Thị trường

'Chiếc bẫy ngọt ngào' của hãng xe công nghệ

(VNF) - Hợp tác với những hãng xe công nghệ với vai trò là “đối tác” nhưng càng ngày, các tài xế, nhà hàng càng cảm thấy không còn thấy hào hứng khi chính sách hiện tại khác hẳn với những gì các hãng chào mời ngày đầu.

'Chiếc bẫy ngọt ngào' của hãng xe công nghệ

Giá đắt hơn nhưng không thu thêm được gì

Quán cơm của chị Hai (quận 1, TP.HCM) luôn đông khách mỗi buổi trưa. Bữa ăn ngon ở đây chỉ 25.000 đồng/phần. Nhưng mức giá trên chỉ dành cho thực khách ăn tại chỗ. Cũng một phần cơm tương tự, nếu đặt hàng qua ứng dụng GrabFood để chuyển về nhà, khách hàng sẽ phải trả thêm 10.000 - 15.000 đồng, tương đương giá suất cơm lên 35.000 - 40.000 đồng/phần. Chị Hai buộc phải đội giá bởi phí chia sẻ doanh thu mà Grab đang lấy của quán là 25%/giá trị đơn hàng.

Khi suất cơm tăng giá lên 40.000 đồng/phần, Grab nghiễm nhiên cắt 10.000 đồng, người bán giữ lại 30.000 đồng. Vấn đề ở đây là việc nhích giá những phần cơm bình dân như vậy sẽ tác động tới hành vi tiêu dùng của thực khách.

“Dù rất muốn nhưng tôi không thể để giá bán các đơn đặt hàng bằng với giá ăn tại chỗ được. Ứng dụng giao hàng sẽ hưởng phần giá chênh lệch tăng thêm chứ quán không thu được gì cả”, chị Hai nói.

Theo khảo sát, hiện tiền chia sẻ doanh thu bán hàng qua ứng dụng Baemin là 25%/đơn, Loship 27,5%/đơn, Foody 18%/đơn, GrabFood 25%/đơn. Không chỉ tiệm cơm vỉa hè bình dân, những nhà hàng cao cấp hơn cũng nhận định, khi hợp tác với hãng công nghệ, quán ăn không có thêm đồng lãi nào, thậm chí lượng khách tăng lên không là bao vì giá cao.

Chị Phương Thảo - chủ quán bún đậu (quận 7, TP.HCM) phản ánh, quán hợp tác bán hàng qua Foody với phí chia sẻ 18%/đơn. Khách đặt qua ứng dụng phần lớn là sinh viên và chỉ mua hàng khi được khuyến mại. Khi áp dụng mã khuyến mại, quán phải tự gánh toàn bộ phần thiệt do giảm giá đơn hàng đó. Còn nếu không khuyến mại thì lượng khách giảm ngay.

Sau 4 năm kinh doanh quán ăn kết hợp với các ứng dụng giao hàng, Chị Thảo cho rằng, bán hàng ăn qua ứng dụng chỉ như hình thức hỗ trợ, quảng cáo thêm, lợi nhuận không đáng kể.

Với các hình thức khuyến mại sâu liên tục được tung ra cho người tiêu dùng, chi phí này đánh hoàn toàn vào doanh thu và lợi nhuận của nhà hàng. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ vào ứng dụng đặt đồ nhiều hơn, họ lập tức trả phí sử dụng cho các hãng công nghệ. Một mũi tên trúng nhiều đích.

“Hết khuyến mại là hết khách. Chương trình giảm giá tới 50% thì nhà hàng tự chịu, còn hàng ngày phải nâng giá bán lên để giữ lợi nhuận vì phí chia sẻ quá cao, dẫn đến khách không đặt. Doanh thu bị ảnh hưởng vì bán hàng chậm, tiền chênh thì hãng xe công nghệ lấy chứ quán ăn không thu được đồng nào”, anh Hải - chủ quán cơm văn phòng (quận 3, TP.HCM) phân tích.

