Tài chính

Chiến lược đầu tư nửa cuối năm: Cổ phiếu ngân hàng có phải lựa chọn tốt?

(VNF) - Dù khó ghi nhận màn trình diễn ấn tượng như trong nửa đầu năm nhưng nhiều cơ hội đầu tư vẫn khá triển vọng trong nửa cuối năm.

Chiến lược đầu tư nửa cuối năm: Cổ phiếu ngân hàng có phải lựa chọn tốt?

Chiến lược đầu tư nửa cuối năm: Cổ phiếu ngân hàng có phải lựa chọn tốt?

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021" tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định hiện nay là thời điểm tốt để giải ngân vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đặc biệt với tầm nhìn 6 tháng và xa hơn.

Ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment cho hay: "Với việc kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, kỳ vọng khống chế Covid-19 sớm, TTCK sẽ còn đi lên. Thống kê cho thấy, sau nhịp điều đỉnh thì thị trường có thể lên 30-40%. Tôi cho rằng, cuối năm nay, VN-Index có thể đạt 1.600-1.700 điểm với điều kiện Covid-19 được khống chế trong tháng 8-9".

Trong khi đó, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á, với độ mở chỉ sau Hồng Kông (Trung Quốc)…

"Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, giúp duy trì được đà tăng trong dài hạn. Với nhà đầu tư, dài hạn mới là quan trọng và Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực khi mọi thứ ổn định trở lại", ông Minh đánh giá.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì nhìn nhận trong dài hạn, dòng tiền có nhu cầu đầu tư trong dân là rất lớn, số lượng tài khoản mở mới vẫn ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua với hơn 100.000 tài khoản mở mới/tháng. "Sau đợt điều chỉnh vừa rồi, nhiều cổ phiếu đã về mức hấp dẫn là cơ hội cho nhà đầu tư mua", bà Lam nêu quan điểm.

Khuyến nghị về nhóm ngành cũng như cổ phiếu triển vọng trong nửa cuối năm nay, ông Lê Quang Minh cho biết MASVN đặt niềm tin vào các ngành: công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, logistics và bất động sản công nghiệp.

Theo ông Minh, nhu cầu chuyển đổi số ở mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân không chịu ảnh hưởng bởi dịch, thậm chí dịch bệnh còn khiến nhu cầu này tăng lên, nhờ đó các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi.

Với ngành nguyên vật liệu, ông Minh cho rằng cổ phiếu các ngành sắt thép, xi măng, cao su, đá giấy... sẽ còn tìm đến các đỉnh cao mới khi nền kinh tế phục hồi.

Ngành ngân hàng mặc dù đã qua đỉnh tăng trưởng, theo nhận định của ông Minh, nhưng đây là một trong những ngành ít ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhất. Minh chứng là hầu hết ngân hàng đều báo lợi nhuận quý II tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là ngành được cơ quan quản lý hỗ trợ, điển hình là sự ra đời của Thông tư 03.

Chứng khoán cũng là ngành được đánh giá cao nhờ lượng khách hàng tăng lên "chóng mặt". Ông Minh ví von rằng các công ty chứng khoán hiện nay đang cảm thấy "chật chội" vì nguồn vốn ít so với nhu cầu. Động thái tăng vốn cũng như triển khai định danh trực tuyến (eKYC) sẽ là cơ hội để các công ty chứng khoán bứt tốc, vượt lên nhau.

Trong khi đó, ngành logistics được hưởng lợi từ độ mở của nền kinh tế Việt Nam. Còn ngành bất động sản khu công nghiệp thì cơ hội đang "sáng" cho những doanh nghiệp nào còn quỹ đất tiềm năng, trong bối cảnh "nhiều nơi kêu hết đất bất động sản công nghiệp", theo lời ông Minh.

Nêu quan điểm về danh mục đầu tư nửa cuối năm, bà Nguyễn Thị Phương Lam cho hay VDSC lựa chọn nhóm doanh nghiệp liên quan đến xu hướng số hóa (công nghệ thông tin, tài chính, dịch vụ tài chính) bởi các doanh nghiệp này sẽ đón đầu được sự phục hồi kinh tế tốt nhất.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp xuất khẩu và phụ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, dựa trên kỳ vọng về sự phục hồi tiêu dùng ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Nhóm thứ ba là các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhưng có chuyển đổi về mô hình kinh doanh, chẳng hạn trước đây chỉ làm thương mại nhưng nay mở rộng ra các khâu khác trong chuỗi giá trị, nhờ đó ít chịu tác động của dịch Covid-19, chẳng hạn như biến động giá nguyên liệu hàng hóa...

