Ngân hàng

Chiêu lừa đảo qua điện thoại, chiếm tiền trong tài khoản ngân hàng

(VNF) - Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tội phạm công nghệ cao đang thực hiện các chiêu thức lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.

Chiêu lừa đảo qua điện thoại, chiếm tiền trong tài khoản ngân hàng

Cảnh giác với các đường link, các yêu cầu lạ trên điện thoại thông minh.

Lừa nâng cấp sim điện thoại

Dư luận đang xôn xao trước các vụ khách hàng báo mất 2,1 tỷ đồng và 5,3 tỷ đồng trong tài khoản tiền gửi online vì bị chiếm đoạt sim điện thoại.

Thủ đoạn chiếm quyền sim điện thoại từng được các ngân hàng và cơ quan quản lý cảnh báo. Những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên mạng viễn thông gọi điện thoại hoặc nhắn tin đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí. Khi nạn nhân kích hoạt esim (sim điện tử) trên điện thoại, đối tượng lừa đảo có thể chiếm được quyền kiểm soát sim điện thoại của họ.

Từ số sim đã đăng ký dưới tên khách hàng, đối tượng lừa đảo gọi đến tổng đài tự động của ngân hàng, yêu cầu cấp lại tên đăng nhập Internet Banking, gửi về email mà khách hàng đã đăng ký trước đó với ngân hàng.

Sau đó, kẻ gian đăng ký báo quên mật khẩu và yêu cầu cung cấp lại mật khẩu đăng nhập mới rồi chiếm đoạt thông tin tài khoản của khách hàng để tất toán sổ tiết kiệm online của khách hàng mở tại ngân hàng.

Tự xưng cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra

Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang. Theo đó, chỉ với các đầu số giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn hoặc thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra.

Sau đó, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân.

Tiếp theo, kẻ gian sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.

Giả danh ngân hàng

Các đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo nhân viên ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email… mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng.

Việc lừa đảo được thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.

Gọi điện, nhắn tin thông báo trúng thưởng

Kẻ gian giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao như xe máy, điện thoại, đồng hồ hoặc tiền mặt… của một chương trình nào đó.

Tuy nhiên, để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.

Thông báo nhận quà từ nước ngoài

Các đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân. Sau đó, các đối tượng này sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam.

Nhưng để nhận quà, người bị hại phải nộp các khoản tiền như: thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp.

Phòng tránh lừa đảo chiếm tiền trong tài khoản qua điện thoại

Theo cơ quan chức năng, để không mắc bẫy các đối tượng xấu, cần cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư/căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

Không nên truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.

Tuyệt đối không được cho mượn hay mua bán các giấy tờ như chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát.

Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản mạng xã hội.

Không chuyển, nộp tiền cho bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi bạn chưa biết rõ họ là ai.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an.

Tin mới lên