Tiêu điểm

Chỉ số tính minh bạch của Hà Nội thấp nhất từ trước đến nay

(VNF) - Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do VCCI công bố, chỉ số tính minh bạch của thành phố Hà Nội có số điểm thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI, với 5,21 điểm. Đây cũng là điểm số thấp nhất từ trước đến nay của Hà Nội.

Chỉ số tính minh bạch của Hà Nội thấp nhất từ trước đến nay

Trong 10 chỉ số thành phần PCI của Hà Nội, tính minh bạch có điểm thấp nhất với 5,21, giảm 0,6 điểm so với năm 2020.

Ngày 27/4, Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021.

Theo báo cáo, chỉ số PCI năm 2021 của thành phố Hà Nội đạt 68,6 điểm, tăng 1,67 điểm so với năm 2020. Với số điểm này, tuy vị trí của Hà Nội tụt hạng so với năm 2020 tuy nhiên vẫn nằm trong top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2021. Xếp trên Hà Nội là các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa Vũng Tàu.

Tuy nhiên, theo Hồ sơ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam do VCCI công bố, Hà Nội cần phải lưu ý cải thiện về tính minh bạch.Cụ thể, trong 10 chỉ số thành phần PCI của Hà Nội, tính minh bạch có điểm thấp nhất với 5,21, giảm 0,6 điểm so với năm 2020. Đây cũng là mức điểm thấp nhất về chỉ số tính minh bạch của Hà Nội từ trước đến nay.

Không những vậy, chỉ số này của Hà Nội cũng nằm trong nhóm cuối trong số 63 tỉnh thành, chỉ có 6 tỉnh có điểm số tính minh bạch thấp hơn Hà Nội là Đắk Nông (4,92), Hậu Giang (4,53), Hoà Bình (4,99), Kiên Giang (4,48), Ninh Bình (4,6) và Phú Yên (5,12).

Được biết, chỉ số tính minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phân biệt môi trường kinh doanh nào tạo thuận lợi cho sự phát triển khu vực tư nhân. Đánh giá tính minh bạch phải hội đủ năm thuộc tính sau: tính sẵn có của thông tin (hay khả năng doanh nghiệp tiếp cận thông tin), tính công bằng, tính ổn định, tính tiên liệu của việc triển khai thực hiện các chính sách quy định và tính cởi mở qua đánh giá mức độ phổ biến của trang thông tin của tỉnh.

Theo đó, các chỉ tiêu sử dụng trong chỉ số này là: khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý dễ hay khó; doanh nghiệp có cần phải nhờ tới mối quan hệ để tiếp cận tài liệu hay không; trong quá trình kinh doanh có phải thương lượng với cán bộ thuế hay không; vai trò của hiệp hội trong phản biện và tư vấn chính sách và độ mở của các cổng thông tin điện tử.

Ngoài chỉ số tính minh bạch, còn có một số chỉ số thành phần khác cũng bị giảm điểm so với năm 2020 như: gia nhập thị trường (6,57 điểm, giảm 0,17); cạnh tranh bình đẳng (5,38 điểm, giảm 0,68); đào tạo lao động (7,64 điểm, giảm 0,21).

Trong khi đó, các chỉ số như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đều có số điểm cao hơn năm 2020. Trong đó, chi phí thời gian là chỉ số thành phần có số điểm cao nhất với 8,45 điểm, tăng 0,52 so với năm 2020.

Chi phí thời gian là một trong những yếu tố quan trọng, được quan tâm hàng đầu khi đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bởi không có nhà đầu tư, doanh nghiệp nào muốn mất quá nhiều thời gian, sự rườm rà cho việc giải quyết các thủ tục hành chính hay công tác thanh, kiểm tra hoặc dành thời gian tìm hiểu, thực hiện những quy định pháp luật... 

Tin mới lên