Thị trường

Chỉ còn 32 chợ, TP. HCM cần giải pháp gì?

Sức mua có giảm, nhưng với việc 3 chợ đầu mối vẫn đóng cửa, số lượng chợ truyền thống và siêu thị còn lại quá mỏng đòi hỏi TP. HCM cần nhiều giải pháp cấp bách.

Chỉ còn 32 chợ, TP. HCM cần giải pháp gì?

Sau khi nhiều địa phương đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16, các bộ ngành trung ương và TP.HCM đã nỗ lực để hàng hóa về TP.HCM không bị gián đoạn. Ảnh: Chí Hùng.

Số lượng chợ truyền thống phải ngừng hoạt động vẫn gia tăng, tính đến ngày 22/7, TP. HCM chỉ còn 32/237 chợ, 97 siêu thị, 2.775 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nguồn hàng về thành phố thông qua 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn với khoảng 7.000-9.000 tấn rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm/ngày.

Trong đó, nguồn cung mặt hàng rau, củ quả của các tỉnh Tây Nam Bộ chiếm 30%, Đông Nam Bộ chiếm khoảng 15%, còn lại là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc. Riêng thịt heo, có 37 tỉnh, thành phố thường xuyên cung ứng hàng cho TP. HCM, trong đó Đồng Nai chiếm số lượng lớn nhất.

Tuy nhiên, khi 3 chợ này dừng hoạt động, sản lượng thông qua các chợ đầu mối chỉ đạt 2.200-2.700 tấn, giảm hơn 50%.

Đa dạng kênh phân phối hàng hóa

Số lượng chợ còn lại quá mỏng khiến nhiệm vụ phân phối dồn sang hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Ở kênh phân phối hiện đại, năng lực cung ứng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện tại đạt 2.465 tấn/ngày.

Trong đó, tại các siêu thị của Saigon Co.op, lượng rau, củ về TP. HCM bình quân khoảng 700 tấn, thịt là 150 tấn/ngày. Hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ cung cấp khoảng 100-120 tấn thịt/ngày, 270-300 tấn rau củ/ngày...

Như vậy, trung bình một ngày cả kênh chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang cung ứng hơn 5.000 tấn rau, củ quả, thịt gia súc gia cầm cho thị trường TP. HCM.

Thêm vào đó, gần đây một số hệ thống bưu điện, Viettel Post, cửa hàng mỹ phẩm, hiệu thuốc… đã có những điểm bán hàng hóa thiết yếu với sản lượng hơn 200 tấn rau, củ quả/ngày.

Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng tham gia cung ứng hàng hóa cho người dân, giảm tải áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, tính đến 20/7, Tiki đã cung cấp ra thị trường 10 tấn rau củ quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu.

Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee cũng đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày hay Lazada sản lượng trung bình bán ra 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.

Rau, củ được bày bán nhiều tại các cửa hàng mỹ phẩm, hiệu thuốc... trên khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức. Ảnh: Phương Lâm.

TP. HCM đang thiếu gì?

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, lượng hàng vận chuyển, cung ứng về TP đang tăng lên ở mức 5% mỗi ngày.

Trước đó ngày 19/7, Sở Công Thương TP. HCM đã đăng ký nhu cầu đối với các mặt hàng cần thiết có khả năng thiếu gồm: 1.500 tấn rau, 400.000 trứng.

Sau đó, các tỉnh đã liên lạc với TP. HCM thông tin về một số mặt hàng có dấu hiệu dư thừa ở các địa phương, cần kết nối để cung ứng hàng hoá, đặc biệt mặt hàng trứng gia cầm.

"Do đó đến thời điểm hiện tại, hàng hóa từ rau, củ, thịt cá, trứng tại TP. HCM không thiếu thứ gì, đầy đủ cung ứng cho người dân", ông khẳng định.

Phó giám đốc Sở Công Thương TP cho biết hiện nay sức mua trên thị trường đã giảm, không còn tâm lý tích trữ, xếp hàng kéo dài mua sắm. "Chúng tôi luôn theo dõi, lượng rau, đặc biệt trứng gia cầm cung ứng trong hệ thống phân phối luôn đầy đủ trên quầy kệ. Không có tình trạng trống hàng", ông nói.

"Ngoài ra, Sở cũng đã ghi nhận tất cả danh sách các nhà cung cấp để bổ sung cho nguồn dữ liệu của TP. HCM chuẩn bị cho các phương án, kịch bản trong trường hợp cần thiết, dự phòng cho hệ thống phân phối hiện nay", Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết.

Đặc biệt về chuỗi phân phối hàng hóa cũng được Sở Giao thông Vận tải tạo mọi điều kiện lưu thông cho xe hàng chở nông sản, thực phẩm thiết yếu vào TP. HCM.

Sở Công Thương TP. HCM sẽ từng bước mở lại chợ truyền thống đảm bảo an toàn. Ảnh: Phương Lâm.

Trước tình trạng số chợ truyền thống bị tạm dừng hoạt động ngày một tăng, liệu TP. HCM có tính đến phương án "đưa chợ ra phố", ông Phương cho biết trong trường hợp các chợ truyền thống hiện nay với điều kiện thực tế chưa thể tổ chức điểm bán thì tìm kiếm các khu vực đất trống, rộng rãi, thiết kế, bố trí các điểm bán thực phẩm thiết yếu, trên tinh thần là kẻ ô, giãn cách, phân lối đi.

Báo cáo về nguồn hàng cung ứng cho thành phố tại cuộc họp chiều ngày 21/7 với tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương - đánh giá nhìn chung tổng lượng hàng hóa cung cấp cho toàn vùng và TP. HCM có thể đáp ứng đủ, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu hàng, tăng giá cục bộ ở một vài khu vực TP. HCM.

Lý do là các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm gặp khó khăn trong sản xuất, bố trí sản xuất - ăn - nghỉ tại chỗ.

"Còn các lò giết mổ thiếu nhân lực do nhân công nằm trong vùng phong tỏa, cách ly. Ngoài ra, lái xe chở thịt cũng phải đi qua nhiều trạm kiểm dịch trên đường, từ công an, y tế, đến thú y...", ông nói.

"Tha thiết" mở lại 3 chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng thời điểm này điều quan trọng nhất là đảm bảo có hàng để cung ứng cho nhu cầu của người dân.

"Chúng tôi đã nhiều lần, tha thiết báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền của TP. HCM nghiên cứu mở thêm nhiều chợ truyền thống, kể cả chợ đầu mối", ông nói.

Thời gian gần đây, không có tình trạng trống hàng tại các quầy kệ ở siêu thị TP. HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Bởi theo ông Hải, hiện nay, chỉ có chợ đầu mối mới có các kho trữ được lượng hàng của các tỉnh đưa về. Nếu đóng cửa chợ đầu mối, sẽ phải đưa ra kho trung chuyển nhưng trong tình hình hiện nay rất khó khăn để làm được điều đó.

"Tuy nhiên, việc mở cửa vẫn phải đảm bảo các quy định an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế", ông nói.

Đồng quan điểm, trong cuộc họp cùng ngày, tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị TP. HCM phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

"Bên cạnh đó, bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16", tổ công tác đề xuất.

Thực tế, việc 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn chưa hoạt động trở lại và lượng lớn chợ truyền thống tại TP. HCM đóng cửa đã gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho thành phố.

Tin mới lên