Giao 1 đơn đặt hàng, lấy tiền 3 bên

Các ứng dụng giao hàng hiện đang lấy tiền 3 bên chỉ trong 1 đơn đặt hàng. Khoản tiền chảy vào túi của các hãng công nghệ gồm có: phí chia sẻ doanh thu (nhà hàng trả), phí chiết khấu (tính trên giá trị đơn hàng tài xế giao), phụ phí do người mua hàng trả.

Với đội ngũ giao hàng (shipper) – những người được gọi là đối tác của các hãng xe công nghệ, chính họ cũng không thể hiểu được cách tính phí và chiết khấu hiện nay của các đơn vị. Cùng một ứng dụng nhưng cách hiển thị lịch sử giao đơn hàng lại khác nhau trên điện thoại của các shipper.

Anh Thanh Hải – một tài xế Grab, cho hay ngoài mức chiết khấu khoảng 28% mà Grab lấy lại từ tổng hóa đơn thanh toán thì công ty này còn có các khoản phụ phí khác mà chính anh cũng không thể nắm rõ.

Dẫn chứng, một đơn hàng sử dụng dịch vụ GrabExpress siêu tốc có tổng giá 24.000 đồng, Grab lấy 2.000 đồng phí dịch vụ. Như vậy, shipper được tính thu nhập gốc là 22.000 đồng, sau khi trừ đi phần chiết khấu khoảng 28% (6.000 đồng) thì thực tiền shipper có được là 16.000 đồng.

Trong khi đó, khoản phụ thu trời mưa lại được Grab tính kiểu khác. Chẳng hạn, đơn hàng ngày mưa sẽ có giá tăng thêm khoảng 10.000 đồng/đơn. Grab tính số tiền này vào tổng giá trị đơn và lấy thêm 28% chiết khấu của đối tác trên phần phụ thu (2.800 đồng/đơn hàng). Cũng theo tài xế Hải, trước đây, các khoản phụ phí được ghi rõ trong lịch sử mỗi cuốc giao hàng nhưng giờ chỉ hiển thị phần tiền tài xế nhận được nên họ không thể biết hãng thu thêm bao nhiêu phụ phí từ khách.

Hay ở đơn hàng khác, Grab lại thu các loại phí như: phụ phí nhu cầu cao (500 - 1.000 đồng), phí nền tảng (1.000 đồng), Ride Cover (quyền lợi chuyến xe 2.000 đồng)...

Để kiểm chứng về số tiền Grab thu về trên một đơn hàng, phóng viên đặt một đơn giao bánh mì có tổng giá trị 51.000 đồng (cụ thể, tiền đồ ăn 30.000 đồng và phí phải trả 21.000 đồng). Khi giao đơn hàng đến nơi, tài xế chỉ thực lĩnh 11.636 đồng. Nếu đối chiếu tổng chiết khấu đơn hàng, Công ty Grab đã “ăn” khoảng 44,6% giá trị phí dịch vụ (21.000 - 11.636 = 9.364 đồng).

Nếu cộng thêm cả tiền chia sẻ doanh thu với cửa hàng bánh mỳ (30.000 x 25% = 7.500 đồng) thì tổng số tiền hãng công nghệ này đã thu là: 9.364 + 7.500 = 16.864 đồng, bằng khoảng 1/3 giá trị tổng đơn.

Những con số này tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ bởi với nhu cầu đặt đồ ăn cũng như giao hàng hiện nay khá cao, lượng tiền trích %/đơn hàng chảy vào túi các hãng công nghệ sẽ rất lớn.

Thêm nhiều loại phí, tiền về tay ai?

