Tài chính

Chính phủ giảm mức bảo lãnh các dự án xuống còn tối đa 70%

(VNF) - Theo quy định mới, kể từ ngày 1/3, mức bảo lãnh chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án.

Chính phủ giảm mức bảo lãnh các dự án xuống còn tối đa 70%

Bảo lãnh chính phủ đối với các dự án đã giảm từ 80% xuống còn không vượt quá 70%

Sáng 1/3, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề "Những nội dung chính của Nghị định số 04/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ".

Tại cuộc họp, ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, để giảm thiểu rủi ro cho Chính phủ trong bảo lãnh cho các doanh nghiệp, dự án vay vốn, theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/3 tại Nghị định 04/2017 thay thế Nghị định 15/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, thì mức bảo lãnh chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của dự án. 

Mức bảo lãnh tối đa 70% áp dụng đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; mức bảo lãnh cao nhất 60% áp dụng với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; và mức bảo lãnh tối đa 50% áp dụng đối với các dự án khác.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, theo quy định mới, giá trị tài sản thế chấp được quy định rõ với mức tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại mới mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm; đồng thời bổ sung thêm hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp vào yếu tố tính phí bảo lãnh.

Ông Hải cho hay, việc áp dụng các quy định mới trên sẽ khắc phục một số tồn tại, bất cập trong cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ như: vai trò của cơ quan chủ quản trong quy trình thẩm định, cấp bảo lãnh của chính phủ còn mờ nhạt, chưa rõ ràng, nhất là vai trò chủ quản của các bộ đối với các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường các công cụ giám sát, quản lý rủi ro đối với cấp bảo lãnh chính phủ...

Trả lời các câu hỏi liên quan đến giá trị bảo lãnh của Chính phủ cho một số dự án như Công ty giấy, Xi măng, Nhà máy sơ sợi, ông Hoàng Hải cho biết, theo Quyết định số 908 của Thủ tướng về Chiến lược nợ công thì nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2020 là không quá 12%. Hiện nay, do cơ chế tiếp tục siết chặt bảo lãnh thì dư nợ hiện nay đang khoảng 10,2% GDP và kế hoạch dự kiến đến năm 2020 duy trì dư nợ Chính phủ bảo lãnh so với GDP ở mức không quá 10%. "Nếu thấp hơn đc thì càng tốt", ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết thêm, những đơn vị được Chính phủ cấp bảo lãnh nhiều nhất là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines),…

Chưa nói cụ thể mức bảo lãnh của từng đơn vị nhưng giải thích cho việc cấp bảo lãnh lớn cho các đơn vị trên, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp này bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh thì còn nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa là các khoản bảo lãnh chỉ cấp cho doanh nghiệp Nhà nước

Tin mới lên