Chuyên gia Lã Giang Trung thì khuyến nghị cụ thể 3 mã chứng khoán gồm: HPG, VHM và VHC. Ông tin rằng vào triển vọng dài hạn của HPG, đặc biệt là sau khi "siêu dự án" Dung Quất 2 hoàn thành; cùng với đó, VHM được ông đánh giá là nhà phát triển bất động sản hàng đầu với định giá hấp dẫn; còn VHC thì dựa trên cơ sở giá cá tra đã qua đáy và đang đi lên.

Ngân hàng có phải là lựa chọn đầu tư tốt?

Cùng ngày, một chương trình tư vấn đầu tư khác với chủ đề “Ngành Ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” cũng được diễn ra.

Nhìn lại, cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm dù gần đây điều chỉnh đáng kể.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán SSI, đánh giá ngân hàng là ngành đã có sự thay đổi rất tích cực so với chu kỳ tín dụng trước đây và điều này khiến cho định giá ngân hàng đang quay trở lại mức đỉnh.

Sự thay đổi này có thể kể đến: khả năng quản trị rủi ro của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều; nhiều giải pháp giúp tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động giảm, nhờ đó hỗ trợ lợi nhuận; ngân hàng ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng (trái phiếu, bảo hiểm, thẻ...) giúp nguồn thu ngày càng đa dạng hơn. Ngoài ra, yếu tố thuận lợi khách quan là lãi suất huy động thời kỳ này thấp hơn nhiều thời kỳ trước.

Tuy vậy, định giá hiện tại của các cổ phiếu ngân hàng Việt Nam không phải là thấp nếu so sánh với các ngân hàng trong khu vực, khi P/B hiện ở mức khoảng 2,1 lần, tương ứng với mức định giá trong khu vực của các ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận ROE trên 20%, trong khi hiện nay ROE trung bình của các ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức khoảng 15%.

Thêm vào đó, các ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức về vốn. Theo bà Phương, hiện các ngân hàng Việt Nam đang tuân thủ Basel II, một số ngân hàng tiến đến Basel III. Tuy nhiên, các ngân hàng trong khu vực phần lớn đã tuân thủ Basel III. Bên cạnh đó, việc tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng Việt Nam hiện tại đang không theo kịp tốc độ tăng tổng tài sản có rủi ro.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay để một ngân hàng được xếp hạng A theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước thì phải duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) trên 10% cho vốn cấp 1, trên 12% nếu tính cả vốn cấp 2.

"Chưa kể rằng nếu tới đây tiến tới Basel III thì CAR yêu cầu sẽ còn tăng thêm 2,5% so với hiện nay. Do vậy, ngân hàng lúc nào cũng ở trong xu thế bắt buộc phải tăng vốn, nhu cầu này lúc nào cũng rất bức thiết", ông Hưng bày tỏ.

Tuy vậy, cũng không thể không kể đến các yếu tố tích cực. Bà Phương đánh giá dư địa tăng trưởng về phí của các ngân hàng Việt Nam rất lớn so với các nước khác, đó là bởi vì mức độ thâm nhập của dịch vụ ngân hàng – tài chính tại Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo ước tính của chuyên gia SSI này, mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2021 sẽ chậm lại so với nửa đầu năm, khoảng 13%, nhưng nếu nhìn sang năm 2022, tăng trưởng sẽ quay trở lại mức 21%, là mức cao hơn mức tăng trưởng của các công ty niêm yết theo ước tính của SSI.

Ông Hưng thì nhấn mạnh đến khả năng thích nghi tốt của ngành ngân hàng so với các ngành khác, dù dịch nhưng đa phần các hoạt động ngân hàng vẫn được duy trì trong trạng thái online, điều này thậm chí còn tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng là không cần thiết bởi trên thực tế, theo ông Hưng, hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện nay khá ít, các ngân hàng vẫn còn "thèm thuồng", còn "cảm thấy thiếu".

Về lợi nhuận, quý III có thể ngân hàng bị ảnh hưởng nhưng quý IV sẽ lại phục hồi, theo quan điểm của ông Hưng.

Trên khía cạnh đầu tư cổ phiếu, bà Hoàng Việt Phương khuyến nghị rằng diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm nay sẽ có sự phân hóa, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cổ phiếu có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay và có câu chuyện riêng (chẳng hạn tăng vốn…) để làm động lực tăng trưởng cho dài hạn.

Tin mới lên