Tài xế Gojek - Hoàng Giang thông tin, khi đặt hàng qua ứng dụng, người mua trả riêng cho công ty 2.000 đồng phí sử dụng nền tảng, còn mức chiết khấu Gojek giữ lại của đối tác là 27%. Ngoài ra, một cuốc xe bình thường có giá khoảng 11.000 - 12.000 đồng/đơn thì ngày mưa có thể lên tới 27.000 đồng/đơn, tức là gấp đôi số tiền. Tuy nhiên, dù được tăng giá cước nhưng thực lĩnh của tài xế vẫn bị trừ đi khoản chiết khấu 27%.

Tài xế Baemin – Thành Hưng cũng nêu sự vô lý này. Theo anh Hưng, khi trời mưa, nhu cầu đặt đồ ăn tăng cao, khách hàng phải trả phí dịch vụ rất đắt nhưng tiền vào túi tài xế tăng không xứng đáng.

“Một đơn hàng 29.000 đồng thì tôi nhận chỉ khoảng 16.000 - 17.000 đồng, số tiền còn lại là công ty lấy. Tôi muốn hãng tăng phí vận chuyển một chút để tài xế thêm thu nhập. Các ứng dụng giao hàng công nghệ cần điều chỉnh giá cân bằng để các bên đều có lợi. Bởi, khi giá dịch vụ quá cao thì người dân sẽ cân nhắc, ít đặt đồ ăn bên ngoài, từ đó ảnh hưởng đến chính thu nhập của chúng tôi”, anh chia sẻ.

Mới đây, Grab công bố dự kiến thu thêm phụ phí nắng nóng. Tổng giám đốc Grab toàn cầu - ông Anthony Tan khẳng định, 100% nguồn thu từ phí nắng nóng ở thị trường Việt Nam sẽ dành cho đối tác tài xế. Tuy nhiên, khoản phụ thu thời tiết tăng thêm khi trời mưa mà Grab đang áp dụng lâu nay, tài xế vẫn phải chiết khấu lại cho hãng

Đó là lý do một đối tác của Grab – tài xế Lý Thanh Tuấn cho rằng, tiền phí nắng nóng dành riêng cho tài xế thì hợp lý, còn nếu vẫn chiết khấu qua lại cho hãng xe công nghệ thì thà đừng có còn hơn bởi sẽ làm đội giá vận chuyển, khiến khách không muốn đặt hàng. Trong khi, với mức chiết khấu hiện quá cao hiện nay, tài xế chạy liên tục từ 4h-19h tối, làm việc khoảng 14-15 tiếng/ngày phải rất chịu khó mới có thu nhập khoảng 500.000 đồng.

Báo cáo thường niên năm 2021 của Tập đoàn Grab cho thấy, năm 2021, doanh thu của hãng công nghệ này đạt 675 triệu USD, tương đương tăng trưởng khoảng 44% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 469 triệu USD).

Dẫu vậy, các khoản chi trong năm tài chính 2021 của Grab lên tới hơn 1 tỷ USD, trong đó: chi phí bán hàng và tiếp thị 241 triệu USD; chi phí nghiên cứu và phát triển 356 triệu USD; chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 545 triệu USD. Cả ba khoản mục chi phí này đều tăng so với năm 2019 và năm 2020.

Năm 2021, Grab lỗ ròng lên tới 3,555 tỷ USD – khoản lỗ này còn cao hơn 29,5% so với năm 2020 (lỗ ròng 2,745 tỷ USD). Đây là năm thứ 3 liên tiếp hãng công nghệ khổng lổ này lỗ tỷ USD.

Theo báo cáo về thị trường giao đồ ăn Việt Nam năm 2020 do Reputa thực hiện, dẫn đầu thị phần thảo luận toàn ngành là GrabFood với 33,38%, thứ hai là NowFood với 23,16%, thứ 3 là Baemin với 21,95%. Vào tháng 5/2020, Baemin đạt lượng thảo luận tương đương GrabFood ở cùng thời điểm khi thương hiệu này bắt đầu đẩy mạnh hoạt động truyền thông.

Tin mới lên