Tài chính

Chi thường xuyên 'ngốn' gần 2/3 ngân sách, Bộ Tài chính nói gì?

(VNF) - Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo về tình hình thu, chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2018. Theo đó, 4 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng; tổng chi khoảng 410.000 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi.

Chi thường xuyên 'ngốn' gần 2/3 ngân sách, Bộ Tài chính nói gì?

Ảnh minh hoạ.

Theo các chuyên gia kinh tế, bức tranh chi 4 tháng đầu năm khá “tối” khi chi thường xuyên, trả nợ lãi tiếp tục tăng trong khi chi đầu tư giảm so với cùng kỳ. Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm tới 66%. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và đầu tư.

Trả lời vấn đề này tại buổi họp báo chuyên đề chiều 25/5, đại diện Bộ Tài chính cho biết dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 có cơ cấu như sau: Chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39% và chi thường xuyên chiếm 61,76%.

Theo đại diện Bộ Tài chính, thông lệ những tháng đầu năm thì chi đầu tư phát triển thường chậm do các bộ ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời cũng ảnh hưởng do dịp Tết nguyên đán.

Trong khi đó, việc chi thường xuyên trong đó có thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội và chi phục vụ hoạt động các cơ quan đơn vị… tương đối đều trong năm. Và việc chi trả nợ thì theo tiến độ của các khoản nợ đến hạn.

Qua kết quả thực hiện 4 tháng, Bộ Tài chính cho biết chi thường xuyên trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 32,1%, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước là phù hợp với dự toán.

Trong thực tế, cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, đảng, đoàn thể chiếm 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển 4 tháng đầu năm mới đạt 16,3% dự toán; giảm 5,2% so với cùng kỳ là “vấn đề đáng lo ngại, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới”.

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng hợp báo cáo của các bộ ngành, địa phương năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó, tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước là 47.945 tỷ đồng, tiết kiệm tại doanh nghiệp là 3.456 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề bức xúc của xã hội. Trong đó có nguyên nhân từ nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước, tài sản công.

Theo đó, Bộ Tài chính cho hay xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan.

Đi kèm đó là vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Tin mới lên