Tài chính

Chính phủ đã vay tiền dân như thế nào trong 2 cuộc kháng chiến?

(VNF) – Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chính phủ đã nhiều lần phát hành các loại công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia, công trái nuôi quân… nhằm huy động vốn trong dân phục vụ cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.

Chính phủ đã vay tiền dân như thế nào trong 2 cuộc kháng chiến?

Các loại công trái, công phiếu được Chính phủ phát hành trong 2 cuộc kháng chiến

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, lịch sử vay tiền dân của Chính phủ được bắt đầu vào tháng 7/1946, khi đợt phát hành công trái đầu tiên (với tên gọi Công Thải) được tổ chức ở Nam Bộ.

Đến ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 160-SL chính thức cho phép phát hành trong toàn quốc "Công phiếu kháng chiến" với tổng số tiền là 500 triệu đồng bạc.

Sắc lệnh nêu rõ: "Trong những trường hợp và theo những thể thức do Bộ Tài chính ấn định, công phiếu kháng chiến sẽ lưu hành và có giá trị như giấy bạc, theo đúng sổ tiết ghi ở trên phiếu. Công phiếu kháng chiến cũng được miễn tất cả các thứ thuế hiện có hoặc sẽ đặt ra, kể cả thuế trước bạ, nỗi khi chuyển dịch".

Chính phủ đã vay tiền dân như thế nào trong 2 cuộc kháng chiến? ảnh 1

Sắc lệnh 160-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ban hành, cho phép phát hành Công phiếu kháng chiến

Như vậy, việc phát hành công phiếu kháng chiến của Chính phủ nhằm 2 mục đích: một là huy động số tiền nhàn rỗi trong dân để phục vụ sản xuất và chiến đấu, hai là dùng công phiếu kháng chiến như một dạng tiền dự trữ.

Sắc lệnh 160 đã giao Bộ trưởng Bộ Tài chính đảm nhiệm việc phát hành công phiếu kháng chiến. Chiểu Sắc lệnh thi hành, Bộ Tài chính cùng các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức xã hội, đoàn thể ... đã tổ chức triển khai công phiếu kháng chiến trên toàn quốc.

Lần lượt Nghị định số 43 ấn định nguyên tắc và chi tiết phát hành công phiếu kháng chiến, Thông tư số 742 giải thích chi tiết Sắc lệnh 160 và Nghị định 43 được ra đời.

Đến năm 1950, Chính phủ cho phép phát hành loại Công trái quốc gia ghi mệnh giá bằng thóc, tổng số phát hành 100.000 tấn thóc.

Chính phủ đã vay tiền dân như thế nào trong 2 cuộc kháng chiến? ảnh 2

Tổng lại, trong suốt thời kì kháng chiến, Chính phủ đã phát hành công phiếu kháng chiến trong các năm 1948, 1949, 1950, 1951, 1952; phát hành công trái quốc gia năm 1951; phát hành công trái Nam-Bộ năm 1947, 1958; phát hành công phiếu nuôi quân năm 1964. Ngoài ra còn có những khoản vay khác (tiền hoặc lương thực) do các cơ quan chính quyền từ cấp huyện trở lên vay theo lệnh của cấp trên để mua sắm vũ khí, nuôi quân đánh giặc...

Chính phủ đã vay tiền dân như thế nào trong 2 cuộc kháng chiến? ảnh 3

Năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 108-CT cho biết từ cuối năm 1979, các địa phương đã tiến hành thanh toán các khoản nhà nước vay dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tuy nhiên, do đây là một vấn đề phức tạp, việc hướng dẫn lại chưa rõ ràng, các địa phương gặp nhiều lúng túng. Một số địa phương đã thanh toán cả những khoản dân đóng góp để làm nghĩa vụ công dân, những khoản lạc quyên do chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tự tổ chức để ủng hộ kháng chiến, uý lạo bộ đội. Nhiều địa phương khoán trắng cho ban thanh toán nợ dân và đã để xảy ra những sự việc lạm dụng, thanh toán tràn lan.

Do đó, Nhà nước đã có hướng dẫn: Chỉ thanh toán những khoản mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vay dân để giải quyết nhu cầu chi tiêu cần thiết của Nhà nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là những khoản mà người cho vay và cơ quan nhận vay đều ý thức rằng sẽ được trả và phải hoàn trả (như đã dẫn ở trên).

Đến tháng 9/1998, Bộ Tài chính ra công văn hướng dẫn nêu rõ, Bộ đồng ý gia hạn các khoản trả nợ cho dân trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đến 31/12/1998 và về nguyên tắc, thời hạn thanh toán nợ dân đã kết thúc.

Tuy nhiên, trong một văn bản mới ban hành mới đây, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình ngày 7/6/2017, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và việc trả nợ được thống nhất trên cả nước, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp tục thanh toán các khoản còn nợ người dân có chứng từ gốc, theo văn bản hướng dẫn trước đây. Nguồn kinh phí chi trả được lấy từ nguồn đảm bảo xã hội của ngân sách địa phương.

Bình luận về việc tiếp tục thanh toán các khoản "nợ đọng" này của Chính phủ, TS Cấn Văn Lực – Giám đốc Trường đào tạo BIDV, cho rằng đây là hành động hợp lý. "Còn nợ thì còn phải thanh toán, kể cả nợ 1 đồng, 2 đồng cũng nên trả. Bởi nó đảm bảo quyền lợi của nhân dân và của cả nhà nước".

Về phương thức trả, TS Lực cho rằng chắc chắn Bộ Tài chính sẽ có những tính toán, phương án thanh toán cụ thể, trình Thủ tướng phê duyệt vì nếu thanh toán theo cách thông thường thì người dân sẽ không nhận được bao nhiêu.

Đây cũng là quan điểm của chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh. Ông Ánh cho rằng nếu tiền mất giá theo lạm phát thì phải chịu, điều chỉnh theo lạm phát rất khó. "Tuy nhiên, Chính phủ nên có sự điều chỉnh có lợi cho dân. Ví dụ ngày xưa dân mua 10 đồng công trái, qua đổi tiền chỉ còn có 1 đồng thì bây giờ Chính phủ thanh toán nên nhân thêm 10 đồng chẳng hạn để trả. Số tiền bù đắp không đáng bao nhiêu, nhưng nên làm như vậy để ghi nhận sự đóng góp về tài chính của người vào 2 cuộc kháng chiến. Còn không thì việc thanh toán gần như là vô nghĩa, chẳng có giá trị gì", ông Ánh nhận định.

Tin mới lên