại tài sản.

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp Phi tài chính trong quý II/2022 phải dựa vào hoạt động tài chính và các hoạt động không cốt lõi khác

FiinGroup cảnh báo thêm, mặc dù hệ số Khả năng thanh toán lãi vay (ICR) của toàn khối phi tài chính cũng như hầu hết các ngành hiện ở mức khá an toàn (4 lần) nhưng vẫn có một số ngành và doanh nghiệp có thể gặp áp lực về chi phí lãi vay trong thời gian tới do triển vọng lợi nhuận kém tích cực khi tốc độ bán hàng chững lại (đối với ngành nất động sản nhà ở) và tác động cộng hưởng từ chi phí nguyên vật liệu tăng cao và giải ngân vốn đầu tư công bị tắc nghẽn (đối với ngành Xây dựng).

Tổng thể năm 2022, trong kịch bản thận trọng, FiinGroup cho rằng lợi nhuận sau thuế năm 2022 có thể tăng 35,6% nhờ mức tăng trưởng cao nửa đầu năm. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nửa cuối 2022 có thể đạt 32,3% trên nền thấp của cùng kỳ năm 2021; trong đó, nhóm dự kiến có lợi nhuận giảm tốc bao gồm Xây dựng, Logistics, Vận tải thủy, Thủy sản, Hàng cá nhân, May mặc, Phân phối xăng dầu & khí đốt và nhóm dự kiến có lợi nhuận hồi phục bao gồm Bất động sản dân cư, Bất động sản bán lẻ, Sữa, Dược phẩm, Chăn nuôi.

Sang năm 2023, FiinGroup cho rằng xu hướng tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm tốc vì mức nền cao của năm 2022 và bối cảnh vĩ mô kém thuận lợi, bao gồm rủi ro tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại trước áp lực tăng lãi suất và giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự đột phá.

"Chúng tôi quan tâm đến những ngành có lợi nhuận dự kiến hồi phục hoặc tăng tốc nửa cuối 2022 và giá cổ phiếu chưa phản ánh đầy đủ triển vọng này, bao gồm Chăn nuôi, Dược phẩm, Nước. Ngược lại, chúng tôi nhận thấy còn ít tiềm năng ở một số nhóm ngành có lợi nhuận dự kiến hồi phục tích cực nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh gần đây, bao gồm nhựa và sản xuất ống nhựa", báo cáo cho hay.

Với ngành sữa, cùng có câu chuyện hưởng lợi từ việc giá đầu vào giảm, nhưng đây là ngành bị chi phối bởi Vinamilk (VNM). Cổ phiếu VNM đang giao dịch ở vùng định giá tương đương mức thấp của năm 2014 (khi lợi nhuận sau thuế giảm 7%). Tuy nhiên, theo FiinGroup, định giá này chưa thực sự quá hấp dẫn bởi VNM vẫn đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thị trường sữa nội địa đã đạt ngưỡng bão hòa và sức ép cạnh tranh lớn.

Tin mới lên