Ngân hàng

Chính phủ có thể cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ‘ngân hàng 0 đồng’

(VNF) – Với đề xuất đưa biện pháp "Được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ" vào nhóm biện pháp hỗ trợ các "ngân hàng 0 đồng", việc sử dụng tiền ngân sách để "giải cứu" ngân hàng xem như đã có đề xuất chính thức.

Chính phủ có thể cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ‘ngân hàng 0 đồng’

"Ngân hàng 0 đồng" có thể được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến "ngân hàng 0 đồng" đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thiện trong dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, theo đó, thuật ngữ "0 đồng" đã chính thức xuất hiện trong dự thảo khi NHNN đề xuất chỉ mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém với giá mua 0 đồng.

Để trở thành "ngân hàng 0 đồng", TCTD yếu kém phải đáp ứng 4 điều kiện bắt buộc. Đầu tiên, trước khi được mua lại bắt buộc, TCTD yếu kém phải được áp dụng biện pháp phục hồi, nếu kết quả phục hồi không như tiêu chí hoặc NHNN đánh giá TCTD yếu kém không còn khả năng phục hồi thì mới tính đến phương án mua lại bắt buộc.

Thứ hai, TCTD được kiểm soát đặc biệt phải là ngân hàng thương mại. Tiếp đến, việc mua lại bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt phải nhằm mục đích tránh ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống.

Thứ tư, giá trị thực vốn điều lệ của TCTD yếu kém phải nhỏ hơn 0 đồng.

Khi TCTD yếu kém đáp ứng được 4 điều kiện trên, đồng thời có TCTD đề xuất mua TCTD yếu kém và phương án mua lại khả thi thì NHNN sẽ chỉ định TCTD đó mua lại bắt buộc TCTD yếu kém với giá 0 đồng. Trong trường hợp không có TCTD nào đề xuất mua, NHNN sẽ mua lại bắt buộc TCTD yếu kém với giá 0 đồng.

Đáng chú ý, tại Điều 31 về Biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc, NHNN có đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó có biện pháp: Được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ.

Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến, bởi một khi Chính phủ cấp vốn điều lệ cho ngân hàng thì chắc chắn đó là tiền ngân sách. Điều này đồng nghĩa, việc sử dụng tiền ngân sách để "giải cứu" ngân hàng đã có đề xuất chính thức.

Ngân hàng 0 đồng GPBank

"Ngân hàng 0 đồng" có thể được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ

Trước nay, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng không nên sử dụng tiền ngân sách để "giải cứu" ngân hàng vì lo ngại tiền thuế của dân được dùng không đúng mục đích, tính công bằng bị ảnh hưởng, hơn nữa, ngân sách hiện nay cũng không được dồi dào.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại ủng hộ vì cho rằng sớm muộn gì tái cơ cấu ngân hàng cũng phải bỏ tiền ngân sách ra. Riêng về trường hợp "ngân hàng 0 đồng", điều bắt buộc phải làm ngay là tiến hành bổ sung vốn điều lệ, nếu người mua là NHNN thì nguồn tiền không đâu khác, chỉ có thể là tiền ngân sách. Thậm chí, kể cả khi tiến hành phá sản ngân hàng, Chính phủ vẫn phải dùng tiền ngân sách để trả đầy đủ tiền gửi cho người dân nhằm tránh đổ vỡ thanh khoản hệ thống.

Bên cạnh biện pháp "Được Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ", "ngân hàng 0 đồng" còn có thể được hỗ trợ bằng các biện pháp như không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, trích lập dự phòng; được bán nợ xấu không đủ điều kiện; vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ NHNN; miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; giãn lộ trình nhận diện nợ xấu trong các khoản phải thu và lãi dự thu.

Đặc biệt, các "ngân hàng 0 đồng" còn có thể được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%; vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất đến 0%; vay đặc biệt từ NHNN với lãi suất đến 0%; nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi; mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp của TCTD hỗ trợ.

Tin mới lên