Tài chính quốc tế

Chi hàng trăm tỷ USD hỗ trợ năng lượng cho người dân, Đức hứng chỉ trích

(VNF) - Giới chức Pháp cho rằng việc Đức khởi động kế hoạch viện trợ cho người dân trong nước mà không tham khảo ý kiến đối tác có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng chung của Liên minh châu Âu (EU).

Chi hàng trăm tỷ USD hỗ trợ năng lượng cho người dân, Đức hứng chỉ trích

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã hoãn một cuộc họp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng và các chủ đề khác. Theo kế hoạch, cuộc họp được tổ chức bên lề cuộc họp bàn giải pháp cho khủng hoảng năng lượng của Hội đồng châu Âu (EC).

Theo hãng tin The Telegraph, động thái được đưa ra sau khi Đức khởi động kế hoạch hỗ trợ ngành năng lượng trong nước mà không tham khảo ý kiến của các đối tác Liên minh châu Âu (EU) thân cận nhất của mình, cũng như ủng hộ đưa vũ khí của Mỹ và nước ngoài trang bị cho hệ thống phòng thủ của EU.

Kế hoạch của Đức trị giá 200 tỷ euro (khoảng 195 tỷ USD) nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Đa phần kế hoạch được tài trợ bằng nợ và tương đương với 5,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2021.

Ông Macron đã chỉ trích động thái của ông Scholz và cho rằng điều đó có nguy cơ gây ra các vấn đề đối với an ninh năng lượng của EU.

“Nếu chúng ta muốn có một cách tiếp cận nhất quán thì đó không phải là các chiến lược riêng rẽ của từng quốc gia mà phải là chiến lược chung của châu Âu", Tổng thống Macron nói với nhật báo Pháp Les Echos.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng thừa nhận rằng Pháp và Đức có một số vấn đề khác biệt chưa đạt được thống nhất.

Ông Paolo Gentiloni, Cao ủy châu Âu về kinh tế, và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng không đồng tình với kế hoạch của Đức.

Ông Gentiloni cho biết Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét kế hoạch của Berlin, còn bà von der Leyen lưu ý rằng EU cần “mức độ đoàn kết cao hơn” và “một giải pháp chung của Châu Âu” để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Gói viện trợ trong nước của Đức dường như cũng đi ngược lại với gói biện pháp viện trợ khẩn cấp mới của Ủy ban Châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, được công bố vào đầu tuần này.

Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng cho rằng quyết định hành động đơn phương của Berlin đẩy hộ gia đình và doanh nghiệp của khối đối mặt với giá năng lượng đắt đỏ hơn.

EC mới đây đã đưa ra đề xuất gồm các biện pháp mới liên quan tới tình hình năng lượng của khối, nhằm xoa dịu thị trường năng lượng đầy biến động và giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này.

Gói biện pháp “khẩn cấp” của EU thể hiện tình đoàn kết giữa các quốc gia và quyết tâm vượt qua quãng thời gian khó khăn, cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow.

Theo đó, gói giải pháp sẽ dành gần 40 tỷ euro từ quỹ ngân sách EU chưa sử dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đối phó với tình trạng chi phí năng lượng tăng cao.

EC cũng đề xuất các quốc gia thành viên EU cùng tham gia một hệ thống mua chung cho phép điều phối dự trự khí đốt giữa mỗi nước. Các quốc gia dự kiến sẽ cùng nhau mua lượng khí đốt để lấp đầy ít nhất 15% kho dự trữ của họ, và các công ty năng lượng sẽ được phép thành lập một tập đoàn châu Âu để đàm phán các hợp đồng dài hạn.

Xem thêm >> Đức tuyên bố đã ‘cai nghiện’ được khí đốt Nga

Tin mới lên