Tài chính

'Chiến thuật xe lu' của Hòa Phát: Đè bẹp đối thủ nhờ lợi thế 'khủng'?

(VNF) - Hòa Phát đang từng bước thực hiện "chiến thuật xe lu": tăng sản lượng, giảm giá bán, giành thị phần. Chiến thuật này được hỗ trợ bởi lợi thế "khủng": tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn này hiện đang cao hơn khoảng 15 - 19% các đối thủ. Nhiều đối thủ nhỏ thậm chí có thể phải ngừng hoạt động nếu Hòa Phát mạnh tay giảm giá.

'Chiến thuật xe lu' của Hòa Phát: Đè bẹp đối thủ nhờ lợi thế 'khủng'?

'Chiến thuật xe lu' của Hòa Phát: Đè bẹp đối thủ nhờ lợi thế 'khủng'?

"Hoà Phát là 'xe tăng, xe lu' đi thị trường giữa. Nhiều người đi thị trường ngách, nhưng Hoà Phát cứ đường thẳng mà đi. Mình tôn trọng họ, nhưng mình không có gì phải lo”, Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ hồi tháng 8/2016.

Hơn 2 năm sau, người ta mới mường tượng rõ ràng "chiến thuật xe lu" của Hòa Phát: tăng sản lượng, giảm giá bán, giành thị phần.

Trong báo cáo nhận định về Tập đoàn Hòa Phát mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra những phân tích đáng chú ý về chiến lược này của Hòa Phát.

Theo SSI, với kế hoạch sản lượng tiêu thụ đầy tham vọng trong năm 2019 ở mức 3,3 triệu tấn (tăng 39%), Hòa Phát có thể giảm giá bán để giành thị phần.

SSI cho hay, động thái này có thể khiến một số doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động nếu tỷ suất lợi nhuận giảm thêm 3-5%. 

Hòa Phát đang có lợi thế trong cuộc chiến giảm giá để giành thị phần, bởi so với các đối thủ, tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát cao hơn khoảng 15-19%. Tỷ suất lợi nhuận chung thậm chí còn có thể cải thiện bởi tỷ suất lợi nhuận của Khu liên hợp thép Dung Quất thậm chí còn cao hơn Khu liên hợp Hải Dương nếu chạy hết công suất, nhờ vào vị trí đắc địa và lợi ích kinh tế về quy mô.

Mặc dù có lợi thế lớn so với các đối thủ, Hòa Phát cũng không tránh khỏi những rủi ro chung của thị trường. Quý IV/2018, tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát giảm đáng kể do chi phí đầu vào tăng.

Được biết, giá quặng sắt đã tăng hơn 25% kể từ đầu tháng 1 lên mức đỉnh trong 4,5 năm đạt khoảng 90 USD / tấn, chủ yếu là do vụ vỡ đập của Vale, một trong 4 tập đoàn hàng đầu về khai khoáng trên thế giới ở Brazil. Vụ vỡ đập dẫn đến sản lượng giảm 50 triệu tấn, tương đương với khoảng 4,5% thị trường quặng sắt qua đường biển.

Do quặng sắt là một trong những nguyên liệu đầu vào trực tiếp cho lò cao của Hòa Phát và chiếm 30- 35% chi phí sản xuất thép, giá quặng sắt cao có thể dẫn đến chi phí sản xuất thép tăng.

Trên thực tế, Hòa Phát đã ngừng nhập khẩu nguyên liệu thô với giá cao trong những tuần gần đây và sử dụng lượng hàng tồn kho đủ cho 3 tháng sản xuất. Công ty cũng có thể tự cung 20-30% nhu cầu quặng sắt và mua 20-30% từ các nhà sản xuất trong nước với mức giá thấp hơn 20 USD/tấn so với giá toàn cầu hiện nay.

Ngoài ra, giá thép trong nước tăng 6% từ mức đáy vào ngày 18/12/2018 có thể giúp bù đắp một phần cho việc chi phí quặng sắt tăng.

Do đó, SSI cho rằng tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát có thể phục hồi trong quý I/2019 từ mức thấp trong quý IV/2018.

Cho năm 2019, SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát sẽ đạt 69,7 nghìn tỷ đồng (tăng 25%) và 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng 11%, nhờ sản lượng thép tiêu thụ tăng mạnh 42%.

Phía Hòa Phát cho biết, đối với dự án Dung Quất giai đoạn 1, nhà máy cán thứ hai với công suất 1,4 triệu tấn/năm, cũng như lò cao luyện thép dài đầu tiên có công suất 1 triệu tấn/năm, sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối quý II/2019, muộn hơn 2 tháng so với dự kiến trước đó.

Sau đó, 3 lò luyện thép tiếp theo sẽ được đưa vào hoạt động, mỗi lò có công suất 1 triệu tấn/ năm tại Khu liên hợp thép Dung Quất, có thể hoạt động sau mỗi 2 tháng. Do đó, toàn khu liên hợp sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2019.

SSI kỳ vọng kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ đạt tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2020 nhờ sự đóng góp đầy đủ của dự án Dung Quất, với ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2020 là 85,6 nghìn tỷ đồng (tăng 23,1%) và 12,7 nghìn tỷ đồng (tăng 33,3%).

Mặc dù triển vọng ngắn hạn và trung hạn khá tươi sáng nhưng vẫn có những rủi ro đáng kể. Đáng kể nhất là biến động giá thép, khi lợi nhuận của Hòa Phát có thể chịu ảnh hưởng nếu công ty không thể chuyển hoàn toàn chi phí đầu vào sang giá bán trong bối cảnh nhu cầu thị trường giảm.

Ngoài ra, dự án khu liên hợp thép Dung Quất có thể có khả năng sinh lời thấp hơn dự kiến trong những năm đầu hoạt động.

Doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2018 của Hòa Phát đạt 55,8 nghìn tỷ đồng (tăng 21%) và 8,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7%).

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và ống thép năm 2018 đạt 2,37 triệu tấn và 654 nghìn tấn, tăng 9%. Công ty duy trì thị phần hàng đầu ở mức 23,8% đối với thép xây dựng và 27,5% đối với ống thép năm 2018, so với 23,9% và 26,4% tương ứng trong năm 2017.

Tin mới lên