Tài chính quốc tế

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, người già Nhật phạm tội để được đi tù

(VNF) - Theo tờ Financial Times, hệ thống nhà tù tại Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng ngân sách khi phúc lợi không đầy đủ khiến người cao tuổi phạm tội ngày càng tăng.

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, người già Nhật phạm tội để được đi tù

Tờ Financial Times dẫn số liệu về tội phạm tại Nhật Bản cho thấy 35% số người phạm tội ăn cắp vặt là những người già trên 60 tuổi. Trong số đó, có 40% tái phạm trên 6 lần.

Một báo cáo kết luận rằng, nguyên nhân dẫn đến làn sóng phạm tội ăn cắp ở người già là "nỗ lực" của họ để được ngồi "bóc lịch" trong tù - nơi họ được cung cấp thức ăn, chỗ ở và chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Một số tính toán cho thấy, ngồi tù là một điều khá hấp dẫn đối với những người cao tuổi tại Nhật Bản. Theo một nghiên cứu về kinh tế học tội phạm tuổi già của tổ chức nghiên cứu Custom Products Research trụ sở tại Tokyo, dù tại đây, chế độ ăn uống đạm bạc và chỗ ở thì "rẻ như bèo" nhưng một người về hưu tại Nhật với khoản tiết kiệm tối thiểu vẫn có mức chi phí sinh hoạt cao hơn 25% so với mức lương hưu cơ bản của nhà nước tại 780.000 yên (tương đương 6.900 USD) một năm.

Trong khi đó, hành vi trộm cắp của một chiếc bánh sandwich giá 200 yên có thể bị ngồi tù 2 năm, thì chi phí cho 2 năm cải tạo này, mỗi phạm nhân Nhật tiêu tốn của Chính phủ tới 8,4 triệu yên.

Đó có thể là nguyên nhân tại sao khiến làn sóng người già phạm tội ngày càng gia tăng. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 tới năm 2013, năm gần nhất mà Bộ Tư pháp công bố số liệu cho thấy, số lượng tù nhân cao tuổi tái phạm 6 lần đã tăng 460%.

Tốc độ gia tăng số người già phạm tội ở đất nước mặt trời mọc còn nhanh hơn cả tốc độ già hóa dân số. Với xu hướng già hóa dân số như hiện nay, đến năm 2060, có đến 40% dân số Nhật Bản sẽ ở độ tuổi trên 65.

Akio Doteuchi, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về phát triển xã hội tại Viện nghiên cứu NLI ở Tokyo, dự báo tỷ lệ người già liên tục tái phạm tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng.

"Tình hình xã hội ở Nhật Bản đã buộc người già trở nên muốn phạm tội. Hiện số người Nhật nhận trợ cấp xã hội đang ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Khoảng 40% người cao tuổi đang sống một mình. Đây là một vòng luẩn quẩn. Người già ra tù, họ không có tiền hay gia đình và rồi họ lại ngay lập tức tái phạm", ông Doteuchi cho biết.

Ông Doteuchi cũng cho biết thêm, xu hướng người già phạm tội cho thấy những thách thức mà chính phủ Nhật Bản phải đối mặt trong việc tính toán các chính sách phúc lợi xã hội giữa lúc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng trì trệ. Nhà tù là cách kém hiệu quả nhất mà Chính phủ Nhật hướng các khoản chi phúc lợi vào những đối tượng cần được đáp ứng nhất.

Theo ông Doteuchi, những nỗ lực trước đây nhằm phóng thích tù nhân cao tuổi đã vấp phải nhiều trở ngại về pháp lý. Ông cảnh báo, hệ thống nhà tù Nhật cuối cùng sẽ rơi vào tình trạng quá tải tù nhân cao tuổi.

Tin mới lên